A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Ký ức cựu chiến binh Hà Nội về Chiến dịch Hồ Chí Minh

 

QPTĐ-Khi đất nước bị xâm lược, đã có biết bao thế hệ cha anh không tiếc tuổi thanh xuân xung phong ra trận để đổi lại độc lập, tự do cho hôm nay. May mắn sống sót trở về đời thường nhưng trong ký ức của những CCB từng là cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 59, Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội về những ngày tháng 4 lịch sử năm xưa cho tới tận hôm nay như vẫn còn vẹn nguyên.

Các cựu chiến binh Hà Nội ôn lại ký ức về Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

Chúng tôi có mặt tại nhà CCB Bàng Nguyên Thất trong không khí của những ngày kỷ niệm giải phóng hoàn toàn miền Nam, nghe ông và đồng đội cùng ôn lại một thời đạn bom, một thời hào hùng.

Theo đó, những cán bộ, chiến sĩ thuộc Trung đoàn Bộ binh 59, Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội năm đó có nhiệm vụ huấn luyện, tăng cường chi viện cho chiến trường miền Nam trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Mỗi người được biên chế vào đơn vị khác nhau nhưng tất cả đều cùng một ý chí quyết tâm: Chiến đấu giành thắng lợi, giải phóng cho được hoàn toàn miền Nam. 

Nhập ngũ tháng 9 năm 1972, CCB Bàng Nguyên Thất được biên chế vào Trung đoàn 66, Sư đoàn 304-mũi thọc sâu của Quân đoàn 2 tiến công trên hướng quan trọng Đông-Đông Nam, cùng với các lực lượng phối thuộc Lữ đoàn Xe tăng 203, đặc công, pháo binh, công binh tạo thành binh chủng hợp thành theo hướng xa lộ Biên Hòa-Sài Gòn. 

Ông xúc động kể lại: Lúc 9 giờ 15 phút ngày 30-4-1975, chúng tôi có mặt trước cổng Dinh Độc Lập, sau khi xe tăng húc đổ cổng chính thì xe của chúng tôi tiến thẳng vào Dinh. Đồng chí Phạm Xuân Thệ (lúc bấy giờ là Đại úy, Phó Trung đoàn trưởng Trung đoàn Bộ binh 66, là chỉ huy mũi thọc sâu này) ra lệnh cho tôi và đồng chí Hoàng (đang cùng ngồi trên xe của đồng chí Phạm Xuân Thệ) vào Dinh Độc Lập bắt toàn bộ nội các chính quyền Sài Gòn. Khi chúng tôi nhận lệnh xuống xe, thì đồng chí Bùi Văn Thận, Đại đội trưởng Đại đội xe tăng của Lữ đoàn 203 cầm lá cờ chạy lên phía trước để tìm hướng cắm. Gặp đoàn của chúng tôi lên đến lầu hai, Thủ tướng Dương Văn Minh vui vẻ. Thấy ông Thệ gần đến nơi, ông Minh giơ tay ra bắt, Ông Thệ liền gạt tay ra và tuyên bố luôn: “Các ông bị bắt làm tù binh, bây giờ không có gì để bàn giao cả”. Đang từ thế chủ động, ông Dương Văn Minh bị cụt hứng và từ đó trở đi không dám ngẩng mặt nhìn chúng tôi nữa. Sau khi đã cùng đồng đội áp giải hoàn thành xong nhiệm vụ, bàn giao cho cấp trên, chúng tôi mới vui sướng, ôm nhau, thậm chí bên ngoài anh em bắn chỉ thiên để mừng chiến thắng. Đến đây ông Thất xúc động: “Đấy là khoảnh khắc trong đời tôi rất vinh dự và tự hào là người lính của quân tăng cường Thủ đô, được tham gia vào giờ phút thiêng liêng của Tổ quốc”.

Đối với Đại tá Phạm Quang Hiệp, Phó Trưởng ban Tuyên giáo CCB thành phố Hà Nội, ông nguyên là chiến sĩ Hà Nội thuộc Tiểu đoàn 78, Trung đoàn 59, Bộ Tư lệnh Thủ đô, được bổ sung vào chiến trường miền Tây Nam bộ, chiến đấu trong đội hình Trung đoàn 20, Quân khu 9, từ năm 1974. Ông kể lại: Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, Quân khu 9 có nhiệm vụ đánh vào thành phố Cần Thơ, mà trực tiếp đơn vị tôi là đánh vào sân bay Trà Nóc, đây chính là căn cứ then chốt quan trọng của Sư đoàn không quân số 4 Việt Nam Cộng hòa. Đơn vị có nhiệm vụ quyết chiến điểm kiên cố của địch nên mọi việc diễn ra rất khẩn trương, cơ động đường sông nước xa, phải sử dụng xuồng ba lá vận chuyển vũ khí, đạn dược. Tôi nhớ khoảng 10 giờ đêm 29/4, khi Tiểu đoàn tập trung để chuẩn bị hành quân tiếp, thì đồng chí Ba Thích lúc đó là Tiểu đoàn trưởng bị thương song vẫn chống gậy hành quân cùng anh em. Đồng chí nói, tất cả lực lượng thương binh, nếu nhẹ tiếp tục chiến đấu và các đồng chí nào không có khả năng chiến đấu được thì ở lại tìm đường về hậu cứ, còn lại tất cả sốc lại đội hình để hành quân và “Các đồng chí ạ, vào đến đây rồi thì còn một răng cũng bừa”, thể hiện ý chí, quyết tâm rất cao mà đến bây giờ tôi vẫn nhớ mãi. 

Còn với CCB Bàng Nguyên Sáu, lúc đó ông được điều về K8, Cục chính trị, Quân đoàn 4, mặc dù làm nhiệm vụ vận chuyển cáng thương ra trận địa rồi tiếp phẩm quân lương, tuy không trực tiếp tham gia đánh trong chiến dịch nhưng trên con đường giải phóng tiến vào Sài Gòn, đối với ông là con đường không hề dễ dàng, đầy hiểm trở, khó khăn, ác liệt. Nhiệm vụ hậu phương phía sau của các ông cũng đã góp phần thắng lợi trong Chiến dịch Hồ Chí Minh.

46 năm kỷ niệm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, mỗi người Việt Nam nói chung và những người chiến sĩ từng chứng kiến giây phút lịch sử đó dù đang ở bất kỳ nơi đâu cũng không khỏi xúc động, bồi hồi khi nhớ lại khí thế đầy hào hùng, sục sôi và náo nức của những ngày cuối tháng 4 lịch sử. Câu chuyện của CCB Bàng Nguyên Thất cùng đồng đội chỉ là một  trong hàng vạn câu chuyện của người chiến sĩ giải phóng năm xưa. Trở về giữa đời thường, họ luôn trân trọng giá trị của hòa bình và vẫn giữ trọn vẹn tinh thần của người lính Bộ đội Cụ Hồ, vẫn nhiệt huyết góp sức mình xây dựng cho quê hương, đất nước, họ là tấm gương sáng cho thế hệ trẻ học tập, noi theo.

Thu Trang-Trần Đức
 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ