A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

“Vaccine và 5K”

 

QPTĐ-Thông tin về lô vaccine Covid-19 đầu tiên với hơn 117.000 liều đã về tới Việt Nam, đem lại niềm hy vọng mới trong cuộc chiến chống đại dịch của Việt Nam. Bộ Y tế cho biết, vaccine Covid-19 được sản xuất bởi Astrazeneca thông qua chuỗi cung ứng toàn cầu. Vaccine Astrazeneca đã được chứng minh là dung nạp tốt và hiệu quả trong việc ngăn ngừa Covid-19 có biểu hiện triệu chứng. Kết quả từ thử nghiệm lâm sàng cho thấy vaccine Covid-19 Astrazeneca bảo vệ 100% khỏi nguy cơ bệnh nặng, nhập viện và tử vong do Covid-19 từ thời điểm 22 ngày sau khi tiêm liều đầu tiên.

117.600 liều vaccine được vận chuyển từ máy bay để đưa vào kho bảo quản lạnh ở TP.HCM. Ảnh: VNVC

Tại cuộc họp của Thường trực Chính phủ với Thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19, nói về vaccine Astrazeneca về đến Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhắc nhở, không vì có vaccine mà chủ quan phòng, chống dịch. Theo Thủ tướng, một trong những nguyên nhân quan trọng giúp thế giới giảm ca mắc Covid-19 là có vaccine, nhưng dù có vẫn phải phòng bệnh. “Tôi nghe ý kiến số chuyên gia rằng cần tiếp tục các biện pháp phòng bệnh, không vì có vaccine mà chủ quan. Chiến lược chống dịch của Việt Nam là "vaccine và 5K".

Báo cáo tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, đến nay 10 địa phương của đợt dịch thứ 3 này đã trải qua nhiều ngày không ghi nhận ca bệnh gồm Hòa Bình, Điện Biên, Hà Giang, Bình Dương, Hưng Yên, Bắc Giang, Gia Lai, Bắc Ninh, TP Hồ Chí Minh và TP Hà Nội. Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long khẳng định, tình hình dịch trên cả nước về cơ bản đã được kiểm soát. Các địa phương đều đã triển khai các giải pháp phòng chống dịch theo chỉ đạo của Thủ tướng, của Ban Chỉ đạo Quốc gia, của Bộ Y tế. Về lộ trình cung ứng vaccine, Bộ trưởng cho biết, Quý I sẽ có 1,3 triệu liều; Quý II dự kiến có 9,5 triệu liều; Quý III có 25,9 triệu liều và Quý IV sẽ có 51,1 triệu liều. Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long báo cáo, số vaccine Astra Zeneca 117.000 liều, sẽ được tiêm cho các đối tượng là nhân viên y tế tại các cơ sở điều trị bệnh nhân Covid-19; tiếp đến là lực lượng bộ đội biên phòng đang làm nhiệm vụ tại các chốt, lực lượng công an tại các khu vực cách ly, phong tỏa, lực lượng lấy mẫu, truy vết, lực lượng phòng chống dịch tại các tổ Covid-19 cộng đồng, các phóng viên tác nghiệp tại khu vực có dịch... 

Theo các nguồn tin quốc tế, hiện thế giới đã có hơn hơn 200 triệu liều vaccine ngừa Covid-19 được tiêm cho người dân. Tiến độ tiêm chủng vaccine đã đạt được những thành quả mới sau những trục trặc ban đầu nhưng có thể thấy rằng, đến 45% số liều đã tiêm là tại các nước giàu thuộc nhóm G7. Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus mới đây cho biết, số người được tiêm vaccine ngừa Covid-19 trên thế giới đã vượt qua số ca mắc kể từ khi đại dịch bùng phát. Theo ông, về một mặt nào đó, đây là một tin tốt và là một thành tựu đáng kể mà thế giới đạt được trong một khoảng thời gian ngắn như vậy. Tuy nhiên, mặt khác, hơn 3/4 trong số này là ở 10 quốc gia chiếm gần 60% GDP toàn cầu.

Được tiêm vaccine ngừa Covid-19 là niềm mong đợi của mọi người, tuy nhiên để bảo đảm ai cũng có cơ hội tiếp cận nguồn vaccine trong điều kiện hiện nay, nước ta cần thực hiện các quy định được sắp xếp các đối tượng có mức độ ưu tiên theo tình huống dịch và trong bối cảnh nguồn vaccine cung cấp hạn chế tại Việt Nam. Bộ Y tế công bố 18,3 triệu người thuộc 11 nhóm ưu tiên tiêm vaccine Covid-19. Chiến lược của Việt Nam là sẽ có 100 triệu dân được tiêm vaccine, nhưng không thể tiêm cùng một lúc cho tất cả người dân, do đó ngay cả khi đã có vaccine, việc thực hiện khuyến cáo 5K của Bộ Y tế vẫn là điều quan trọng nhất, nhằm phòng, chống Covid-19.

PV
 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ