A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hà Nội đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong năm 2022

QPTĐ-Thời gian qua, thành phố Hà Nội đã có nhiều nỗ lực cải cách thủ tục hành chính, phục vụ người dân, doanh nghiệp. Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, số ca F0 tăng mạnh, Thành phố tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính và cung cấp dịch vụ công trực tuyến, góp phần tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân. Tuy nhiên, tại không ít đơn vị, địa phương vẫn còn tình trạng chậm giải quyết các thủ tục hành chính cho người dân và doanh nghiệp, thậm chí còn dừng tiếp nhận, trả kết quả giải quyết hồ sơ trong thời gian kéo dài vì lý do có ca nhiễm Covid-19, ảnh hưởng rất lớn đến công việc của người dân, doanh nghiệp.

Ảnh minh họa (Internet).

Xuất phát từ tình hình thực tiễn như vậy, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Quyết định số 399 về kế hoạch cải cách hành chính nhà nước năm 2022. Mục tiêu là tạo bước chuyển mạnh mẽ, thực chất, hiệu quả công tác cải cách hành chính; cải thiện và nâng cao Chỉ số cải cách hành chính (PAR Index) và Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của các cơ quan nhà nước (SIPAS) của thành phố Hà Nội.

Các cấp, các ngành Thành phố xác định công tác cải cách hành chính là nhiệm vụ chủ yếu, thường xuyên, cải cách thủ tục hành chính và phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số là nhiệm vụ trọng tâm. Từ đó, hoàn thành các chỉ tiêu: Chỉ số PAR Index của Thành phố nằm trong 10 tỉnh, thành phố đứng đầu cả nước về công tác cải cách hành chính; mức độ hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của các cơ quan nhà nước đạt tối thiểu 86%.

Thành phố Hà Nội cũng đặt ra các mục tiêu phấn đấu trong năm 2022, đó là: Chuẩn hóa, tái cấu trúc quy trình, cắt giảm, đơn giản hóa tối thiểu 60% thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của Thành phố; tỷ lệ hồ sơ giải quyết trực tuyến mức độ 3 và 4 trên tổng số hồ sơ đạt tối thiểu 30%. Trên 99% số hồ sơ thủ tục hành chính được trả kết quả giải quyết đúng hạn, trước hạn; 100% kết quả xử lý hồ sơ thủ tục hành chính được đồng bộ đầy đủ trên Cổng dịch vụ công quốc gia; 30% người dân, doanh nghiệp khi thực hiện thủ tục hành chính không phải cung cấp lại các thông tin, giấy tờ, tài liệu đã được chấp nhận khi thực hiện thành công thủ tục hành chính trước đó, mà cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết thủ tục hành chính đang quản lý, hoặc thông tin, giấy tờ, tài liệu đã được cơ quan nhà nước kết nối, chia sẻ; 100% người dân chưa có danh tính điện tử khi thực hiện thủ tục hành chính tại bộ phận “một cửa” các cấp được cấp danh tính điện tử.

Thành phố Hà Nội giao các sở, ngành liên quan tập trung rà soát, tổng hợp kết quả giải quyết thủ tục hành chính còn hiệu lực; chuẩn bị điều kiện thực hiện số hóa; rà soát, mở rộng hệ thống “một cửa” điện tử của Thành phố, đáp ứng yêu cầu lưu trữ, tra cứu, khai thác kết quả giải quyết thủ tục hành chính còn hiệu lực đã được số hóa và việc số hóa trong quá trình tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Mục tiêu thực hiện số hóa kết quả giải quyết thủ tục hành chính còn hiệu lực đến năm 2022 đạt tối thiểu tương ứng 30%; 30% và 25% đối với kết quả thuộc thẩm quyền giải quyết của Thành phố, cấp huyện và cấp xã. Giai đoạn 2023-2025, tỷ lệ số hóa kết quả giải quyết thủ tục hành chính đã được giải quyết thành công mỗi năm tăng tối thiểu thêm 25% đối với mỗi cấp hành chính, bảo đảm đạt tỷ lệ 100% trước năm 2025.

Đáng chú ý, thành phố Hà Nội yêu cầu trong năm 2022, tỷ lệ xử lý văn bản, hồ sơ công việc (trừ hồ sơ mật) trên môi trường mạng đối với các sở, ngành và tương đương đạt 100%, đối với các phòng, ban và tương đương thuộc UBND cấp huyện đạt 80%, đối với UBND cấp xã đạt 70%; 100% hồ sơ, văn bản được gửi, nhận trên môi trường mạng tại các cấp chính quyền và các cơ quan Trung ương. Hoàn thành việc tích hợp, cung cấp thanh toán trực tuyến nghĩa vụ tài chính trong thực hiện thủ tục hành chính về đất đai trên Cổng dịch vụ công quốc gia. Tối thiểu 50% tổng số thủ tục hành chính liên thông qua rà soát được đơn giản hóa.

Theo kế hoạch, 100% cán bộ, công chức, viên chức của Thành phố được bồi dưỡng, nâng cao nhận thức về văn hóa giao tiếp, ứng xử, kỹ năng giải quyết công việc, trong đó có ít nhất 30% số cán bộ, công chức, viên chức được tập huấn, bồi dưỡng về kỹ năng phân tích và xử lý dữ liệu, dịch vụ công trực tuyến; 100% lãnh đạo các sở, cơ quan tương đương sở và chủ tịch, phó chủ tịch UBND cấp huyện, cấp xã; lãnh đạo các phòng chuyên môn của các sở, ban, ngành Thành phố và UBND cấp huyện được quán triệt, bồi dưỡng, nâng cao nhận thức đầy đủ về công tác cải cách hành chính, đặc biệt là việc cải thiện, nâng cao các chỉ số PAR và SIPAS.

Để tiếp tục thúc đẩy cải cách hành chính và đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân trong bối cảnh dịch bệnh, UBND thành phố Hà Nội vừa yêu cầu giám đốc, thủ trưởng các sở, ban, ngành, chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã tập trung đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; cắt giảm, đơn giản hóa quy trình, quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh, đổi mới việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính và thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử; nâng cao hiệu quả cung cấp dịch vụ công trực tuyến, hỗ trợ thiết thực cho người dân, doanh nghiệp trong bối cảnh dịch Covid-19.

Song Hà

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ