A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Sáng ngời mốc son lịch sử Nam bộ kháng chiến

 

QPTĐ-Cách đây tròn 75 năm, ngày 23/9/1945, trong khi thực dân Pháp đã nổ súng tấn công các trụ sở của chính quyền cách mạng non trẻ của chúng ta tại Sài Gòn, bắt đầu cuộc chiến tranh xâm lược đất nước ta lần thứ hai. Quân, dân Sài Gòn-Gia Định dưới sự chỉ đạo của Xứ ủy Nam bộ đã anh dũng đánh trả quyết liệt, kìm giữ chân địch để các địa phương có thời gian chuẩn bị lực lượng kháng chiến trường kỳ.

Như vậy, chỉ 21 ngày sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Nhân dân Nam bộ chưa kịp hưởng niềm vui thanh bình, phải tiếp tục cầm súng đứng lên chiến đấu để giữ vững nền độc lập của Tổ quốc vừa giành được, thực hiện lời thề “Thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”.

Nhân dân Hà Nội mít tinh phản đối phái bộ Anh dùng vũ lực chiếm đóng Nam bộ tại Quảng trường Nhà hát Lớn, ngày 24/9/1945. (Ảnh: Tư liệu)

Cuộc bắt tay của 3 nước lớn

Khi Pháp bị Đức quốc xã chiếm đóng và phát xít Nhật tràn vào Đông Dương, chính phủ lâm thời do tướng Ch.de Gaulle đứng đầu phải lưu vong ở châu Phi, nhưng vẫn không từ bỏ tham vọng tái chiếm Đông Dương. Ngay khi nghe tin Nhật đầu hàng quân Đồng Minh, tướng Ch. de Gaulle đã chỉ thị cho Cao ủy Pháp tại Đông Dương là đô đốc Thierry d'Argenlieu thực hiện sứ mệnh “Lập lại chủ quyền của Pháp trên các lãnh thổ của Liên bang Đông Dương” nhằm hiện thực hóa tham vọng của mình.

Chính quyền cách mạng Việt Nam non trẻ phải cùng lúc đối mặt với hàng chục phe phái chống phá ở trong nước và hơn 300.000 quân nước ngoài chiếm đóng từ Bắc tới Nam. Tại hội nghị toàn quốc tháng 8/1945, Đảng đã vạch rõ “Quân Đồng Minh sắp vào nước ta và thực dân Pháp đang âm mưu khôi phục lại địa vị thống trị của mình ở Đông Dương”.

Để tái chiếm Đông Dương, Pháp đã tìm đến sự giúp đỡ của Mỹ, nhờ viện trợ vũ khí và cho tàu chở quân Pháp sang Đông Dương. Trong khi đó, nước Anh, quốc gia có nhiều thuộc địa ở châu Á cũng chủ trương “giữ nguyên trạng”, thuộc địa của đế quốc nào trả lại cho đế quốc đó. Ngày 24/8/1945, Anh ký với Pháp hiệp ước công nhận chủ quyền của Pháp ở Đông Dương. 

Nhận thấy dã tâm của Pháp và sự câu kết của Anh-Mỹ, Xứ ủy và Ủy ban Nhân dân Nam bộ một mặt đẩy mạnh các hoạt động ngoại giao nhằm tỏ rõ thiện chí hòa bình để tranh thủ thời gian củng cố lực lượng, đồng thời tích cực chuẩn bị cho cuộc kháng chiến sắp tới. Tại thời điểm này, Ủy ban Kháng chiến Nam bộ và Ủy ban Kháng chiến Sài Gòn được thành lập và hoạt động bí mật.

Ngày 2/9/1945, khi nhân dân Sài Gòn-Chợ Lớn hòa cùng cả nước mít tinh mừng độc lập, thực dân Pháp đã xả súng bắn làm 47 người dân thiệt mạng và nhiều người bị thương. Cùng thời gian này, Tổng chỉ huy quân đội Anh ở Nam Đông Dương đòi Ủy ban nhân dân Nam bộ giải giáp lực lượng vũ trang, cấm quần chúng xuống đường biểu tình. Chúng âm mưu chiếm lại miền Nam nước ta trong vòng một tháng, để từ đó chiếm lại cả Đông Dương. Tính đến đêm 22-9, quân Pháp ở Sài Gòn lên đến 11.000 người.

Cuộc kháng chiến bắt đầu

Chiều 22-9, lợi dụng lệnh giới nghiêm, với sự hỗ trợ của quân Anh và quân Nhật yểm trợ, 6.000 quân Pháp đã đánh úp trụ sở Ủy ban nhân dân Nam bộ và cơ quan tự vệ thành phố Sài Gòn… Nhân dân và lực lượng vũ trang xung quanh thành phố chuẩn bị sẵn sàng chiến đấu và tổ chức vây hãm quân Pháp ở trong nội thành. 

Sáng sớm 23-9, Xứ ủy Nam bộ, Ủy ban Hành chính Kháng chiến Nam bộ triệu tập cuộc họp liên tịch tại nhà số 629 đường Cây Mai. Tham dự cuộc họp có các đồng chí: Ung Văn Khiêm, Trần Văn Giàu, Nguyễn Văn Nguyễn, Phạm Ngọc Thạch, Huỳnh Văn Tiểng và đồng chí Hoàng Quốc Việt thay mặt Thường vụ Trung ương Đảng, Tổng bộ Việt Minh.

Ủy ban Kháng chiến Nam bộ xác định “Từ giây phút này, nhiệm vụ hàng đầu của chúng ta là tiêu diệt giặc Pháp và tay sai của chúng”. Ủy ban Nhân dân Nam bộ cũng ra lời kêu gọi “Toàn dân hãy đoàn kết bảo vệ quốc gia”. Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra huấn lệnh “Đồng bào phải kiên quyết, phải giữ vững sự tin tưởng ở tương lai và lập tức thi hành triệt để những lời thề quả quyết trong Ngày Độc lập”.

Ngay chiều cùng ngày, văn bản Lời kêu gọi của Ủy ban kháng chiến Nam Bộ được in ấn, phát cho người dân, dán lên tường, lên cây khắp Sài Gòn, Chợ Lớn, Tân Bình, Gia Định. Một lượng lớn bản in cấp tốc chuyển đến khắp các tỉnh Nam bộ trên những chuyến xe đò. Người dân thành phố Sài Gòn, Chợ Lớn triệt để đình công. Công sở, xí nghiệp, cửa hàng đều đóng cửa, chợ không họp, xe dừng chạy. Chướng ngại vật mọc lên khắp nơi. Các đội Tự vệ chiến đấu, Thanh niên xung phong, Công đoàn xung phong đã đánh trả các mũi tấn công của quân Pháp. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân Nam bộ nhất tề đứng dậy, tiếng súng kháng chiến ở Sài Gòn rung động cả nước.

Giữ vững lời thề “độc lập hay là chết”, Sài Gòn nói riêng và Nam bộ nói chung bước vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp lần thứ 2 chỉ sau 28 ngày đêm chuẩn bị. Ngày 23/9/1945 đã đi vào lịch sử là ngày Nam bộ kháng chiến, mở đầu cho 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp và 20 năm kháng chiến chống đế quốc Mỹ, xứng đáng với danh hiệu “Thành đồng Tổ quốc” mà Chủ tịch Hồ Chí Minh khen tặng.

Hải Yến
(Theo tư liệu Bảo tàng Lịch sử Việt Nam)
 


Tổng số điểm của bài viết là: 3 trong 3 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ