A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Vang mãi chiến công Tứ Tổng

QPTĐ-Địa danh Tứ Tổng (nay là phường Tứ Liên, quận Tây Hồ) đã đi vào trang sử vàng Thủ đô với sự kiện “cuộc rút lui thần kỳ” ngày 17/2/1947 của Trung đoàn Thủ đô. Nhịp sống bên bờ phía Tây bãi giữa nay đã khác, với những mái nhà hiện đại, những con đường bê tông với xe cộ nối đuôi nhau như mắc cửi. Cảnh vật đã đổi thay nhiều so với 74 năm về trước, nhưng bản hùng ca về những ngày tháng 2 lịch sử năm ấy vẫn sống mãi trong lòng người dân mảnh đất “châu ngọc”.

Chiến sĩ Trung đoàn Thủ đô vượt sông Hồng, rút khỏi Hà Nội, sáng 18-2-1947. (Ảnh tư liệu BTLSQG)

Chúng tôi men theo từng dòng ký ức năm xưa tìm về mảnh đất Tứ Tổng (trước năm 1956, phường Tứ Liên có tên là Tứ Tổng bao gồm: Nội Châu, Ngoại Châu, Vạn Ngọc, Ngọc Xuyên). Trong cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp xâm lược của dân tộc ta, Tứ Tổng là một căn cứ vững chắc ngay trong lòng địch. Nơi này nằm ở vị trí quan trọng, tiếp giáp với Liên khu I ở phía Tây Bắc, là đầu mối giao thông nối liền hậu phương trực tiếp của quận Lãng Bạc ngoại thành Hà Nội và tỉnh Hà Đông với Liên khu I trong suốt khoảng thời gian quân dân Thủ đô chiến đấu giam chân quân Pháp trong Thành phố. 

Sau 60 ngày đêm “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”, ta đã hoàn thành nhiệm vụ kìm chân và tiêu hao lực lượng của thực dân Pháp, đồng thời bảo vệ 38 nghìn người dân Liên khu I (thuộc 36 phố phường Hà Nội cũ) tản cư an toàn. Tuy nhiên, qua 2 tháng chiến đấu liên tục và ác liệt, trận địa của ta ở Liên khu I ngày càng bị thu hẹp; lương thực, vũ khí, đạn dược đã cạn, nguồn tiếp tế từ ngoài vào rất hạn chế. Trước tình hình đó, theo chỉ đạo của Bác Hồ, Trung ương Đảng và Bộ Tổng chỉ huy, Thành ủy và Bộ chỉ huy Mặt trận Hà Nội quyết định tổ chức cho Trung đoàn Thủ đô rời Liên khu I ra hậu phương bảo toàn và xây dựng lực lượng để kháng chiến lâu dài. Được lệnh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, chỉ trong vòng mấy tiếng đồng hồ, ngay trong đêm ngày 17/2/1947, Ban Chỉ huy Trung đội tự vệ Tứ Tổng đã huy động được 44 thuyền Tam Ban cùng hơn 100 người để đưa các cán bộ, chiến sĩ vượt vòng vây dày đặc của quân Pháp qua sông Hồng sang vùng tự do của ta. Một “cuộc rút lui thần kỳ” mà lịch sử mãi mãi ghi nhận.

Gần 75 năm đã trôi qua kể từ ngày lịch sử ấy, những người lính tự vệ, những người dân đưa cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn Thủ đô nay đã “cảnh còn người mất” nhưng chiến công của cha anh để lại vẫn được truyền lại qua bao thế hệ người dân nơi đây. Bên rặng lau trắng phất phơ cạnh bãi giữa sông Hồng, người cựu binh già Hoàng Văn Khiêm rưng rưng xúc động: “Nhân dân bí mật chở bộ đội liên tục trong đêm giá rét. Những chiếc thuyền vun vút lao trên sông trong sương mù dày đặc từ bãi Tam Lạc sang bãi Tàm Xá. Nguy hiểm nhất là việc qua gầm cầu Long Biên, bởi tại khu vực đó, địch kiểm soát rất gắt gao. Hai bên đầu cầu đều có xe bọc thép, xe tăng địch…xếp hàng trên thành cầu chĩa súng xuống dưới, đèn pha quét liên tục. Cha vợ tôi, ông Nguyễn Văn Giai khi ấy là người lái chuyến đò cuối cùng chở Trung đoàn qua sông. Nhưng lúc đưa các chiến sĩ đến bến an toàn cũng là lúc ông ra đi mãi mãi vì bị địch tập kích ngay giữa lòng sông”.

Cùng trên chuyến đò cuối cùng ấy còn có liệt sĩ Lê Văn Diệu, người chiến sĩ du kích Tứ Tổng đã quyết tử cho cách mạng. Dưới lời kể của ông Lê Văn Trọng, cháu của liệt sĩ, chúng tôi lại càng hiểu kĩ hơn tình hình nguy hiểm khi ấy. “Đêm ngày 18, rạng sáng ngày 19, bến xuất phát vượt sông của Trung đoàn Thủ đô chỉ cách nơi đóng quân của thực dân Pháp ở đình Nội Châu khoảng 500m và cách bốt Yên Phụ hơn 200m. Từ điểm bắt đầu, chiến sĩ Trung đoàn di chuyển sang Bãi Giữa, sau đó lại vác thuyền qua Bãi Giữa tiếp tục qua sông sang bến Dâu Canh. Sau khi đưa bộ đội và vũ khí qua sông an toàn thì thuyền quay trở lại bến hoàn thành nhiệm vụ, nhưng tới nơi mới phát hiện ra có một nhóm chiến sĩ còn sót lại. Khi đó trời đã rạng sáng, tình huống nguy hiểm vô cùng, nhưng chuyến đò cuối cùng vẫn được thực hiện. Ra đến giữa sông thì sương mù đã tản bớt, thuyền bị phát hiện. Địch bắn xối xả. Ông tôi đã hy sinh thân mình che chở cho bộ đội và mất tích mãi mãi dưới lòng sông”.

Sáng 19/2/1947, thực dân Pháp lúc này phát hiện ra đường rút quân của ta và mở ngay cuộc truy kích. Chúng bị lực lượng Vệ quốc đoàn bảo vệ pháo đài Xuân Canh phối hợp với Tiểu đội du kích Hồng Hà do Tiểu đội trưởng Nguyễn Ngọc Nại chỉ huy đánh chặn quyết liệt để kìm chân tại bãi Phúc Xá và cuối bãi Giữa khu B. Do tương quan lực lượng quá chênh lệch, cả Tiểu đội đã anh dũng hy sinh. Thất bại trong việc tập kích Trung đoàn Thủ đô, quân Pháp tràn vào ba làng Tứ Tổng, Tam Lạc, Tầm Xá đốt phá, lùng sục giết hại 27 người dân khu B Tứ Tổng, đốt cháy hàng trăm ngôi nhà, bắn phá các con thuyền Tam Ban và bắt đi 70 người dân để tra khảo. Từ đó, ngày 19-2 hằng năm trở thành ngày "Giỗ trận Tứ Tổng".

Cựu chiến binh Hoàng Văn Khiêm kể về “cuộc rút lui thần kỳ” của Trung đoàn Thủ đô tại biển lưu niệm kháng chiến Bến đò Tứ Tổng, phường Tứ Liên, quận Tây Hồ.

Sinh thời, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đánh giá đây là cuộc rút lui thần kỳ, vượt qua vòng vây dày đặc của quân địch, một mẫu mực của lòng dũng cảm, khả năng tổ chức và tính kỷ luật với sự phối hợp, đùm bọc của nhân dân các xã ven sông Hồng. Ngày hôm đó quân dân ta rút khỏi Thủ đô trong bi tráng, để hơn 8 năm sau, những người con anh dũng ấy lại trở về Thủ đô trong oai hùng. Cống hiến của Đảng bộ và nhân dân Tứ Tổng-Tứ Liên trong hai cuộc kháng chiến được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Kháng chiến hạng Ba (2003).

Để dấu son lịch sử trở nên vĩnh cửu, nêu gương cho đời đời con cháu, phường Tứ Liên đã khắc vào bia đá, cùng với bia ghi công liệt sĩ, đặt trong nhà bia mái cong trong khuôn viên đình làng. Vùng bãi bồi khi xưa nay đã thành làng xóm, phố phường, với những mái nhà hiện đại, quần tụ phía giáp đê chính, ôm lấy cánh đồng quất cảnh trĩu quả ngả màu vàng óng. Phát huy truyền thống cách mạng của quê hương, nhân dân Tứ Liên tiếp tục đoàn kết, khắc phục khó khăn, từng bước vươn lên. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, lớp lớp cán bộ, đảng viên nơi đây không ngừng trưởng thành, xây dựng tổ chức Đảng ngày càng lớn mạnh, lãnh đạo nhân dân ra sức thi đua lao động, sản xuất.

Trao đổi với chúng tôi, ông Trịnh Chí Thanh, Bí thư Đảng ủy phường Tứ Liên cho biết: “Nhiệm kỳ qua, phường Tứ Liên đã đạt được nhiều thành tích đáng khích lệ: Kinh tế tăng trưởng cao, tổng thu ngân sách hàng năm đều đạt và vượt chỉ tiêu giao. Đặc biệt là trong sản xuất kinh doanh làng nghề truyền thống quất cảnh Tứ Liên, doanh thu bình quân của làng nghề ước đạt 60 tỷ/năm. Sự nghiệp giáo dục, khuyến học thường xuyên được quan tâm, đã hoàn thành xây mới 2 trường Tiểu học, THCS và đạt chuẩn Quốc gia. Công tác quản lý đất đai, trật tự xây dựng được tăng cường, số trường hợp vi phạm trật tự xây dựng giảm. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo và giữ vững. Hoàn thành tốt công tác quốc phòng, quân sự địa phương…”.

Hơn 74 năm đã qua, trong tâm tưởng của các thế hệ Tứ Tổng-Tứ Liên luôn khắc sâu công lao to lớn của những người anh hùng đã ngã xuống cho nền độc lập, tự chủ của đất nước. Chính họ đã góp một phần to lớn ghi dấu vào khúc khải hoàn, mở ra 5 cửa ô bát ngát cờ hoa, hân hoan đón đoàn quân trở về giải phóng Thủ đô.

Hải Yến-Phạm Luân


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ