A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Phát huy truyền thống, quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ

 

QPTĐ-Lực lượng vũ trang nhân dân huyện Đan Phượng được ra đời từ phong trào cách mạng quần chúng, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, thường xuyên, trực tiếp là Ban cán sự Đảng (Huyện ủy) Đan Phượng. Cách mạng Tháng 8 thành công, lực lượng vũ trang tập trung của huyện được thành lập gồm 14 cán bộ, chiến sĩ. Huyện đội Đan Phượng được thành lập tháng 5 năm 1947. Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, một thời gian dài huyện Đan Phượng và huyện Hoài Đức được sáp nhập thành huyện Liên Bắc. Từ tháng 12 năm 1952, huyện Liên Bắc được tách ra thành huyện Đan Phượng và huyện Hoài Đức và cơ bản giữ cho đến ngày nay. 

Dân quân huyện Đan Phượng trong giờ huấn luyện.

Theo cuốn “Lịch sử lực lượng vũ trang nhân dân huyện Đan Phượng (1945-2022)”: Ngày 18 tháng 8 năm 1945, sau khi đi nhận kế hoạch Tổng khởi nghĩa từ Xứ ủy về, đồng chí Xuân Thủy cùng đội công tác của Xứ ủy họp bàn việc chuyển cơ quan Báo Cứu quốc về Hà Nội để phục vụ nhiệm vụ tuyên truyền của Trung ương, đồng thời quyết định phân công đồng chí Nguyễn Việt và Phạm Thị Hiền ở lại huyện Đan Phượng trực tiếp lãnh đạo, tổ chức khởi nghĩa giành chính quyền. Đêm 18 tháng 8 năm 1945, các đồng chí trong đội công tác của Xứ ủy và huyện bộ Việt Minh Đan Phượng thức suốt đêm để bàn việc khởi nghĩa, phía ngoài có lực lượng tự vệ canh phòng làm nhiệm vụ bảo đảm an toàn cho cuộc họp. Trong cuộc họp, Ban lãnh đạo khởi nghĩa huyện Đan Phượng thống nhất: Đánh bốt Phùng trước rồi mới chiếm huyện lỵ. 

Chiều ngày 19 tháng 8 năm 1945, kế hoạch đánh bốt Phùng được lực lượng tự vệ huyện Đan Phượng triển khai theo kế hoạch. Lá cờ đỏ sao vàng được kéo lên đỉnh bốt phấp phới tung bay trong gió mùa thu, báo hiệu chiến thắng của quân và dân Đan Phượng trong ngày đầu Tổng khởi nghĩa. Quân địch đầu hàng, lực lượng của ta tiến vào bốt thu nhiều chiến lợi phẩm. Trận đánh chiếm bốt Phùng kết thúc trong thắng lợi mà không phải hy sinh, đổ máu đã cổ vũ mạnh mẽ tinh thần của lực lượng vũ trang và nhân dân trong huyện tiếp tục tiến hành khởi nghĩa vũ trang, tiến tới giành chính quyền ở huyện lỵ. Sự kiện này có tính chất mở đường cho khởi nghĩa vũ trang, giành chính quyền cách mạng ở huyện Đan Phượng tháng 8 năm 1945. Căn cứ vào các cơ sở khoa học, quá trình xây dựng, chiến đấu, trưởng thành của lực lượng vũ trang nhân dân huyện Đan Phượng dưới sự lãnh đạo của Đảng. thể theo nguyện vọng và đề nghị của Đảng bộ, nhân dân và lực lượng vũ trang huyện Đan Phượng, Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội đã có quyết định lấy ngày 19/8/1945 là Ngày truyền thống của LLVT nhân dân huyện Đan Phượng. 

Kế thừa truyền thống hào hùng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc,  trên cơ sở quán triệt quan điểm của Đảng, nhất là chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XI), Đảng uỷ, Ban CHQS huyện đã tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương về nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, xây dựng nền quốc phòng toàn dân, khu vực phòng thủ vững chắc. Trong đó, chú trọng thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị trọng tâm như: Huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu; công tác Đảng, công tác chính trị; công tác hậu cần-kỹ thuật; xây dựng lực lượng vũ trang huyện vững mạnh toàn diện, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, xứng đáng với sự tin tưởng, yêu mến của Đảng bộ và nhân dân huyện Đan Phượng.

Thượng tá Đỗ Văn Long, Chính trị viên Ban CHQS huyện cho biết: Ban CHQS huyện thường xuyên làm tốt công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, giáo dục lịch sử truyền thống cho cán bộ, nhân viên cơ quan, chiến sĩ dân quân tự vệ, dự bị động viên trong LLVT. Trong chương trình huấn luyện cho cán bộ, chiến sĩ hàng năm, đơn vị luôn đổi mới về cách thức. Ngoài các giờ lên lớp, chúng tôi còn bố trí hệ thống băng rôn, khẩu hiệu để tuyên truyền trực quan sinh động, khuyến khích cán bộ, chiến sĩ chia sẻ hình ảnh, thông tin, bài viết về truyền thống vẻ vang của LLVT huyện nhà trong các nhóm zalo, facebook. Đặc biệt, trong những ngày này, đơn vị luôn bám sát sự chỉ đạo, hướng dẫn của trên, phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành, đoàn thể địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền về truyền thống 77 năm của LLVT huyện, nâng cao nhận thức trong cán bộ và nhân dân về đường lối chính trị, quân sự của Đảng, nhiệm vụ quốc phòng-an ninh. 

Cùng với đó, Ban CHQS huyện chủ động tham mưu với Huyện ủy, HĐND và UBND huyện lãnh đạo, chỉ đạo, quan tâm đầu tư xây dựng tiềm lực quốc phòng trong khu vực phòng thủ, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân với những cách làm sáng tạo, hiệu quả, phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương. Đồng thời, thực hiện tốt chính sách hậu phương quân đội, các chương trình, kế hoạch bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn, chủ động phòng ngừa ứng phó có hiệu quả với các tình huống về quốc phòng, an ninh, góp phần quan trọng giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, tạo nhiều thuận lợi cho phát triển kinh tế- xã hội của địa phương.

Phúc Nguyên


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ