Lê Thanh Nghị-Người học trò gương mẫu của Chủ tịch Hồ Chí Minh
QPTĐ-Đồng chí Lê Thanh Nghị tên thật là Nguyễn Khắc Xứng, sinh ngày 6-3-1911 trong một gia đình Nho giáo, có truyền thống yêu nước tại làng Thượng Cốc, nay thuộc xã Gia Khánh, huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương. Ông từng giữ chức Phó Thủ tướng Chính phủ từ năm 1960 đến 1980, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội đồng Nhà nước (1982-1986). Gần 60 năm kiên trung phục vụ cách mạng, đồng chí Lê Thanh Nghị luôn là tấm gương sáng, suốt đời trung thành với sự nghiệp cách mạng của Đảng.
Nhà tưởng niệm Phó chủ tịch Hội đồng Nhà nước Lê Thanh Nghị đã trở thành địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ.
Tấm gương mẫu mực trung với Đảng, hiếu với dân
Từ người yêu nước trở thành người chiến sĩ cộng sản, đồng chí Lê Thanh Nghị luôn suốt đời phấn đấu cho mục tiêu là độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, chấp hành sự phân công của Đảng, đem hết trí tuệ, tài năng của bản thân để thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ Đảng giao trên nhiều cương vị khác nhau. Đồng chí Lê Thanh Nghị hai lần bị thực dân Pháp bắt, bị tra tấn và đày ải tại những nhà tù của chế độ thực dân. Nhưng cả hai lần, đồng chí đều giữ vững khí tiết của người chiến sĩ cộng sản kiên trung, bất khuất.
Ba mươi năm kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược của dân tộc, đồng chí luôn chấp hành kỷ luật của Đảng, sự phân công, điều động của tổ chức và hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao, với tinh thần đặt lợi ích của Đảng và dân tộc lên trên hết. Trong hoàn cảnh đất nước nghèo nàn lại bị chiến tranh tàn phá và trong bối cảnh hết sức phức tạp của quan hệ quốc tế, đồng chí đã đem hết nhiệt huyết và khả năng để hoàn thành nhiệm vụ, góp phần củng cố hậu phương miền Bắc vững chắc, nâng cao đời sống đem lại niềm tin cho nhân dân về chế độ mới và tăng cường tiềm lực cho sự nghiệp giải phóng miền Nam, góp phần vào thắng lợi của cuộc kháng chiến.
Khi đất nước thống nhất, cả nước bước vào thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội, đồng chí luôn trăn trở, tiến hành nghiên cứu và tổng kết thực tiễn trong xây dựng chủ nghĩa xã hội từ một nước lạc hậu bị chiến tranh tàn phá. Đồng chí đã góp phần quan trọng vào bước đầu đổi mới kinh tế trong nông nghiệp. Là người có nhiều đóng góp trong việc xây dựng, hoàn thiện luật pháp về quản lý kinh tế, xã hội khi tham gia công tác của Quốc hội và Hội đồng Nhà nước.
Dù trên cương vị nào, đồng chí Lê Thanh Nghị không chỉ nêu tấm gương “Ra sức làm việc cho Đảng, giữ vững kỷ luật của Đảng, thực hiện tốt đường lối, chính sách của Đảng” có hiệu quả, mà còn luôn đặt lợi ích của Đảng, nhân dân lên trên, lên trước lợi ích riêng của cá nhân; hết lòng phục vụ nhân dân, vì Đảng, vì nhân dân mà đấu tranh, gương mẫu trong mọi việc.
Tấm gương cần, kiệm, liêm, chính, khiêm tốn, giản dị
Trên cơ sở tiếp thu truyền thống của dân tộc, tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, đồng chí Lê Thanh Nghị đã thấm nhuần các chuẩn mực đạo đức của người cách mạng “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”. Trong kháng chiến gian khổ, khốc liệt, cũng như trong thời bình, đồng chí vẫn giữ nếp sống giản dị, trong sạch, trung thực, liêm khiết, gắn bó với nhân dân, với cán bộ.
Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng và Nhà nước đã tin tưởng trao cho đồng chí Lê Thanh Nghị chịu trách nhiệm chính về các vấn đề kinh tế của đất nước, bao gồm nhiệm vụ bảo đảm đời sống của nhân dân, phát triển kinh tế ở miền Bắc, cũng như kinh tế quân sự (vũ khí, quân trang, quân dụng, khí tài thông tin liên lạc, vận tải...), cho cuộc chiến đấu chống chiến tranh phá hoại của Mỹ ở miền Bắc và chi viện cho miền Nam. Bên cạnh đó, với bản lĩnh kiên định, bình tĩnh, đồng chí được Chủ tịch Hồ Chí Minh tin tưởng cử thay mặt Đảng, Nhà nước làm công tác kinh tế đối ngoại và đã hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Đồng chí là tấm gương tiêu biểu của một người cộng sản ưu tú, trọn đời tận tụy, cần kiệm, liêm chính, khiêm tốn, giản dị, gần gũi với đồng bào, đồng chí, là một tấm gương tiêu biểu cho các thế hệ hôm nay và mai sau học tập, noi theo. Đồng chí đã để lại cho Đảng ta, nhân dân ta và quân đội ta một tấm gương về tinh thần tận tụy hy sinh vì cách mạng, vì lý tưởng cộng sản chủ nghĩa, về phẩm chất cách mạng cao quý, lối sống giản dị, đức tính đôn hậu và tình thương yêu cán bộ, đồng chí, đồng bào.
Kỷ niệm 110 năm ngày sinh đồng chí Lê Thanh Nghị là dịp để chúng ta ôn lại cuộc đời, sự nghiệp và tôn vinh công lao, cống hiến to lớn của đồng chí đối với Đảng và đất nước; qua đó giáo dục tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc; cổ vũ, động viên các tầng lớp nhân dân tích cực thi đua học tập, lao động, công tác và chiến đấu góp phần thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ xây dựng, phát triển và bảo vệ đất nước.
VĂN TUÂN
(Theo tài liệu Ban Tuyên giáo Trung ương)