A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

3 lần bị bắt, 3 lần được biểu dương

QPTĐ-Hơn bảy thập kỷ từ Mùa Thu cách mạng 1945, cả dân tộc đã đi qua cuộc trường chinh “sáng chắn bão giông, chiều che nắng lửa”. Đồng hành cùng cả nước trong hành trình ấy, phường Thượng Cát (quận Bắc Từ Liêm) vẫn lưu giữ trong mình những “địa chỉ đỏ” và cả những con người đã làm nên lịch sử hào hùng năm xưa.

Cảm thức chung của mỗi người con Việt Nam dịp Thu tới là sự hướng vọng về những giá trị thiêng liêng nhất của Tổ quốc. Giữa phố phường tấp nập, chúng tôi tìm về Thượng Cát, vùng quê cổ kính nằm bên bờ sông Hồng. Trải qua bao cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, chùa Thượng Cát, “địa chỉ đỏ” nuôi giấu cán bộ năm nào, nay đã được gắn biển Địa điểm lưu niệm sự kiện Cách mạng kháng chiến. Ngay cạnh đó là mái đình làng cổ kính vẫn còn nguyên vẹn nét xưa. 

Nhớ lại những ngày đầu kháng chiến năm 1939, khi đó đồng chí Hoàng Văn Thụ (Bí thư Xứ ủy Bắc kỳ lúc bấy giờ) quyết định xây dựng cơ sở bí mật tại Thượng Cát. Đây sẽ là nơi đi lại và làm việc của Xứ ủy, nơi cất giấu tài liệu, đặt cơ quan ấn loát. Sau Hội nghị Trung ương lần thứ 8 (1941), Trung ương Đảng quyết định xây dựng An toàn khu, đặt Thượng Cát thành trọng điểm, làm nơi liên lạc, hội họp. Các gia đình nhường nhà, buồng, giường, phản, ghế, bàn thờ tổ tiên để cán bộ cất giấu tài liệu. Thời kỳ giáp hạt, có gia đình chỉ ăn cháo, ăn khoai nhưng nhất định phải nhường cơm cho cán bộ, giữ bí mật làm ám hiệu khi gặp nhau, tạo ra những “vỏ bọc” ngụy trang bên ngoài. Sự đe dọa, khủng bố, bắt bớ, cầm tù không ngăn nổi ý chí cách mạng của người dân nơi đây.

Cán bộ Tiền khởi nghĩa Nguyễn Thị Hoài kể về những năm tháng sục sôi cách mạng.

 

Tiêu biểu có bà Nguyễn Thị Hoài, cán bộ Tiền khởi nghĩa năm xưa vẫn được người dân gọi với biệt danh hóm hỉnh “Bà bị bắt 3 lần”. Ở tuổi xưa nay hiếm, nhưng chỉ cần nhắc đến Cách mạng Tháng Tám là đôi mắt bà lại rực sáng niềm tự hào. Tham gia cách mạng từ năm 1943, được kết nạp Đảng năm 1948, với bà, những ngày tháng đã qua không thể nào quên. 

“Cuối năm 1942, Trung ương cử đồng chí Bạch Thành Phong, Hoàng Tùng về khôi phục lại cơ sở ở Thượng Cát. Ngày ấy tôi thuộc loại “có chữ” ở trong làng, nên được các anh đặc biệt giao việc đưa thư, gửi truyền đơn. Vừa hoạt động, vừa phải canh gác cho cán bộ. Ấy thế mà có cẩn thận đến mấy nhưng cũng bị bọn địch bắt được”.

Khi ấy, mỗi lần nhận nhiệm vụ là phải tranh thủ đi đêm, có ám hiệu riêng. Vừa đến điểm hẹn ở chợ Kẻ, cầu Lâu thì bất ngờ bị tập kích. Bà kể: “Tôi vừa hô ám hiệu thì bị thằng Mông-xi (Đồn trưởng bốt Dày) bắt tận tay. Trong người lúc bấy giờ còn dắt theo hai quả lựu đạn. Lo thì lo nhưng tôi vẫn trả lời “lạy quan lớn cháu đến nhà bà cháu”. Vừa đi vừa hô to đánh động cho cán bộ biết. Về đến cổng nhà thì giằng tay chạy thoát”.

Lần thứ hai bị bắt, khi ấy cô gái đưa thư đã là Hội trưởng Phụ nữ Liên Bắc, lại kiêm phụ trách liên lạc các xã. Địch cuốc hầm Hạ Mỗ hòng bắt cán bộ. Bà bèn tung bom mù đánh lạc hướng địch. Ngay sau đó, bà bị bắt lên Bốt Phùng tra khảo. 8 ngày trong ngục tối là 8 ngày bị tra tấn, ép cung nhưng không thể làm lung lay ý chí sắt đá của người chiến sĩ cách mạng. Tìm được thời cơ, bà phủ tải làm đệm, leo tường rào thép gai chạy trốn về nhà. 

“Tôi về đến nhà người ta còn thốt lên “Chị Hoài còn sống hay là ma thế này?”. Lần thứ 3 bị bắt ở La Khê, địch cũng cuốc hầm lên. Tôi bị chúng đánh gãy tay, bắt vào nhà tù Hà Đông. Đứa con chưa kịp chào đời cũng mất. Đau xót lắm, thế là lại càng quyết tâm đánh giặc. Vừa hay tin chúng định chuyển tôi lên Hỏa Lò, tổ chức trong tù bèn nghĩ cách đưa người vượt ngục. Khi ấy tôi và đồng đội lẩn theo xe rác lên tận Cửa Bắc, rồi cải trang về được Hữu Hòa, tiếp tục làm cách mạng”.

Ngày 14/8/1945, chớp thời cơ Đảng phát lệnh Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước. Tình thế sục sôi cách mạng lan tỏa khắp nơi. Khi đó bà cùng anh em trong đội tự vệ, dưới sự chỉ huy của đồng chí Hoàng Tùng tham gia tước vũ khí bè lũ tay sai. Toàn thể nhân dân Thượng Cát giương cờ, gậy gộc, giáo mác, rước đuốc, biểu dương khí thế cách mạng quanh làng. Khí thế cách mạng bùng lên mạnh mẽ từ thành thị đến nông thôn. Sáng 21/8/1945, tại đình làng Thượng Cát đã diễn ra cuộc mít tinh lớn với hàng nghìn quần chúng nhân dân tham gia. Nhà lãnh đạo cách mạng Hoàng Tùng đã đứng lên tuyên bố xóa bỏ chính quyền thực dân phong kiến, khiến nhân dân sung sướng tột cùng, vì từ đây đã có Đảng, chính quyền nhân dân lãnh đạo.

Đất nước giành độc lập, bà vinh dự được Đảng và Nhà nước trao tặng Huân chương Kháng chiến hạng Ba, Huân chương Lao động hạng Nhất. Và câu chuyện 3 lần bị địch bắt, 3 lần được biểu dương vẫn mãi khắc sâu cho con cháu về sau.

Hải Yến-Phạm Luân
 


Tổng số điểm của bài viết là: 4 trong 4 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ