A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Về nơi truyền bá chữ Quốc ngữ

QPTĐ-Nằm tại con phố nhỏ đông đúc giữa trung tâm phố cổ Hà Nội, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp-Giáo dục thường xuyên (GDNN-GDTX) Nguyễn Văn Tố dễ khiến người ta nhầm là một biệt thự tư gia. Nơi đây vẫn còn giữ nguyên vẹn những nét kiến trúc rất riêng, là sự giao thoa giữa văn hóa Đông-Tây; những năm đầu thế kỷ XX; là nơi lui tới thường xuyên của chí sĩ Nguyễn Văn Tố, người từng là Hội trưởng Hội Truyền bá Quốc ngữ, Bộ trưởng Cứu tế xã hội, Trưởng ban Thường vụ Quốc hội, người có những đóng góp to lớn vào sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc. Đó cũng là chiếc nôi truyền bá Quốc ngữ, bình dân học vụ. Từ đây, những dòng chữ Quốc ngữ thiêng liêng, tiếng nói của người dân Việt đã được truyền bá đến mọi miền Tổ quốc. 

Địa điểm này vẫn được bảo tồn  cho đến ngày nay.

 

Quay ngược thời gian về những năm đầu thế kỷ XX, khi đất nước đang trong chế độ thực dân nửa phong kiến, tình thế một bên là sự đòi hỏi của chính quyền thuộc địa, nhằm đào tạo một đội ngũ viên chức; một bên là nhu cầu đổi mới nền văn hóa, giáo dục, canh tân đất nước, Hội Trí tri (sau này là Hội Truyền bá Quốc ngữ) đã ra đời và được đặt trụ sở tại phố Hàng Đàn (bây giờ là 47 phố Hàng Quạt). Hội đã thu hút được sự tham gia của phần lớn những trí thức lớn đương thời, với số thành viên hàng ngàn người. Mục tiêu ban đầu là hỗ trợ học tiếng Pháp cho người bản xứ. Nhưng trải qua một quá trình tồn tại và phát triển, mục tiêu này đã dần dần thay đổi, hướng tới sự nghiệp “Khai dân trí, chân dân khí, đào tạo nhân tài”, đó là duy tân nền giáo dục và văn hóa nước nhà. Đối tượng mà họ hướng tới không chỉ là những người đang học tiếng Pháp mà là cả một hệ thống giáo dục rộng rãi cho dân chúng theo hướng hiện đại, tiến bộ. Với sự đóng góp của những Hội trưởng nối tiếp nhau lúc bấy giờ là Phạm Quỳnh và Nguyễn Văn Tố, hai trí thức tiêu biểu của Bắc kỳ và cả nước, nơi đây đã trở thành cái nôi của sự nghiệp truyền bá Quốc ngữ, xây dựng nền Quốc văn mới. Vào cuối thế kỷ 19, Hội đã tổ chức các khóa học dành cho người lớn và trẻ em; đặc biệt, các khóa học chữ Quốc ngữ, tiếng Pháp hoặc toán học đều được tổ chức miễn phí. Đồng thời, kết hợp với những yếu nhân của Đông Kinh Nghĩa Thục tổ chức các bài giảng và thuyết trình mở cho công chúng trong thời kỳ “chủ nghĩa hiện đại”, trong đó, có những hội nghị có tới hàng trăm người tham dự. 

Ngày 2/9/1945, nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được thành lập, cùng lúc đối mặt với nạn đói, nạn dốt và nạn ngoại xâm. Thống kê thời kỳ đó, trong 100 người thì có 3 trẻ em từ 8 đến 16 tuổi đi học và 2 người lớn biết chữ, còn 95 người thất học. Có những làng không một người nào biết chữ. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kêu gọi toàn dân cùng nhau đoàn kết diệt “giặc dốt”. Căn nhà số 47 Hàng Quạt ngay lập tức được các trí thức Hà Nội lúc bấy giờ tận dụng để dạy chữ cho nhân dân, phát huy cao độ Phong trào “Bình dân học vụ”. Nơi này cũng vinh dự được Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm và động viên nhiều lần.

Tháng 6/1994, nơi này được tổ chức thành Trung tâm GDTX Nguyễn Văn Tố, thành lập trên cơ sở sáp nhập 3 trường: Trường Bổ túc Dân chính Hoàn Kiếm, Trường Bổ túc văn hóa số 8 Và Trường Bổ túc văn hóa số 9. Đến tháng 12/2016, trung tâm lại sáp nhập cùng hai cơ sở là Trung tâm Dạy nghề quận Hoàn Kiếm và Trung tâm Giáo dục Kỹ thuật Tổng hợp số 4, trở thành Trung tâm GDNN-GDTX Nguyễn Văn Tố Hoàn Kiếm. Trao đổi với chúng tôi, Giám đốc Trung tâm, thầy Phạm Đức Nam khẳng định: “Được xây dựng trên nền móng của các trí thức dân tộc, chúng tôi luôn khắc sâu tôn chỉ mục đích hoạt động đáp ứng nhu cầu học tập thường xuyên, liên tục, suốt đời của người dân, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cộng đồng. Nhiệm vụ ấy đồng nghĩa với việc trung tâm nhận đào tạo tất cả những người có nhu cầu học tập, bất kể tuổi tác, tôn giáo, hoàn cảnh. Đó là những người lang thang, cơ nhỡ, những người chậm phát triển trí não hay cả những người khiếm thị”.

Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp-Giáo dục thường xuyên Nguyễn Văn Tố- nơi truyền bá chữ Quốc ngữ những năm đầu thế kỷ XX.

 

Qua tìm hiểu được biết, hiện nay Trung tâm có 15 lớp học và 11 giáo viên đứng lớp thường xuyên. Trong đó có một lớp dạy học cho hơn 60 người khiếm thị và một lớp xóa mù chữ cho 43 học sinh, có những người đã ngoài 20 tuổi, nhiều trường hợp có hoàn cảnh cơ nhỡ, đặc biệt khó khăn từ khắp các nơi trên cả nước về đây theo học. Tháng 11/2024, một phần không gian nơi này đã được UBND quận Hoàn Kiếm tổ chức không gian phát huy giá trị văn hóa lịch sử “Hội Truyền bá chữ Quốc ngữ và danh nhân Nguyễn Văn Tố”, trở thành địa chỉ văn hóa lịch sử có ý nghĩa lớn, góp phần giáo dục thế hệ trẻ cũng như người dân thêm hiểu biết, trân trọng chữ Quốc ngữ của dân tộc.

Hơn 100 năm qua, ngôi biệt thự cổ ở số 47 Hàng Quạt đã chứng kiến biết bao thăng trầm của Thủ đô qua các giai đoạn lịch sử. Ở nơi này, tấm biển khắc bốn chữ “Học triệt danh hoàn” (học đủ mọi thứ trên đời) vẫn được bảo tồn và treo cao như minh chứng cho những hoài bão tri thức sẽ sống mãi và trường tồn trong tâm thức người Việt Nam.

Ý Nhi


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ