A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Chiến dịch đặc biệt của liên minh chiến đấu đặc biệt

 

QPTĐ-Quan hệ Việt Nam-Lào là mối quan hệ đặc biệt, kiểu mẫu vượt lên trên thông lệ quan hệ quốc tế giữa hai Đảng, hai dân tộc, hai quân đội. Đặc biệt, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, chiến dịch phòng ngự cánh đồng Chum-Xiêng Khoảng (từ 21/5 đến giữa tháng 11/1972) là lần đầu tiên các đơn vị bộ đội ta liên minh chiến đấu với lực lượng vũ trang Pa-thét Lào. Chiến dịch đặc biệt của liên minh chiến đấu đặc biệt đã thể hiện tình đồng chí, đồng bào của hai nước, sát cánh bên nhau trong từng chiến hào chiến đấu chống kẻ thù xâm lược, viết nên những trang lịch sử hào hùng về mối quan hệ của hai dân tộc.

Chuyên gia quân sự Việt Nam với các chiến sĩ Lào. (Ảnh: Internet)

Trong hai cuộc kháng chiến, cánh đồng Chum-Xiêng Khoảng là địa bàn có vị trí đặc biệt quan trọng, nếu chiếm lĩnh được vùng này là làm chủ được thế trận, khống chế được toàn bộ chiến trường Lào, tạo điều kiện phát triển lực lượng ra các vị trí xung quanh. Do vậy, các nhà lãnh đạo của Mặt trận Lào yêu nước từng đánh giá “Nước Lào như một con voi, khu vực Cánh đồng Chum-Xiêng Khoảng là đầu voi, ai cưỡi được trên đầu voi, thì người đó làm chủ nước Lào”. Không chỉ vậy, vị trí này còn liên quan trực tiếp tới cách mạng Việt Nam và toàn Đông Dương, bởi đây là hành lang vận chuyển chiến lược quan trọng nhất từ miền Bắc Việt Nam đến các chiến trường miền Nam Việt Nam, Lào và Campuchia. 

Từ tháng 8/1969, Mỹ đẩy cuộc “chiến tranh đặc biệt tăng cường” ở Lào lên tới đỉnh cao. Một trong những thủ đoạn thâm độc của Mỹ là chia rẽ các bộ tộc Lào, “dùng người Lào đánh người Lào”. Chúng tổ chức xây dựng “lực lượng đặc biệt”, thiết lập căn cứ Long Chẹng (Tây Nam Xiêng Khoảng), dưới sự hỗ trợ của không quân Mỹ, mở cuộc hành quân “Cù Kiệt” lấn chiếm Cánh đồng Chum-Xiêng Khoảng, làm bàn đạp tiến sâu vào vùng giải phóng của Lào. Song song với đó, nhằm phối hợp với việc thực hiện học thuyết “Việt Nam hóa chiến tranh” ở miền Nam, uy hiếp miền Bắc ở phía Tây, đồng thời, thực hiện chiến lược “phòng ngự từ xa” bảo vệ tuyến phòng thủ sông Mê Công của Mỹ ở Thái Lan và che chở cho căn cứ đầu não ở Long Chẹng. Đây là cuộc hành quân lớn nhất của Mỹ và tay sai Lào vào vùng này từ trước tới nay. Tiến đến đâu chúng đốt phá dồn dân vào các đồn ấp và lập ra hàng ngàn căn cứ, hậu cứ, sân bay, kho tàng, cứ điểm và đồn bốt. Hàng vạn đồng bào Xiêng Khoảng phải tản cư sang Kỳ Sơn, Con Cuông, Tương Dương lánh nạn cả năm trời, được nhân dân Nghệ An đã tận tình giúp đỡ. 

Ngay sau đó, các đơn vị chủ lực và địa phương của bộ đội Pa-thét Lào, cùng với các đơn vị quân tình nguyện Việt Nam liên tục bám sát và chặn đánh quyết liệt. Sang đầu năm 1970, Quân ủy Trung ương hai nước hạ quyết tâm tiến công tiêu diệt quân địch giải phóng Cánh đồng Chum-Xiêng Khoảng bằng chiến dịch có mật chiến là: 139. Trong chiến dịch này, lần đầu tiên liên minh chiến đấu Việt-Lào có bộ đội chủ lực của quân đội nhân dân Việt Nam tham gia.

Thực hiện quyết tâm chiến lược của Bộ Chính trị Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam và Bộ Chính trị Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng Lào tháng 2/1972, Hội nghị Quân ủy Trung ương đã xác định: “Phải giành thắng lợi to lớn, tạo nên so sánh lực lượng và cục diện mới có lợi cho ta, buộc địch phải chấm dứt chiến tranh năm 1972 theo điều kiện của ta, đồng thời, có sự chuẩn bị mọi mặt để tiếp tục đánh mạnh hơn nữa vào mùa khô 1972-1973 nếu địch còn ngoan cố kéo dài chiến tranh…”.

Thường vụ Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng Tư lệnh quyết định thành lập Bộ Tư lệnh chiến dịch, tổ chức lực lượng thành hai thành phần chủ yếu: Bộ phận chốt giữ trận địa và bộ phận cơ động đánh địch trong và ngoài khu vực phòng ngự. Sau một thời gian ngắn, liên quân Việt-Lào đã gấp rút chuẩn bị mọi mặt, chia chiến dịch làm 4 đợt chiến đấu, lấy ngày 21/5/1972 làm mở màn cho đợt đầu tiên.

Sau 5 tháng gian khổ, với 244 trận đánh, địch đã hoàn toàn thất bại trước chiến dịch phòng ngự rất chủ động và có hiệu quả của ta. Chúng buộc phải rút khỏi các bàn đạp ở Cánh đồng Chum. Liên quân Việt-Lào đã loại khỏi vòng chiến đấu gần 6.000 tên địch, đánh thiệt hại nặng các binh đoàn cơ động GM21, GM23, GM26 của Quân đội Chính phủ Hoàng gia Lào, 3 tiểu đoàn quân Thái Lan, bắn rơi và phá hủy 130 máy bay, thu 136 khẩu súng pháo và cối. Địa bàn chiến lược Cánh đồng Chum được giữ vững; thế trận liên hoàn giữa các vùng căn cứ địa của cách mạng Lào được bảo đảm; sườn phía phải của hướng tiến công chiến lược Trị Thiên và Bắc Tây Nguyên của Quân giải phóng miền Nam Việt Nam được bảo vệ. Thắng lợi của Chiến dịch phòng ngự Cánh đồng Chum-Xiêng Khoảng là chiến dịch hoàn chỉnh đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam và Quân giải phóng nhân dân Lào với cách đánh sáng tạo, hiệu quả. Điểm nổi bật của chiến dịch phòng ngự này là hình thành phòng ngự khu vực, lấy điểm tựa và cụm điểm tựa làm nòng cốt, có lực lượng cơ động mạnh để thực hiện phản kích và phản đột kích. Hai Đảng đã nắm vững và vận dụng đúng quy luật chiến tranh nhân dân, quy luật Đông Dương là một chiến trường và phương châm thống nhất về chiến lược đã tạo nên sức mạnh tổng hợp bẻ gãy tất cả những cuộc hành quân và âm mưu thâm độc, tàn bạo của đế quốc.

Những chiến công vang dội trên Cánh đồng Chum-Xiêng Khoảng năm 1972 đã góp phần vào thắng lợi của Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử (30/4/1975); cổ vũ mạnh mẽ và tạo điều kiện cho quân và dân Lào liên tiếp nổi dậy, giành chính quyền trong cả nước và thành lập nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào vào ngày 2/12/1975.

Hải Yến
 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ