A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Đẩy mạnh ứng dụng trí tuệ nhân tạo ở Việt Nam

 

QPTĐ-Trên thế giới và tại Việt Nam, trí tuệ nhân tạo (AI) được xem là một trong những công nghệ cốt lõi của cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0. Nhiều quốc gia bắt đầu ghi nhận xu thế phát triển tất yếu và tác động chuyển đổi to lớn của trí tuệ nhân tạo trong mọi mặt đời sống xã hội, có thể làm thay đổi cán cân quyền lực kinh tế, chính trị, quân sự. Trí tuệ nhân tạo dự báo trở thành công nghệ đột phá nhất trong 10 năm tới, nhờ có những tiến bộ về công suất tính toán, sự nhảy vọt về khối lượng, tốc độ và sự đa dạng của dữ liệu.

Nằm trong xu thế phát triển chung của thế giới, Việt Nam đã và đang từng bước phát triển các sản phẩm, dịch vụ ứng dụng trí tuệ nhân tạo. Ngày 26/01/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo đến năm 2030. Tiếp theo đó, hàng loạt các hoạt động nhằm phát triển hệ sinh thái trí tuệ nhân tạo, thúc đẩy hợp tác quốc tế trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo.

Khánh thành Trung tâm nghiên cứu quốc tế về Trí tuệ nhân tạo. (Ảnh: Internet)

Ứng dụng trí tuệ nhân tạo ở Việt Nam

Mặc dù có nhiều nghiên cứu, sáng tạo song đến nay, lĩnh vực trí tuệ nhân tạo ở Việt Nam còn rất mới. Theo các chuyên gia công nghệ, khoảng cách việc ứng dụng và phát triển các sản phẩm trí tuệ nhân tạo ở Việt Nam không quá xa so với nhiều nước phát triển trên thế giới. Vấn đề là để thúc đẩy công nghệ trí tuệ nhân tạo phát triển, cần có những cuộc vận động các doanh nghiệp công nghệ thông tin đầu tư cho lĩnh vực công nghệ tiềm năng này. Đầu tư phát triển công nghệ trí tuệ nhân tạo đúng hướng sẽ mang lại những thay đổi tốt đẹp cho cuộc sống, là lựa chọn, hướng đi của nhiều doanh nghiệp công nghệ trong tương lai.

Phát triển trí tuệ nhân tạo là vì con người chứ không phải thay thế con người. Trí tuệ nhân tạo không còn là câu chuyện khoa học mà là vấn đề kinh tế, xã hội để đưa Việt Nam phát triển. Khoa học-công nghệ nói chung đã phát triển vượt bậc. Thế giới đã thay đổi, minh bạch hơn, kết nối hơn, không chỉ kết nối giữa máy với máy, máy với con người mà là mối liên kết giữa con người với máy móc, chính phủ, doanh nghiệp, trường học…, và với cơ sở dữ liệu lớn và năng lực tính toán sẽ thúc đẩy trí tuệ nhân tạo phát triển.

Bản chất của trí tuệ nhân tạo vẫn là phát triển một xã hội an toàn, văn minh. Những dự án đang ứng dụng như thành phố thông minh, hỗ trợ di chuyển, kiểm soát an ninh, bảo mật thông tin đều phục vụ một đất nước hùng cường. Bộ Khoa học và Công nghệ đã có những tham mưu để phát triển công nghệ, trong đó có trí tuệ nhân tạo. Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ xác định công nghệ trí tuệ nhân tạo là sự đột phá, mũi nhọn cần được triển khai nghiên cứu. Chương trình khoa học trọng điểm, tập trung hỗ trợ nghiên cứu phát triển công nghệ trí tuệ nhân tạo, liên kết các nhà nghiên cứu, đầu tư, doanh nghiệp thúc đẩy, nghiên cứu và ứng dụng trí tuệ nhân tạo. Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng xác định trí tuệ nhân tạo là công nghệ đột phá, mũi nhọn cần thúc đẩy phát triển. Trong đó, nguồn nhân lực được ưu tiên, như đào tạo trong bậc đại học, hỗ trợ khu doanh nghiệp ứng dụng trí tuệ nhân tạo, ưu tiên đầu tư thông qua các quỹ, trung tâm đổi mới sáng tạo.
 
Những bước đi mạnh mẽ đầu năm 2021

Ngày 26/1/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo đến năm 2030. Chiến lược đặt mục tiêu đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo, đưa trí tuệ nhân tạo trở thành lĩnh vực công nghệ quan trọng của Việt Nam trong cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0. Đến năm 2030, Việt Nam trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo, phát triển các giải pháp và ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong khu vực ASEAN và trên thế giới.

Việt Nam phấn đấu nằm trong nhóm 4 nước dẫn đầu trong khu vực ASEAN và nhóm 50 nước dẫn đầu trên thế giới về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo; xây dựng được 10 thương hiệu trí tuệ nhân tạo có uy tín trong khu vực; phát triển được 03 trung tâm quốc gia về lưu trữ dữ liệu lớn và tính toán hiệu năng cao; kết nối được các hệ thống trung tâm dữ liệu, trung tâm tính toán hiệu năng cao trong nước tạo thành mạng lưới chia sẻ năng lực dữ liệu lớn và tính toán phục vụ trí tuệ nhân tạo. Đến năm 2030, Việt Nam hình thành được 3 trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia về trí tuệ nhân tạo. 

Ngày 31/3/2021, Đại học Bách khoa Hà Nội chính thức ra mắt Trung tâm Nghiên cứu quốc tế về Trí tuệ nhân tạo. Trung tâm này được thành lập theo mô hình trung tâm nghiên cứu quốc tế hỗn hợp với sự chung tay của Đại học Bách khoa Hà Nội và Tập đoàn NAVER (Hàn Quốc).

Trung tâm sẽ là nơi kết nối các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo trong nước và thế giới để triển khai các nghiên cứu cơ bản, tạo ra các công nghệ lõi “made in Vietnam”. Trung tâm cũng chú trọng phát triển ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong các ngành, các lĩnh vực khác nhau để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số và phát triển cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 tại Việt Nam.

Việc thành lập Trung tâm Nghiên cứu quốc tế về Trí tuệ nhân tạo là một phần của Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo đến năm 2030. Theo đó, Việt Nam đặt mục tiêu trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo, phát triển các giải pháp và ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong khu vực ASEAN cũng như trên thế giới. 

Ngày 24/4/2021, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức lễ ra mắt Chương trình đào tạo trí tuệ nhân tạo và công nghệ Robot (AIC). Chương trình được sự đầu tư của Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPPG) tại Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh và Trường Đại học Đà Lạt để thành lập trường đào tạo CEO và phát triển giáo dục trí tuệ nhân tạo. Chương trình gồm các hoạt động như: Chương trình Trí tuệ nhân tạo-Robotics và các khóa học hè cho học sinh, sinh viên; khóa đào tạo giáo viên Trí tuệ nhân tạo-Robotics từ cơ bản đến nâng cao; tổ chức các hội thảo về AI-Robotics cho cộng đồng và doanh nghiệp. Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh đang tham gia đào tạo, nghiên cứu về trí tuệ nhân tạo. Trường đang chuẩn bị thành lập Viện nghiên cứu Trí tuệ nhân tạo; đồng thời đảm nhận nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trình độ quốc tế, trong đó chủ trì nhiều đề án thành phần về công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo.

Song Hà


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ