A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Vệ út Phạm Đình Luận

 

QPTĐ-Tôi gặp CCB Phạm Đình Luận (là em bé 8 tuổi trong 60 ngày đêm chiến đấu tại Liên khu I-Hà Nội năm xưa) trong những ngày quân và dân ta đang tổ chức nhiều hoạt động hướng tới Kỷ niệm 30 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân và 75 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam 22-12, khi ông đến thăm đồng đội, cũng từng là một em bé tham gia 60 ngày đêm “quyết tử” ngày ấy. Dù đã ở tuổi xưa nay hiếm nhưng “em bé vệ út đoàn” năm xưa vẫn rất minh mẫn và nhớ như in những sự kiện trong cuộc đời mình.

 

 

Phạm Đình Luận sinh ra ở Sài Gòn, trong gia đình làm nghề buôn bán nhỏ. Bố mẹ của ông từ Hà Nội vào Sài Gòn sinh sống nhưng đầu năm 1946, giặc Pháp gây hấn ở Nam bộ nên gia đình trở về Hà Nội. Tại đây, cậu bé Luận cuốn hút vào các hoạt động của thiếu nhi Hà Nội như: Tham gia tuyên truyền, viết khẩu hiệu và cắm trại hè ở ngoại thành… 


Khi chiến sự xảy ra, Luận được Ban Quản trị Liên khu I giao nhiệm vụ liên lạc, hàng ngày có nhiệm vụ đến các đơn vị cùng dãy phố với Ban Quản trị hoặc đối diện truyền tin. Khi đó còn quá nhỏ để hiểu về ý nghĩa công việc của mình cũng như cuộc kháng chiến nhưng Phạm Đình Luận vẫn hiểu được việc mình đang làm là điều tốt cho cách mạng. Trong suốt thời gian đó, Luận đã hoàn thành tốt nhiệm vụ, không để xảy ra lọt, lộ thông tin.


Sau 60 ngày đêm tại Hà Nội, Phạm Đình Luận được vào Đội Tuyên văn học hát, học đàn. Chỉ trong thời gian ngắn, được sự dạy bảo tận tình của các anh đi trước, cậu bé Luận đã sử dụng thành thạo đàn Bandôanto. Tiết mục song tấu đàn Bandôanto của Luận cùng tiếng ghi ta của Luỹ trong “Đàn em vệ út”, sáng tác Phạm Ngọc Trương, biểu diễn trong Hội nghị “Rèn cán, chỉnh quân” được nhiệt liệt hoan nghênh. Không chỉ biểu diễn được các tác phẩm “Trường Chinh ca”, “Mơ đời chiến sĩ”…, Phạm Đình Luận còn là diễn viên kịch nói khá ấn tượng trong nhiều vở kịch.


Cuối năm 1950,  Phạm Đình Luận cùng 2 đồng chí khác được Ban Chính trị Trung đoàn cử lên Đại đoàn quân Tiên phong 308 tập trung theo kế hoạch đi học Trường Thiếu sinh quân tại Quế Lâm, Trung Quốc.


Sau khi hoàn thành chương trình lớp 7, rồi Trung cấp Kỹ thuật vô tuyến điện, chương trình Đại học tại Trung Quốc, năm 1963, Phạm Đình Luận ra trường, về công tác tại ngành Bưu điện, với vai trò Giáo viên Viễn thông Trường Bưu điện. Năm 1965, ông Luận được về công tác tại Tổng cục Bưu điện, tham gia thiết kế công trình thông tin đường dài phục vụ thời chiến ở các tỉnh miền núi phía Bắc; rồi công tác tại Viện Quy hoạch Bưu điện, với cương vị là Trưởng phòng Kế hoạch dài hạn và Hợp tác quốc tế. Năm 1985-1988, ông được cử sang làm chuyên gia Bưu điện tại Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào…


Suốt quá trình hoạt động cách mạng và sau này công tác trong ngành Bưu điện, ông Luận được tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý: Huân chương kháng chiến chống Pháp hạng Ba, Huân chương kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất, Chiến sĩ Thi đua ngành Bưu điện, Huy hiệu 40 năm tuổi Đảng… 


Ngân Mỹ


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ