A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Thống nhất tổ chức phụ nữ hai miền Nam-Bắc

 

QPTĐ-Sau khi hợp nhất hai tổ chức Hội, từ năm 1976 đến năm 1985, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã phát động những phong trào: “Người phụ nữ mới xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”; “Xây dựng gia đình văn hóa mới”; “Nuôi con khỏe, dạy con ngoan”; “Phụ nữ tham gia cải tạo xã hội chủ nghĩa”; “Đỡ đầu con thương binh, liệt sĩ”.

Phụ nữ Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội luôn phát huy truyền thống “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang”.

Từ ngày 10 đến 12/6/1976, Hội nghị Thống nhất tổ chức phụ nữ hai miền Nam-Bắc được triệu tập tại TP Hồ Chí Minh. Trong 3 ngày làm việc, Hội nghị đã quyết định những vấn đề quan trọng. Thứ nhất, tên Hội sẽ là: Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam; cơ quan lãnh đạo Trung ương Hội là hợp nhất hai Ban Chấp hành Trung ương hai miền, gồm 114 ủy viên; Ban Thường vụ Trung ương Hội gồm 30 ủy viên; Bà Nguyễn Thị Thập làm Chủ tịch danh dự; Bà Hà Thị Quế làm Chủ tịch Hội; Bà Nguyễn Thị Định làm Phó Chủ tịch thứ nhất và Phó Chủ tịch gồm các bà: Lê Thị Xuyến, Nguyễn Thị Được, Hà Giang, Nguyễn Thị Thanh, Nguyễn Thị Minh Nhã, Nguyễn Thị Bình, Vũ Thị Chín, Phan Thanh Vân…

Điều đáng nói, Hội nghị Thống nhất tổ chức phụ nữ hai miền Nam-Bắc đã đề ra 6 nhiệm vụ công tác trước mắt của Hội LHPN Việt Nam:

Một là phát huy sức mạnh tổng hợp của việc thống nhất tổ chức Hội, đoàn kết, động viên tổ chức lực lượng phụ nữ trong cả nước, dấy lên một khí thế cách mạng sối nổi thi đua lao động sản xuất, thực hành tiết kiệm, xây dựng chủ nghĩa xã hội, hướng mọi sức lực vào việc hoàn thành vượt mức và toàn diện kế hoạch Nhà nước 1976, làm đà cho việc hoàn thành thắng lợi kế hoạch 5 năm (1976-1980). Hai là phát động cao trào phụ nữ tham gia cải tạo xã hội chủ nghĩa và hoàn thiện quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa. Trên cơ sở đó, nâng cao giác ngộ cách mạng, nâng cao trình độ năng lực thực hiện quyền bình đẳng làm chủ tập thể của phụ nữ trong quản lý sản xuất, quản lý kinh tế. Ba là giáo dục và xây dựng người phụ nữ xã hội chủ nghĩa thực sự phát huy được sức mạnh làm chủ thiên nhiên, làm chủ xã hội, làm chủ bản thân, xây dựng gia đình văn hóa mới: Dân chủ, bình đẳng, hòa thuận, tiến bộ và hạnh phúc. Bốn là chăm lo quyền lợi, đời sống, sức khỏe của phụ nữ. Năm là tăng cường đoàn kết với phụ nữ các nước đấu tranh cho hòa bình, độc lập, dân chủ và chủ nghĩa xã hội, cho quyền lợi của phụ nữ, trẻ em, đặc biệt chú ý xây dựng mối quan hệ mật thiết với phụ nữ hai nước Lào và Campuchia. Sáu là, chú trọng công tác xây dựng tổ chức Hội, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, cải tiến chỉ đạo, chuyển mạnh phương thức hoạt động của Hội, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ nặng nề của giai đoạn mới.

Điều đáng nói trong các phong trào được triển khai từ 1976-1985, nổi bật nhất là Phong trào "Người phụ nữ mới xây dựng đất nước" với khẩu hiệu "Giỏi việc nước, đảm việc nhà, thực hiện nam nữ bình đẳng". Phong trào đề ra 3 yêu cầu lớn: Đẩy mạnh lao động sản xuất, thực hành tiết kiệm, chấp hành tốt chủ trương, chính sách của Đảng và Chính phủ; tích cực học tập nâng cao trình độ, đoàn kết yêu thương nhau cùng tiến bộ; tổ chức tốt gia đình, nuôi dạy con theo 5 điều Bác Hồ dạy…

Đối với phụ nữ Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội (BTLTĐ), những năm qua, cùng với hoàn thành tốt nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị, các Hội phụ nữ Cơ sở Bộ Tư lệnh đã tập trung triển khai sâu rộng đến từng hội viên trong xây dựng gia đình “No ấm bình đẳng, tiến bộ hạnh phúc”, gắn với việc thực hiện có chất lượng Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”… Đặc biệt, các cấp hội tích cực tuyên truyền, giáo dục bồi dưỡng nâng cao kiến thức cho hội viên về giới, Luật hôn nhân gia đình, các thông tin, tài liệu về các chuyên đề phòng chống tệ nạn xã hội, sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình, vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh an toàn lao động, phòng chống cháy nổ, an toàn giao thông; trang bị kịp thời các kiến thức chăm sóc sức khỏe, nuôi dạy con tốt... Duy trì các mô hình hoạt động hỗ trợ xây dựng gia đình hạnh phúc và phát triển bền vững. Qua đó, các gia đình đạt các tiêu chí về xây dựng gia đình hạnh phúc luôn tỷ lệ đạt cao.

Bên cạnh thực hiện nhiệm vụ chính trị trung tâm, chị em hội viên phụ nữ BTLTĐ còn thường xuyên tổ chức các hoạt động hướng về phụ nữ và trẻ em khó khăn, tổ chức các hoạt động tri ân các Anh hùng liệt sỹ nhân dịp 27/7; thăm hỏi tặng quà các gia đình chính sách, các cháu khuyết tật, chất độc da cam... 

Với những nỗ lực như vậy, phụ nữ LLVT BTLTĐ liên tục được tặng Bằng khen của Hội LHPN Việt Nam, Tổng Cục Chính trị, Hội LHPN Hà Nội.

Cát Tường


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ