A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Kỷ niệm 50 năm chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” (12.1972 - 12.2022)

Gặp lại “cô gái Suối Hai” Vũ Thị Loan

QPTĐ-Trong những năm chống chiến tranh phá hoại miền Bắc (1965-1972), cùng với các đơn vị bộ đội chủ lực quốc gia, dân quân tự vệ huyện Ba Vì đã anh dũng chiến đấu, lập nhiều chiến công xuất sắc. Trong những chiến công đó không thể không nhắc đến chiến công của các nữ dân quân tham gia chiến đấu, phục vụ chiến đấu trên các trận địa bảo vệ đập hồ Suối Hai. Và hình ảnh “cô gái Suối Hai” đã trở thành biểu tượng và lòng tự hào của nhân dân địa phương, được nhạc sĩ Nhật Lai đưa vào bài hát “Hà Tây quê lụa”.

Trên trận địa năm xưa, bà Vũ Thị Loan kể về những ngày đánh máy bay Mỹ. 

Cùng bà Vũ Thị Loan, nguyên Tiểu đội trưởng Tiểu đội dân quân Pháo phòng không 20mm xã Thụy An thăm lại trận địa năm xưa tại đồi Yên Khoái, chúng tôi hiểu thêm sự ác liệt của chiến tranh và những cống hiến, hi sinh của những nữ dân quân xã Thụy An. Ở tuổi 80, mái tóc bạc trắng, sức khỏe giảm sút nhiều nhưng trở lại trận địa xưa, nhìn những ụ súng, giao thông hào đã từng in dấu chân của mình, bà Loan như được sống lại những năm tháng hào hùng đánh Mỹ. Ánh mắt, cử chỉ và cả những bước chân dường như cũng nhanh hơn ngày thường. Dừng lại ở một ụ chiến đấu được xây dựng kiên cố bằng bê tông phía trái trận địa đồi Yên Khoái, nơi bà và đồng đội đã cùng khẩu pháo phòng không 20mm nhiều lần đánh trả máy bay Mỹ, giọng nói đầy tự hào, bà Loan kể: “Những năm Mỹ ném bom phá hoại miền Bắc, đàn ông trong xã tòng quân gần hết. Ở địa phương khi đó hầu như chỉ còn người già, phụ nữ và trẻ em. Đầu năm 1965, Tỉnh đội Hà Tây chỉ đạo Huyện đội Tùng Thiện thành lập Trung đội dân quân xã Thụy An mà nòng cốt là các chị em phụ nữ với mục tiêu phục vụ Quân chủng Phòng không-Không quân chiến đấu và tổ chức chiến đấu. Tiểu đội dân quân Pháo phòng không 20mm được thành lập do tôi làm Tiểu đội trưởng. Tiểu đội chúng tôi toàn những cô gái tuổi mười tám, đôi mươi và chưa ai lập gia đình. Sau khi lên Tỉnh đội nhận vũ khí, chúng tôi được Huyện đội huấn luyện nghiêm túc và nhận nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu tại trận địa đồi Yên Khoái, xã Thụy An, có nhiệm vụ phối hợp với các đơn vị bộ đội chủ lực để tổ chức đánh địch bảo vệ đập Suối Hai”.

Bà Loan kể tiếp: Ngày đó, chúng tôi rất quyết tâm, ngoài việc ưu tiên việc củng cố trận địa cho bộ đội chủ lực, chúng tôi dựng lều bạt ăn ngủ tại trận địa để tiện cho việc trực sẵn sàng chiến đấu cả ngày lẫn đêm. Ánh mắt đượm buồn, giọng chùng xuống bà kể: “Các chú biết không, ngày đó địch đánh ác liệt lắm. Có ngày chúng nó sử dụng hàng chục máy bay, chia thành nhiều tốp nhỏ đánh phá khu vực Suối Hai. Chúng đã thả rất nhiều bom khiến nhiều nhà bị cháy, một số người không kịp trú ẩn đã bị giết hại. Ở trận địa của chúng tôi, một đồng chí phóng viên của Báo Quân đội nhân dân cũng hi sinh trong quá trình tác nghiệp. Lúc bấy giờ, chúng tôi rất căm phẫn, từ đó quyết tâm chiến đấu ngày càng cao hơn”. 

Kể về trận chiến đấu ngày 24-7-1965, giọng bà Loan sôi nổi hẳn lên. Bà kể: Lúc đó vào khoảng 15 giờ, từ hướng Tây xuất hiện nhiều tốp máy bay địch bay vào khu vực ta bố trí trận địa. Được lệnh từ cấp trên, chúng tôi đồng loạt nổ súng. Gặp lưới lửa phòng không dày đặc của ta, máy bay địch không có cơ hội bổ nhào, hạ thấp độ cao để cắt bom. Chúng phải lượn lên cao, đúng vào tầm bắn của tên lửa. Sau những tiếng nổ vang trời, chúng tôi nhìn thấy có 2 chiếc máy bay của địch đã bị tên lửa tiêu diệt, trong đó có một chiếc bị bắn rơi tại chỗ. Một tên phi công Mỹ nhảy dù xuống cũng bị ta bắt sống. Sau đó 3 ngày, tức ngày 27/7/1965, nhiều tốp máy bay cường kích F-105 bất ngờ đến đánh phá ác liệt vào khu vực hồ Suối Hai. Chúng tôi đã phối hợp với các đơn vị phòng không của bộ đội chủ lực kiên cường đánh trả và bắt thêm 5 máy bay của Mỹ phải đền tội ác. Đó là trận đánh không thể nào quên. Sau này, chúng tôi được biết, trận đánh đó có ý nghĩa rất quan trọng, là trận thắng đầu tiên của bộ đội tên lửa và ngày 24/7/1965 trở thành Ngày Truyền thống của bộ đội tên lửa.

Nhắc đến chiến công của Trung đội nữ dân quân, cuốn Lịch sử Đảng bộ và nhân dân xã Thụy An đã ghi rõ: Đơn vị nữ dân quân của Thụy An do đồng chí Vũ Thị Loan đứng đầu-người phụ nữ Công giáo của thôn Yên Khoái gan dạ, dũng cảm cầm súng nhằm thẳng vào máy bay Mỹ chiến đấu suốt một tuần lễ. Những phút cam go, ác liệt, chị không rời vị trí chiến đấu. Đồng đội bị bom vùi lấp, chị Loan không hề nao núng, nhanh chóng cứu bạn. Chị đã cùng đồng đội làm nên chiến thắng trong trận chiến đấu bảo vệ quê hương tại trận địa Suối Hai... Dưới làn bom, đạn ác liệt, chị Loan còn cùng lực lượng dân quân vượt hồ Suối Hai bắt sống giặc lái nhảy dù xuống phía Đông Bắc đồi Yên Khoái. Với những đóng góp của mình, chị đã được đi báo cáo điển hình toàn miền Bắc trong Phong trào thi đua “Giết giặc lập công”. Những ngày tháng này, trên trận địa Suối Hai, hình ảnh “cô gái Suối Hai” đã trở thành biểu tượng của lòng thủy chung, can đảm, ý chí quyết thắng và lòng tự hào của nhân dân địa phương.  

Chia tay bà Vũ Thị Loan, trong tâm trí chúng tôi vẫn còn in đậm hình ảnh những nữ dân quân ngày đêm canh gác bầu trời và giai điệu bài hát “Hà Tây quê lụa” cũng khẽ khẽ vang lên.

“Hà Tây! Cửa ngõ Thủ đô
Áo giáp chở che ngàn năm bền vững
Ngăn bầy giặc Mỹ vẩn đục bầu trời
Hà Tây! Vọng gác Thủ đô
Cô gái Suối Hai, chàng trai Cầu Giẽ
Giữ lấy mầu xanh biếc cho tấm lụa thanh thiên…”

Huyện Ba Vì nói chung, khu vực hồ Suối Hai nói riêng giờ cũng thuộc Hà Nội nhưng nơi đây vẫn mãi là áo giáp chở che Thủ đô ngàn năm bền vững.

Mạnh Huân-Trần Đông


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ