A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Ký ức 60 ngày đêm của người thiếu niên Quyết tử

 

QPTĐ-Chúng tôi tìm đến địa chỉ số 28, ngõ 45, phố Phan Đình Phùng, Hà Nội tìm gặp bác Phùng Đệ vào một ngày nắng hanh vàng kèm với không khí se se lạnh. Dù đã ở cái tuổi xưa nay hiếm nhưng người thiếu niên Thủ đô Quyết tử năm xưa vẫn rất minh mẫn. Trong câu chuyện bên tách trà ấm nóng, những kỷ niệm của mùa Đông năm 1946, dưới giọng kể trầm trầm của người thiếu niên Quyết tử (liên lạc viên, Đại đội 15, Tiểu đoàn 103-khi ấy 13 tuổi) năm xưa bỗng chốc ùa về, vẹn nguyên như mới ngày hôm qua.

 

 

Sinh ra tại Trích Sài, Tây Hồ, Hà Nội, tuổi thơ sớm mồ côi cha mẹ, tự làm thuê nuôi sống bản thân nên chiều 19/12/1946, ngược dòng người dân nội thành hối hả theo lệnh tản cư, Phùng Đệ (trốn người thân) từ Phúc Tân chạy vào nội thành gia nhập tự vệ chiến đấu. Đến đầu cầu Gỗ, khi vào phố quan sát cảnh xây dựng trận địa của các đơn vị chiến đấu, thấy các chiến sĩ đang đào hào qua đường ngăn xe địch vào phố hàng Bạc, Phùng Đệ đã nhảy xuống hào, hối hả đào đất cùng mọi người. Khi mọi người hỏi: Em ở đâu? Bố mẹ em đâu? Phùng Đệ trả lời: Em ở đằng kia, em không biết bố mẹ ở đâu, cho em ở lại với các anh, em sẽ làm được việc. Trung đội báo cáo với Đại đội về trường hợp của Phùng Đệ, Đại đội báo cáo lên Tiểu đoàn. Hôm sau Tiểu đoàn phó Vũ Lăng xuống Đại đội, tại đây, Phùng Đệ đã được nhận thử thách đầu tiên.


Bác Đệ bồi hồi: “Khi anh Vũ Lăng xuống Đại đội, anh hỏi: Em có biết nhà Thuỷ Lâm không? Tôi trả lời: Thưa anh, em có biết ạ. Anh nói tiếp: Em đến đó theo dõi tình hình địch, chúng đặt súng ở đâu rồi về báo cho Tiểu đoàn biết. Em có sợ không? Dạ em không sợ-tôi trả lời.


Nhận nhiệm vụ, tôi men theo bờ tường qua phố Hàng Bè, Hàng Dầu rồi bò về phía nhà Thuỷ Lâm. Cổng nhà Thuỷ Lâm khoá chặt không thể vào được nhưng tôi thấy ánh đèn và bóng bọn Pháp lố nhố trong sân, trên gác, các vị trí đặt súng của chúng. Thấy vậy tôi bò về đơn vị, được một đoạn có một bóng đen chặn lại, tôi hơi sợ. Hoá ra đó là anh Lanh. Sau này tôi mới biết, anh được Đại đội giao nhiệm vụ bám sát bảo vệ tôi. Sau khi báo cáo tình hình với anh, Đại đội vạch phương án đánh trận tập kích thắng lợi”.


Trong suốt 60 ngày đêm chiến đấu, Phùng Đệ đã tham gia hàng chục trận đánh, trong đó có trận tiếp viện đánh bật quân địch ra khỏi nhà Xô-Va, một vị trí chiến lược của ta chốt giữ con đường huyết mạch ra ngoài Thành phố. Kết thúc 60 ngày đêm chiến đấu trong nội thành, rút ra ngoại thành an toàn, Phùng Đệ được biên chế vào đội Tuyên văn Sư đoàn 308, tham gia phục vụ các chiến dịch Hoàng Hoa Thám, Hà Nam Ninh, Tây Bắc, Trận Nghĩa Lộ…Hơn 30 năm hoạt động nghệ thuật, rồi làm người lính quay phim ở 3 chiến trường trong kháng chiến chống Mỹ, bác Phùng Đệ luôn giữ vững phẩm chất của chiến sĩ quyết tử năm xưa. Có thể nói, sự nghiệp làm phim thời sự, phóng sự, tài liệu khoa học, phim truyện của ông, với vai trò là quay phim, đạo diễn đã cho ra đời rất nhiều bộ phim có giá trị, trong đó nhiều tác phẩm đạt Bông Sen Bạc, Vàng. Bác Phùng Đệ được Nhà nước, Quân đội tặng nhiều Huân chương, Bằng khen; năm 1993, bác được Nhà nước phong tặng Danh hiệu Nghệ sỹ ưu tú.


Hiền Mĩ

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ