Niềm tự hào phụ nữ “Ba đảm đang”
QPTĐ-Những năm tháng khói lửa chiến tranh chống Mỹ, khi "giặc trời" rải bom miền Bắc, một phong trào đã thổi bùng ngọn lửa quật cường trong trái tim hàng triệu phụ nữ Việt Nam-Phong trào "Ba đảm đang" (đảm đang sản xuất, đảm đang chiến đấu, đảm đang gia đình). Ra đời tháng 3/1965 theo lời kêu gọi của Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) Việt Nam, chỉ sau một năm, đã có hơn 2 triệu phụ nữ tham gia, trở thành hậu phương vững chắc cho tiền tuyến.

Khởi nguồn của một phong trào
Về với quê hương Đan Phượng, nơi khởi nguồn Phong trào “Ba đảm đang”, chúng tôi được trò chuyện với bà Lê Thị Quýnh, nguyên Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Trung Châu. Bằng giọng xúc động bà kể lại: "Những ngày ấy, chúng tôi nghe theo lời Bác, đàn bà con gái xắn tay áo lên, quyết tâm “một người làm việc bằng hai”. Ban ngày ra đồng cày cấy, ban đêm tập bắn súng, đào hào. Có đêm, chị em vừa ôm con chạy hầm, vừa đếm từng tiếng máy bay Mỹ gầm rú. Nhưng sáng mai, ai nấy vẫn xách cuốc ra đồng, bởi, mỗi hạt thóc thu được là thêm một viên đạn cho chiến trường".
Từ vùng đất Đan Phượng anh hùng, Phong trào "Ba đảm đang" nhanh chóng bén rễ và lan tỏa đi khắp mọi miền Tổ quốc. Những người phụ nữ chân đất tay bùn bỗng trở thành những chiến sĩ kiên cường trên mặt trận sản xuất và chiến đấu. Theo tài liệu của Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, riêng năm 1966, các hợp tác xã nông nghiệp do phụ nữ làm chủ ở Hà Tây (cũ) đã sản xuất vượt 30% kế hoạch lương thực. Những cánh đồng 5 tấn ở Đan Phượng trở thành điểm sáng, cung cấp hơn 500 tấn gạo mỗi năm cho tiền tuyến.
Bà Nguyễn Thị Tằm, nguyên Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Song Phượng kể lại với ánh mắt tự hào: "Chúng tôi thi đua '5 tấn thóc, 2 tấn khoai trên 1 hécta'. Những cánh đồng như cánh đồng Cháy, đồng Sậu trở thành chiến trường không tiếng súng. Có chị còn nghĩ ra cách bế con nhỏ ra đồng, buổi sáng địu con sau lưng cấy lúa, trưa về cho con bú xong lại tiếp tục ra đồng. Đêm đến lại cùng nhau may túi cứu thương gửi vào chiến trường miền Nam".
Không chỉ trên cánh đồng, tinh thần "Ba đảm đang" còn tỏa sáng trên những tuyến đường giao thông huyết mạch. Bà Nguyễn Thị Sang, nguyên Trưởng tàu phụ trách tổ tàu "Ba đảm đang" ngành đường sắt, nhớ lại những ký ức không thể nào quên: "Chúng tôi-những nữ tiếp viên, lái tàu ngày ấy phải đối mặt với tử thần mỗi chuyến đi. Có chuyến tàu chở đầy đạn dược bị trúng bom, chúng tôi không chạy mà ở lại cùng bộ đội công binh sửa đường. Mưa bom bão đạn, có chị ngã xuống ngay trên đường tàu, nhưng chuyến tàu vẫn phải lăn bánh tới đích".
Đằng sau những chiến công ấy là biết bao giọt mồ hôi, nước mắt của những người mẹ, người vợ một mình gánh vác gia đình. Họ chính là hậu phương vững chắc cho tiền tuyến, là điểm tựa tinh thần cho những người lính nơi chiến trường.

"Ba đảm đang" thời hội nhập
Hơn nửa thế kỷ đã trôi qua, tinh thần "Ba đảm đang" không còn là khẩu hiệu mà đã thấm sâu vào máu thịt của phụ nữ Hà Nội nói chung và Đan Phượng nói riêng. Như một dòng chảy không ngừng nghỉ, truyền thống ấy được các thế hệ phụ nữ hôm nay kế thừa và phát triển với những cách làm sáng tạo, phù hợp với thời đại mới.
Chị Nguyễn Thị Bảy, Chủ tịch Hội LHPN huyện Đan Phượng, chia sẻ: "Đảm đang không còn là gánh lúa, mà là gánh vác cả tri thức và cơ hội. Phụ nữ hiện đại phải mạnh mẽ nhưng vẫn giữ cái dịu dàng, đằm thắm của truyền thống. Chúng tôi phát động phong trào “Phụ nữ Đan Phượng sáng tạo, khởi nghiệp”, kết hợp dạy nghề, xây dựng mô hình kinh tế xanh. Nhiều chị từ nông dân đã trở thành chủ trang trại, hợp tác xã".
Về thăm Đan Phượng, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng trước sự đổi thay của vùng đất anh hùng. Những cánh đồng lúa năm xưa giờ đã nhường chỗ cho những trang trại hoa công nghệ cao, những vườn cây ăn quả đặc sản. Và đằng sau sự chuyển mình ấy là bàn tay, khối óc của những người phụ nữ "đảm đang" thời hiện đại.
Chị Nguyễn Thị Hằng, chủ trang trại hoa lan công nghệ cao ở Song Phượng, chia sẻ: "Được Hội Phụ nữ đào tạo về kỹ thuật trồng hoa, hỗ trợ vốn, tôi mạnh dạn chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng hoa. Giờ mỗi năm thu về gần 1 tỷ đồng. Phụ nữ chúng tôi giờ còn phải nắm bắt công nghệ, thị trường".
Không chỉ trong sản xuất, tinh thần ấy còn lan tỏa trong các phong trào "Phụ nữ giỏi việc nước, đảm việc nhà", "Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch". Những ngôi nhà tranh tre năm xưa giờ đã thay bằng những ngôi nhà khang trang, vườn hoa sạch đẹp, minh chứng cho sự vươn lên của người phụ nữ nông thôn thời hiện đại.
Ở Thủ đô Hà Nội hôm nay, hình ảnh người phụ nữ "đảm đang" đã mang những diện mạo mới. Họ là những nữ doanh nhân thành đạt, những nhà khoa học tài năng, những nghệ sĩ nổi tiếng-những người không chỉ giỏi việc nước mà còn đảm việc nhà. Hội LHPN Hà Nội đã có nhiều cách làm sáng tạo để phát huy tinh thần "Ba đảm đang" trong thời đại mới. Từ các chương trình "Phụ nữ khởi nghiệp", "Phụ nữ với an toàn thực phẩm" đến những dự án "Phụ nữ tham gia xây dựng thành phố thông minh"...
Không chỉ thế, phụ nữ Thủ đô đang viết tiếp câu chuyện bằng những con số biết nói. Theo số liệu từ Sở Kế hoạch-Đầu tư, trong giai đoạn 2020-2024 hơn 500 dự án khởi nghiệp của phụ nữ được hỗ trợ vốn; 100% phường/xã có mô hình "Phụ nữ an toàn thông minh"; trong giai đoạn từ 2020-2023, Hội LHPN Hà Nội đã giải ngân gần 3.200 tỷ đồng vốn tín dụng cho phụ nữ khởi nghiệp… Những con số ấy không chỉ là thành tích, mà còn là minh chứng cho khát vọng vươn lên của phụ nữ Thủ đô, những người đang "đảm đang" cả gia đình, sự nghiệp và trách nhiệm xã hội.
Ý Nhi