A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Kỷ niệm 50 năm chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” (12.1972 - 12.2022)

Chắp cánh cho không quân xuất kích

QPTĐ-Trong chiến tranh phá hoại miền Bắc, một trong những trọng điểm đánh phá của không quân Mỹ là các sân bay, nhằm làm tê liệt không quân của ta. Đặc biệt, trong Chiến dịch 12 ngày đêm cuối tháng 12-1972, Mỹ tập trung ném bom phá hủy sân bay Nội Bài và một số sân bay khác. Không quản hiểm nguy, dưới làn bom đạn của kẻ thù, quân dân Đa Phúc, Kim Anh (nay là huyện Sóc Sơn) đã kịp thời san lấp hố bom, tu sửa đường băng, chắp cánh cho máy bay chiến đấu của ta xuất kích bắn hạ kẻ thù.

Các cựu dân công hỏa tuyến nhớ lại những ngày san lấp hố bom, tu sửa đường băng cho máy bay chiến đấu cất cánh.

Sẵn sàng bước vào chiến dịch

Tháng 12-1972, trước tình hình khẩn cấp, các cơ quan đầu não của huyện và một số ngành dịch vụ, thương nghiệp, lương thực, thực phẩm đã sơ tán về các xã. Trên địa bàn huyện được chia thành các cụm chiến đấu liên hợp. Các trung đội dân quân cơ động có trang bị hỏa lực được thành lập, lực lượng vũ trang địa phương được củng cố. Các khu vực trọng điểm như sân bay, trận địa, nút giao thông… được chuẩn bị hầm trú ẩn. Các đội cứu thương, cứu sập được kiểm tra, bổ sung cơ số thuốc men, dụng cụ sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ. Lực lượng dân công hỏa tuyến tích cực cải tạo trận địa, tu sửa sân bay, góp phần cùng với địa phương tạo nên một thế trận toàn dân vững chắc. 

Ông Lê Văn Cường, thôn Cộng Hòa, xã Phù Ninh, huyện Sóc Sơn chia sẻ: Thời điểm đó, tôi đang công tác tại địa phương thì nhận được lệnh của Huyện đội huy động vào lực lượng dân công tham gia san lấp hố bom, tu sửa đường băng, ngụy trang máy bay, tải đạn và đắp các ụ pháo phục vụ chiến đấu. Cùng với tôi còn có nhiều thanh niên tham gia với khí thế hăng hái, cùng lòng quyết tâm cao nhất thực hiện nhiệm vụ.

Với tinh thần khẩn trương, công tác phòng tránh được triển khai kịp thời, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản của nhân dân. Toàn huyện khẩn trương sửa chữa hơn 2.700 hầm trú ẩn; 14.300 hố cá nhân, 6.700 km hào giao thông. Các đội cứu thương, cứu sập, cứu hỏa ổn định biên chế, bình tĩnh bước vào trận chiến.

Dưới bom đạn quyết không lùi bước

Ngay ngày 18-12-1972, ngày đầu tiên của trận tập kích chiến lược Linebacker II, không quân Mỹ đã tập trung đánh vào các sân bay của ta. Trước tiên là từng tốp máy bay “cánh cụp, cánh xòe” F.111 lao vào đánh phá, sau đó là B-52 vào rải thảm. Tính riêng tại Đa Phúc, Kim Anh, B-52 đã thả 572 quả bom xuống khu vực sân bay và các xã phụ cận. Sân bay Nội Bài đỏ rực như một biển lửa khổng lồ từ đầu Đông đến đầu Tây. Đường hạ, cất cánh trúng bom bị chia cắt thành nhiều đoạn. Không quản hiểm nguy, những dân công tuổi đôi mươi của huyện nhanh chóng, kịp thời san lấp hố bom, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho máy bay của ta cất cánh. Ông Nguyễn Ngọc Đồng, thôn Bắc Thượng, xã Quang Tiến, huyện Sóc Sơn chia sẻ: Trong khi bộ đội ra chiến trường, chúng tôi ở lại hậu phương với một trái tim hướng về nơi khốc liệt nhất. Phục vụ san lấp tại sân bay tuy không giáp mặt trực tiếp với kẻ thù nhưng lại dưới những đợt công kích, mưa bom từ máy bay địch. Khó khăn, nguy hiểm nhưng chúng tôi không lùi bước, quyết tâm san lấp các hố bom một cách nhanh nhất, bảo đảm kịp thời cho máy bay chiến đấu của ta cất cánh. Có những hố bom đường kính 15m, phải cần đến hàng trăm người dùng cuốc, xẻng để san lấp, rồi đầm, lèn thật chặt.

Cùng với san lấp đường băng, quân dân Đa Phúc-Kim Anh cũng luôn có mặt tại các trận địa vận chuyển vũ khí, tải đạn, động viên tinh thần chiến đấu bộ đội… “Bom đạn như vậy nhưng chúng tôi không bao giờ nghĩ tới cái chết. Cứ khoảng 17 giờ, hai, ba xe chở đoàn vào trong sân bay gấp rút tu sửa đường băng. Nhiều đêm, đang làm nhiệm vụ, gặp báo động, tất cả di chuyển tới nơi trú ẩn. Người thì nấp dưới hầm, người thì tận dụng cống thoát nước của sân bay để ẩn nấp. Khi địch dứt ném bom, chúng tôi lại lao lên tiếp tục công việc. Cứ như vậy, đêm tu sửa đường băng, ban ngày tham gia đắp ụ pháo, tải đạn tới những ụ pháo sẵn sàng bảo vệ vững chắc Thủ đô”-Ông Nguyễn Ngọc Đồng cho biết.

Trong cuộc chiến tranh phá hoại; Đa Phúc đã huy động 1.333 dân quân, Kim Anh đóng góp 152.507 ngày công; Xí nghiệp Gạch Xuân Hòa dùng xe cơ giới cùng với người lao động cùng nhau ngày đêm sửa chữa sân bay. Ở Quốc lộ số 2, Quốc lộ số 3, huyện cũng huy động hàng nghìn ngày công của nhân dân để khẩn trương san lấp hố bom, bảo đảm cho giao thông thông suốt. Với những thành tích xuất sắc trong chiến đấu, phục vụ chiến đấu, huyện Sóc Sơn đã vinh dự được Nhà nước tặng danh hiệu cao quý: Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Việt Dũng


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ