Biến chủng “tàng hình”
QPTĐ-Theo số liệu thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), hiện nay chủng “tàng hình” BA.2 đã xuất hiện ở 92 quốc gia và đang gây nên tình hình dịch bệnh khá phức tạp. Các nhà khoa học phát hiện BA.2 là biến chủng phụ của Omicron. BA.2 có khả năng lẩn tránh test nhanh, nhưng lại bị phát hiện bằng xét nghiệm PCR. Chúng không gây triệu chứng nghiêm trọng hơn phiên bản gốc BA.1, song BA.2 lại lây truyền nhanh hơn.
BA.2 đang hoành hành ở Nam Phi và các quốc gia khác như Mozambique, Senegal, Botswana, Mauritius, Kenya và Malawi. Cơ quan An ninh Y tế Quốc gia Anh (UKHSA) cho biết, các ca nhiễm BA.2 tiếp tục phát triển nhanh ở nhiều nước trên thế giới, nhất là ở London (Anh) tỷ lệ lên đến 63%. BA.2 cũng chiếm đến 11,6% tại Mỹ. Chủng tàng hình lần đầu được ghi nhận tại Thành phố Hồ Chí Minh với số ca nhiễm tăng cao nhanh chóng. Biến thể Omicron cũng đã được ghi nhận ở 20/30 quận, huyện, thị xã ở Hà Nội, trong đó biến thể BA.2 chiếm tới 87% tổng số mẫu phát hiện biến thể Omicron. Sở Y tế Hà Nội cho biết, số mắc mới trong những ngày gần đây đã lên mức trên 32.000 ca Covid-19, là số ca bệnh được ghi nhận nhiều nhất tại Hà Nội và cao nhất tại 1 địa phương trong cả nước từ khi dịch xuất hiện.
Trao đổi với báo chí, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, trong thời gian gần đây số mắc mới gia tăng nhanh tại hầu hết các tỉnh, thành phố, nhưng tỷ lệ tử vong trên số ca mắc giảm mạnh do tỷ lệ bao phủ vaccine cao trên phạm vi toàn quốc, nhất là đối tượng nguy cơ cao đã được quản lý, chăm sóc đầy đủ, kịp thời. Tuy nhiên, do biến thể Omicron có xu hướng gia tăng lây nhiễm nhanh và dần chiếm ưu thế ở nhiều tỉnh, thành phố nên WHO và giới nghiên cứu nhận định, dịch Covid-19 chưa thể được kiểm soát trong năm 2022, và cũng có thể xuất hiện các chủng mới nguy hiểm hơn làm cho dịch diễn biến phức tạp khó lường, số ca nhiễm vẫn có thể tăng nhanh ngay cả khi đã tiêm vaccine, nếu không duy trì các biện pháp phòng, chống dịch. Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên cũng cho rằng, Việt Nam đã có nhiều bài học quý được đúc kết từ thực tiễn phòng, chống dịch; năng lực ứng phó của hệ thống y tế đã ngày một nâng lên trong thời gian qua; chiến lược vaccine đã phát huy hiệu quả là điều kiện để thực hiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 theo Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ.
Trong thời gian tới, với nhu cầu đi lại, mở cửa trở lại các cấp học, trường học; mở cửa du lịch, đồng thời với việc nới lỏng cách ly y tế, dỡ bỏ các hạn chế đối với hoạt động vận chuyển hành khách trên tất cả các phương tiện, dự báo lượng khách quốc tế đi, đến Việt Nam sẽ gia tăng, nguy cơ lây nhiễm vì thế cũng sẽ rất cao, tạo áp lực lên hệ thống y tế, đặc biệt tại tuyến cơ sở. Các ca bệnh chuyển nặng nếu không được theo dõi, phát hiện và chuyển tầng kịp thời, sẽ dẫn tới nguy cơ tử vong. Do đó, theo các chuyên gia, Việt Nam cần phải hoàn thiện Chương trình phòng, chống dịch Covid-19 năm 2022-2023, trong đó tập trung chủ yếu các nội dung: Bảo đảm đạt tỷ lệ bao phủ vaccine phòng Covid-19 và chủ động cung ứng vaccine; kiểm soát sự lây lan của dịch Covid-19; nâng cao năng lực hệ thống y tế, đặc biệt là y tế dự phòng và y tế cơ sở; tăng cường đầu tư trang thiết bị cơ sở y tế, có các chế độ chính sách đãi ngộ phù hợp với những người làm nhiệm vụ y tế dự phòng, y tế cơ sở; tăng cường chất lượng cấp cứu và hồi sức tích cực ở cơ sở khám bệnh, chữa bệnh các tuyến. Cần tiếp tục thực hiện hiệu quả nguyên tắc: 5K+vaccine, thuốc điều trị+công nghệ+ý thức người dân. Rà soát cơ chế cung ứng thuốc kháng virus điều trị Covid-19; sử dụng thuốc điều trị Covid-19 tại nhà theo hướng đơn giản, thuận tiện bảo đảm khoa học và hiệu quả nhất.
Nguyễn Hữu