A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Về thăm Đền thờ Vua Quang Trung ở thành Vinh

 

QPTĐ-Sinh thời, khi nhận xét về thế chiến lược của vùng đất Dũng Quyết, Nghệ An, Vua Quang Trung đã hạ chiếu: "Nay kinh đô Phú Xuân thì hình thế trắc trở, nay trị Bắc Hà, sự thế rất khó khăn. Theo đình thần nghĩ rằng: Chỉ đóng đô ở Nghệ An là độ đường vừa cân, vừa có thể khống chế được trong Nam ngoài Bắc và sẽ làm cho người tứ phương đến kêu kiện tiện việc đi về... Nhớ lại buổi hồi loạn kỳ trước, lúc qua Hoành Sơn. Quả cung đã từng mở xem địa đồ. Thấy ở huyện Chân Lộc, xã Yên Trường, hình thế rộng rãi, khí tượng tươi sáng. Có thể chọn để xây dựng kinh đô mới, thực là chỗ đất đẹp để đóng đô vậy”.

 

 

Đền thờ Vua Quang Trung ở thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An.

 

Di tích Phượng Hoàng Trung Đô


Theo các tài liệu ghi lại: Sau đại thắng mùa Xuân Kỷ Dậu 1789, Hoàng đế Quang Trung bắt tay vào công cuộc xây dựng và củng cố đất nước. Việc đầu tiên và cũng là việc quan trọng nhất là chọn đất đóng đô cho vương triều mới, sau nhiều lần ghé chân qua Nghệ An, thấy đây là vùng đất địa linh nhân kiệt nên ông đã hạ chiếu cho La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp-Viện trưởng Sùng chính Thư viện xây dựng thành Phượng Hoàng Trung Đô, thuộc đất Yên Trường, huyện Châu Lộc.

 

Mặc dù chỉ được xây dựng trong thời gian ngắn và gấp nhưng thành đã có thành nội, thành ngoại và điện Thái Hòa-nơi Hoàng đế Quang Trung thiết triều. Rất tiếc, khi thành Phượng Hoàng vừa xây xong, kế hoạch dời đô còn dang dở thì Hoàng đế đột ngột băng hà. Ngày nay trên nền lầu rồng cũ, Bia dẫn tích Phượng Hoàng Trung Đô đã được lập nên để ghi dấu về địa điểm mà xưa kia kinh thành tọa lạc.
Phượng Hoàng Trung Đô là chứng tích hào hùng thể hiện tầm nhìn văn hóa của Nguyễn Huệ-Quang Trung trong quá trình đấu tranh thống nhất đất nước, xây dựng cuộc sống thái bình, ấm no cho dân tộc Việt Nam. Đây là vùng đất có địa thế rộng rãi, khí tượng tươi sáng ở xã Yên Trường, huyện Chân Lộc, nằm giữa núi Dũng Quyết và núi Kỳ Lân, nay thuộc phường Trung Đô, Thành phố Vinh, Nghệ An.


Thành ngoài của Phượng Hoàng Trung Đô xây bằng đất, đá ong, hình tứ giác chu vi khoảng 2.820m, bờ thành cao từ 3-4 m, diện tích rộng 22ha. Bao quanh phía ngoài thành có con hào rộng khoảng 30m sâu từ 2,5m đến 3m. Thành nội xây bằng gạch vỗ và đá ong, chu vi 1.680m, cao 2m. Trong thành nội có tòa lầu rộng 3 tầng, phía trước có bậc tam cấp bằng đá ong, phía sau có hai dãy hành lang nối liền với điện Thái Hòa là nơi dùng cho việc thiết triều của Vua Quang Trung.


Chỉ hơn 1 năm sau, ngày 5-10 năm Kỷ Dậu trong tờ chiếu gửi La Sơn Phu tử Nguyễn Thiếp, Nguyễn Huệ-Quang Trung lại khẳng định về việc xây dựng bằng được Phượng Hoàng Trung Đô để đóng đô ở Nghệ An: “Trẫm 3 lần xa giá Bắc Thành. Tiên sinh đã chịu bàn chuyện thiên hạ. Người xưa bảo rằng “một lời nói mà dấy nổi cơ đồ”. Tiên sinh hẳn có thế, chứ không phải là hạng người chỉ bo bo làm việc gần mình mà thôi... Trẫm nay đóng đô ở Nghệ An, cùng tiên sinh gần gũi. Rồi đây, Tiên sinh hãy ra giúp nhau để trị nước...”.


Theo tư liệu trong các thư tịch còn giữ thì Vua Quang Trung đã làm việc ở Phượng Hoàng Trung Đô ít nhất là hai lần. Tuy nhiên, người đã đột ngột qua đời vào ngày 29-7 năm Nhâm Tý (1792) nên chưa kịp dời đô từ Phú Xuân ra Phượng Hoàng Trung Đô.


Đền thờ Vua Quang Trung trên núi Dũng Quyết


Với mục đích lưu giữ lại những mốc lịch sử có ý nghĩa to lớn ấy, ngày 28/4/1962, quần thể di tích danh thắng núi Dũng Quyết và Phượng Hoàng Trung Đô đã được Bộ VH &TT công nhận là Di tích danh thắng cấp quốc gia.
Bên cạnh đó, để tiếp tục phát huy các giá trị văn hóa lịch sử vốn có cũng như thể theo nguyện vọng của nhân dân, đồng thời tỏ lòng biết ơn vị Hoàng đế anh hùng áo vải của dân tộc, UBND tỉnh Nghệ An quyết định khởi công xây dựng đền thờ Hoàng đế Quang Trung vào ngày 15/8/2005; khánh thành vào ngày 7/5/2008 nhân kỷ niệm 220 năm Phượng Hoàng Trung Đô. 


Đền thờ Hoàng đế Quang Trung tọa lạc ở núi Dũng Quyết, phường Trung Đô, Thành phố Vinh là địa chỉ đỏ để thế hệ trẻ thăm quan, học tập tìm hiểu về trang sử vẻ vang nhất của lịch sử nước nhà. Đây là 1 trong 36 hạng mục công trình của quần thể di tích lịch sử Lâm viên núi Dũng Quyết; là công trình văn hóa tâm linh gắn với du lịch, đáp ứng nhu cầu du khách trong và ngoài nước đến chiêm ngưỡng, tưởng niệm công ơn của Hoàng đế Quang Trung và thưởng ngoạn cảnh quan một vùng văn vật có sông núi hữu tình, vùng đất địa linh nhân kiệt. Đứng tại khu đền thờ Vua Quang Trung, thực khách có thể ngắm được toàn cảnh thành phố Vinh, núi Hồng sông Lam, đảo Mắt, làng Tiên Điền (quê hương Đại thi hào Nguyễn Du), biển Cửa Lò, đảo Ngư, quê hương Chủ tịch Hồ Chí Minh.


Toàn bộ ngôi Đền được làm bằng gỗ lim; sân lát đá Thanh Hóa, vừa mang vẻ uy nghi, hiện đại nhưng vẫn đầy chất cổ kính. Hệ thống vì kèo, kết cấu của Đền…chạm khắc theo phong cách thời Nguyễn. Mái lợp ngói mũi hài, gồm hai lớp: Ngói chiếu, ngói cót, nền được lát gạch Bát Tràng; cửa đi, cửa sổ kiểu bức màn thượng song hạ bản...


Ngân Mỹ

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ