A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Nhận biết hạ canxi máu

QPTĐ- Hạ canxi máu có thể gây những biến chứng nguy hiểm cho cơ thể nên cần được phát hiện và can thiệp kịp thời.

Hạ canxi máu có thể gây những biến chứng nguy hiểm.

Hạ canxi máu là gì?
Canxi là một trong những khoáng chất quan trọng đối với cơ thể. Canxi tham gia vào hoạt động co cơ, dẫn truyền thần kinh, quá trình đông cầm máu và giải phóng hormon của cơ thể. Theo khuyến cáo, cơ thể người trưởng thành cần được cung cấp khoảng 1000mg canxi/ngày, khi đó sẽ có khoảng 200-400mg canxi được hấp thu tại ruột, khoảng 200mg canxi bị đào thải qua mật và các dịch tiêu hóa, lượng còn lại theo phân thải ra ngoài. 

Ngoài ra, cũng khoảng 200mg canxi được bài tiết qua thận. Có đến 99% lượng canxi trong cơ thể được dự trữ tại xương, chỉ có 1% canxi ở dạng tự do-đóng vai trò như một hệ đệm, có thể trao đổi với dịch ngoại bào để điều chỉnh nồng độ canxi máu khi cần thiết. Bình thường, nồng độ canxi máu nằm trong khoảng từ 8.8 đến 10.4mg/gL (2.2-2.6mmol/l). Hạ canxi máu là tình trạng nồng độ canxi huyết thanh thấp hơn mức bình thường (8,8mg/dL) hoặc hàm lượng canxi ion hóa bão hòa trong máu dưới 4,7mg/dL.

Nguyên nhân dẫn đến hạ canxi máu
Hạ canxi máu xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau, bệnh có thể đến từ chế độ sinh hoạt, ăn uống hay xuất hiện từ biến chứng của một số bệnh khác. Để xác định được chính xác nguyên nhân tình trạng hạ canxi, người bệnh nên được chẩn đoán bởi bác sỹ chuyên khoa tại các cơ sơ y tế uy tín. Nguyên nhân phổ biến dẫn đến hạ canxi máu là suy tuyến cận giáp, khiến lượng hormone tuyến cận giáp được tiết ra ít hơn lượng trung bình. Mức hormone tuyến cận giáp thấp sẽ khiến mức canxi trong cơ thể cũng xuống thấp.

Suy tuyến cận giáp còn có thể do di truyền, biến chứng sau phẫu thuật cắt bỏ tuyến giáp hoặc bệnh ung thư ở đầu và cổ.

Ngoài ra còn có một vài nguyên nhân khác khiến cơ thể bị hạ canxi, chẳng hạn như: Chế độ ăn uống không cung cấp đủ canxi hoặc vitamin D; bị nhiễm trùng; căng thẳng, lo lắng; bệnh lý về thận; do ung thư đang lan rộng; mức magie hoặc phosphate trong cơ thể không ổn định; truyền phosphat hoặc canxi từ ngoài vào; tiêu chảy, táo bón hoặc một số bệnh rối loạn đường ruột khiến việc hấp thụ canxi của cơ thể bị hạn chế; tác dụng phụ của một số thuốc như rifampin, phenytoin và phenobarbital; vận động thể chất quá mức.

Triệu chứng hạ canxi máu
Triệu chứng khởi đầu: Ban đầu bệnh nhân sẽ xuất hiện tình trạng tê môi, lưỡi và các đầu ngón tay, ngón chân nên không thể cử động để nói chuyện hay hoạt động tay chân bình thường được. Sau đó sẽ xuất hiện tình trạng co thắt các cơ của tay, còn gọi là hiện tượng “bàn tay đỡ đẻ” khiến các ngón tay không xòe ra được. Nếu tình trạng co thắt này xảy ra ở chân sẽ gây ra hiện tượng “dầu bàn đạp”, bàn chân duỗi ra như trong tư thế đạp xe.

Triệu chứng tiến triển: Sau triệu chứng ở tay chân, hạ canxi máu sẽ gây co thắt các vùng cơ mặt và cơ toàn thân gây đau đớn nghiêm trọng. Nếu các cơ hô hấp bị ảnh hưởng, bệnh nhân sẽ bị khó thở, nặng hơn là tình trạng co giật toàn thân hoặc khu trú. Triệu chứng hạ canxi máu xảy ra sau kích thích: Ở người bị hạ canxi tiềm tàng, tình trạng hạ canxi máu thường xảy ra khi có kích thích quá mức như cãi nhau, buồn bã, mệt mỏi, cảm sốt, tức giận, căng thẳng…

Biến chứng hạ canxi máu
Hạ canxi máu có thể dẫn đến tình trạng loãng xương, rối loạn nhịp tim, suy tim sung huyết, co thắt thanh quản, da khô, móng tay dễ gãy, sỏi thận hoặc lắng đọng canxi ở vị trí khác trong cơ thể, chứng mất trí nhớ, đục thủy tinh thể, chàm, các cơn tetani do hoạt động thần kinh quá mức (các triệu chứng cảm giác như dị cảm ở đầu chi, môi, lưỡi, bàn cổ chân, đau cơ lan tỏa, co cứng cơ vùng mặt, tay, chân), các chức năng vận động và thần kinh bị ảnh hưởng nhất định.

Trà Giang
 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ