A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Những miền ký ức không bao giờ quên

QPTĐ-Với mỗi người dân Việt Nam, Chiến dịch Hồ Chí Minh và ngày 30/4/1975 đã trở thành mốc son chói lọi, chấm dứt cuộc chiến tranh cứu nước, đất nước hoàn toàn được giải phóng. Được tham gia và chứng kiến thời khắc lịch sử giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước là niềm vinh dự lớn đối với những người lính. Những miền ký ức hào hùng đó không bao giờ quên.

 

Ký ức về chiến thắng lịch sử 30/4/1975 còn mãi trong tâm trí Đại tá Hà Xuân An.

 

Tự hào trong chiến dịch mang tên Bác

Cứ mỗi dịp tháng 4 về, ký ức về Đại thắng mùa Xuân năm 1975, những năm tháng tuổi trẻ oanh liệt, kỷ niệm thời binh nghiệp lại ùa về trong ký ức của Đại tá Hà Xuân An, nguyên Cục phó Cục Bản đồ, Bộ Tổng Tham mưu.

Đại tá Hà Xuân An vẫn nhớ như in: Ngày 4/4/1975, trong đội hình Sư đoàn 320, Trung đoàn 48 của chúng tôi nhận lệnh hành quân thần tốc vào miền Đông Nam bộ, tham gia Chiến dịch giải phóng Sài Gòn-Gia Định; nhiệm vụ chính của đơn vị là lực lượng chủ yếu tiến công tiêu diệt cứ điểm Đồng Dù-căn cứ do Sư đoàn 25 ngụy đóng giữ, mở cánh cửa thép phía Tây Bắc Sài Gòn để cho đại quân tiến vào nội đô Sài Gòn. Thời điểm đó, tôi là Chính trị viên Đại đội 18 Thông tin, có nhiệm vụ bảo đảm thông tin liên lạc cho chỉ huy chiến đấu.

Chiều 28/4, Trung đoàn 48 làm lễ xuất quân và trong lễ xuất quân có một chi tiết mà tôi nhớ mãi, đó là nhân dân Củ Chi đã làm lễ “tế sống” cho bộ đội để cầu mong cho chiến thắng ngay mai. Bởi Đồng Dù là hang ổ của Sư đoàn 25 ngụy (một trong những sư đoàn chủ lực mạnh nhất của quân lực Việt Nam Cộng hòa)-nơi xuất phát các cuộc hành quân càn quét vùng Trảng Bàng-Bến Củi-Bến Súc-Củ Chi, thực hiện “vùng trắng” xung quanh căn cứ. Ta đã nhiều lần tổ chức đánh, nhưng đều chưa thành công.

Đúng 5 giờ 30 phút ngày 29/4, lệnh tiến công! Sau khoảng 20 phút, pháo binh của ta bắn phá dữ dội vào các mục tiêu của địch, bộ đội từ các hướng đồng loạt xung phong. Trận chiến đấu diễn ra ác liệt, ta và địch giành giật từng ụ súng, mét hào… Phải nói là trận đó, ta hy sinh rất nhiều, nhưng anh em không hề nao núng, cứ người này ngã xuống thì người kia tiếp tục xông lên… Được sự hỗ trợ của các đơn vị, Trung đoàn 48 đã nhanh chóng phát triển vào trung tâm đánh chiếm hết mục tiêu này đến mục tiêu khác, địch bị phân hóa, nửa giương cờ trắng đầu hàng, nửa tháo chạy.

10 giờ 30 phút, Trung đoàn đã chiếm được Sở Chỉ huy, làm chủ căn cứ, nhưng hầm chỉ huy chỉ còn phương tiện, người đã bỏ trốn. Ta tiếp tục phát triển lực lượng, truy kích địch. Được nhân dân giúp đỡ, ta đã bắt gọn Bộ chỉ huy Sư đoàn 25 ngụy.

Vì là đơn vị thông tin, nên đến trưa ngày 30/4, chúng tôi nhận luôn được thông báo Sài Gòn đã giải phóng. Câu đầu tiên tôi thốt lên là “Mẹ ơi, con sống rồi”! Lúc đó, toàn đơn vị đều chĩa súng lên trời bắn để chào mừng chiến thắng.

Những miền ký ức không bao giờ quên

Sinh ra ở quê hương Thái Bình, tháng 6/1968, sau kỳ thi tốt nghiệp cấp III, chàng thanh niên Hà Xuân An có giấy gọi vào Trường Đại học Kinh tế-Tài chính. Nhưng với ước mơ của tuổi trẻ được cống hiến cho Tổ quốc, ông đã tình nguyện viết đơn xin được tham gia quân ngũ. Và tháng 7/1968, ông chính thức được biên chế vào Tiểu đoàn 437, Trung đoàn 564, Sư đoàn 330 huấn luyện quân đi B. 

Đại tá Hà Xuân An cho biết: Sau 3 ngày đêm hành quân, chúng tôi tập kết tại khu rừng Mai Sưu, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang. Ở đây, chúng tôi được học tập chính trị, huấn luyện quân sự, bổ sung quân trang, tiếp nhận vũ khí, trang bị và sau gần 1 tháng huấn luyện, chúng tôi được lệnh đi chiến đấu, bổ sung cho mặt trận phía Nam. Ròng rã hàng tháng trời, đơn vị vượt tuyến lửa Vĩnh Linh vào Quảng Trị thì lại nhận được lệnh hành quân trở ra nhận nhiệm vụ gấp. Chúng tôi lại hành quân quay ra tới trạm Cự Nẫm (Quảng Bình) thì được bổ sung cho Trung đoàn 48, Sư đoàn 320A (đây là đơn vị của Bộ, vừa làm nhiệm vụ chiến đấu ở Quảng Trị ra).

Trận đầu tiên đơn vị ông tham chiến là năm 1970, đánh ở Mường Phìn, Savanakhet, bên đất bạn Lào. Đại tá Hà Xuân An nhớ lại: Sáng ngày 03/11/1970, khi mặt trời vừa soi rõ các mục tiêu, ta nổ súng tiến công căn cứ của địch. Chúng điên cuồng dùng các loại hỏa lực và mìn claymore chống trả quyết liệt. Nhưng các đơn vị của ta quyết chiến, bám địa hình không dời nên lính đặc nhiệm của ngụy Lào hoảng loạn bỏ căn chứ tháo chạy về hướng Tây, co về phòng thủ tuyến Pha Lan-Sê Săng Soi. Thắng trận này, ta đã đập tan ý đồ chiếm Mường Phìn của quân ngụy Lào-nơi hội tụ từ hai hướng Đông Tây của cuộc hành quân Lam Sơn 719 của Mỹ và quân ngụy. Ngay sau đó, Trung đoàn 48 của chúng tôi lại được lệnh đánh vào phía Tây, thuộc Bản Đông. Trận này, các đơn vị chủ lực của ta phối hợp đánh địch như chẻ tre (máy bay địch rơi như lá tre dụng). Sau đại thắng Bản Đông, chúng tôi lại đánh tại Cao điểm 723 cho đến Chiến dịch Đường 9-Nam Lào kết thúc thắng lợi vẻ vang.

Với tôi, có một kỷ niệm sâu sắc trong Chiến dịch Đường 9-Nam Lào, là ngày 04/4/1971, sau trận đánh Ka Long, tôi vinh dự được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam, ngay bên đất bạn Lào-Đại tá Hà Xuân An chia sẻ.

Tiếp theo đó, ông về tham gia ở chiến trường Tây Nguyên từ năm 1972-1975. Sư đoàn 320 lúc đó giữ vai trò quan trọng trong thực hiện phương án tác chiến, cũng như góp phần to lớn vào thắng lợi của chiến dịch. Trung đoàn 48 của ông được giao nhiệm vụ vận chuyển cho các đơn vị ở tuyến trước đánh địch ở tuyến phòng thủ phía Tây sông Pô Cô, giải phóng Đắc Tô, Tân Cảng, chuẩn bị cho giai đoạn 2 tiến công địch ở thị xã Kon Tum. Tiếp đó là tham gia giải phóng Đức Cơ, phía Tây Pleiku, giải phóng thị xã Buôn Ma Thuột… Trong giai đoạn này, ông bị thương do đơn vị bị máy bay B-52 đánh trúng. 

Chiến tranh đã qua đi nửa thế kỷ, trở về với cuộc sống đời thường, những năm qua, CCB Hà Xuân An luôn giữ vững và phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ. Trong những ngày cả nước sôi nổi hướng tới kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, CCB Hà Xuân An xúc động kể cho chúng tôi nghe về những năm tháng chiến đấu gian khổ, ác liệt đã qua; tự hào đã cống hiến trọn vẹn tuổi thanh xuân cho sự nghiệp đấu tranh bảo vệ Tổ quốc.

Song Hà


Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội