A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Ký ức ngày mở "cánh cửa thép" hướng Tây Bắc Sài Gòn

 

QPTĐ-Là một trong những sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam trực tiếp tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, cứ mỗi dịp kỷ niệm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Đại tá Đào Xuân Sy (sinh năm 1948), nguyên Phó Chủ nhiệm Chính trị Quân khu Thủ đô, nguyên cán bộ chính trị Trung đoàn 48 Thăng Long, Sư đoàn 320, Quân đoàn 3 lại trào dâng biết bao cảm xúc. 

Đại tá Đào Xuân Sy (đứng ngoài cùng bên trái) cùng các đồng đội trong đội hình Quân đoàn 3.

Mùa Xuân năm 1966, theo tiếng gọi của chiến trường miền Nam, Đào Xuân Sy lên đường nhập ngũ khi vừa tròn 18 tuổi, mang trong mình nhiệt huyết cách mạng, hăng hái đấu tranh vì độc lập dân tộc. Ông được biên chế về Trung đoàn 48 Thăng Long thuộc Sư đoàn 320, Quân đoàn 3. Những năm tháng ác liệt của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, ông cùng đồng đội tham gia chiến đấu trên các chiến trường Bắc Quảng Trị gắn với những địa danh: Lâm Xuân, Đại Độ, Đinh Tổ, Bắc Cửa Việt, Cam Lộ, Ngã Tư Sòng, Đường 9-Khe Sanh. Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975, hướng tấn công của Quân đoàn 3 là hướng Tây Bắc, từ Tây Ninh, Củ Chi đánh vào Sài Gòn. Quân đoàn quyết định mở “cánh cửa thép” Tây Bắc, tiêu diệt căn cứ Đồng Dù và giữ hai cây cầu huyết mạch là cầu Bông và cầu Sáng trên đường số 1 và đường 15 nằm giữa Đồng Dù và Sài Gòn. Trung đoàn 48 Thăng Long thuộc Sư đoàn 320 được giao là lực lượng chủ yếu tiến công tiêu diệt căn cứ Đồng Dù ở cửa ngõ phía Tây Bắc Sài Gòn. Đây là căn cứ quân sự có vị trí rất quan trọng, nằm trên trục quốc lộ số 1 Sài Gòn đi Tây Ninh được mệnh danh là “Cánh cửa thép". Bộ đội ta phải chọc thủng để thọc sâu vào nội đô Sài Gòn. 

Tham gia trận tiêu diệt căn cứ Đồng Dù, Đại tá Đào Xuân Sy khi đó với quân hàm Thượng úy, là Chính trị viên Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 48 Thăng Long. Ông kể lại: Trung đoàn 48 Thăng Long bố trí Tiểu đoan 1 đảm nhiệm mũi tấn công chủ yếu trên hướng tấn công chủ yếu. Tiểu đoàn 3 đảm nhiệm mũi tấn công thứ yếu và Tiểu đoàn 2 là lực lượng dự bị sẵn sàng chi viện cho các hướng. Đúng 5 giờ 30 ngày 29.4.1975, pháo binh đồng loạt tiến công căn cứ Đồng Dù và kéo dài trong suốt 2 giờ liền. Cùng lúc đó, bộ binh trên các hướng nổ mìn định hướng và đánh bộc phá liên tục mở bung nhiều lớp hàng rào. Trên hướng tiến công chủ yếu, chiến sự diễn ra ác liệt ngay từ những phút đầu. Tại cửa mở số 1, Tiểu đoàn 1 khi mở những lớp hàng rào trong cùng bị địch bắn phá dữ dội. Được hỏa lực chi viện kịp thời, đến 7 giờ 30 phút, ta đã mở thông cửa mở số 1, bộ đội ta xung phong lên cửa mở nhưng bị xe tăng địch trong công sự bắn chặn. Cùng thời gian này, hướng cửa mở số 2, địch đưa xe tăng phản kích dữ dội. Tiểu đoàn 3 chiếm được tuyến công sự thứ nhất làm bàn đạp tiến vào bên trong. Đến 9 giờ, địch điều động bộ binh, xe tăng, thiết giáp ra bịt lấp cửa mở. Đồng thời dùng pháo cối, đạn hóa học đánh vào đội hình tiến công của Sư đoàn. Cuộc chiến đấu vô cùng cam go và quyết liệt.

Song với ý chí quyết tâm và tinh thần chiến đấu ngoan cường mưu trí, dũng cảm, chỉ trong 5 giờ chiến đấu, ta đã tiêu diệt toàn bộ Sư đoàn 25 của quân đội Việt Nam Cộng hòa ở căn cứ Đồng Dù. Đến 11 giờ 30 phút, bộ đội ta đã đánh chiếm và làm chủ Sở chỉ huy Sư đoàn 25. Tên Tư lệnh chuẩn tướng Lý Tòng Bá và các sĩ quan tham mưu bỏ chạy ra ngoài căn cứ đến chiều 30/4, hắn trình diện du kích Củ Chi. Chị Năm Sương đã giao hắn cho Phòng Chính trị, Sư đoàn 320. Đường vào Sài Gòn đã thông. Lực lượng thọc sâu hùng hậu của Quân đoàn 3 tiến thẳng vào nội đô Sài Gòn, kết hợp cùng các cánh quân khác đánh chiếm các mục tiêu được phân công.

Tại Đồng Dù, Trung đoàn 48 Thăng Long và các lực lượng tăng cường đã tiêu diệt được hơn 500 tên lính, bắt sống 2.269 tên, thu 4.900 súng pháo các loại và hơn 100 máy thông tin quân sự cùng 2 máy bay. Trung đoàn thu và phá hủy 4.500 xe quân sự trong đó có 23 xe tăng-thiết giáp. 

Kể đến đây, Đại tá Đào Xuân Sy ngừng lại, đôi mắt ông ngấn lệ: “Trong trận này, mũi của tôi hy sinh gần 100 người. Họ nằm lại chiến trường ở tuổi đời còn trẻ, khi ngày giải phóng đã rất gần. 47 năm đã trôi qua nhưng nỗi nhớ không nguôi trong tâm khảm của những người thân yêu ruột thịt, người đồng đội còn sống, người chỉ huy và nhân dân “đất thép” Củ Chi về sự hy sinh của họ. Tôi luôn tâm niệm phải giáo dục cho con cháu hiểu được sự hy sinh to lớn của các anh hùng, liệt sĩ và thế hệ đi trước đã dâng hiến cả tuổi thanh xuân của mình cho đất nước. 

Với chiến công to lớn trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, vinh dự cho Trung đoàn 48 có Tiểu đoàn 1, Tiểu đoàn 2, Tiểu đoàn 3 và 3 cá nhân: Nguyễn Như Hoạt, Bế Văn Thành, Vũ Thanh Sơn  được Nhà nước tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân và ngày 12/9/1975, Trung đoàn 48-Thăng Long được Nhà nước tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Đại thắng Mùa Xuân năm 1975 đã kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước kéo dài một phần tư thế kỷ. Đất nước hòa bình, hai miền Nam-Bắc thống nhất, cùng bắt tay xây dựng đất nước giàu mạnh, cuộc sống ấm no, hạnh phúc. 

Hữu Thu


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ