A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Về nguyên tắc đóng-hưởng trong bảo hiểm xã hội

 

QPTĐ-Là một loại hình bảo hiểm mang tính xã hội rộng lớn, BHXH vừa tuân thủ các nguyên tắc của bảo hiểm nói chung, vừa phải bảo đảm các nguyên tắc mang tính xã hội của mình. Nguyên tắc đóng-hưởng có vai trò quan trọng trong BHXH. Theo cách hiểu thông thường, nguyên tắc đóng -hưởng là mức hưởng BHXH được tính trên cơ sở mức đóng góp. Đây là nguyên tắc đặc trưng cơ bản chi phối toàn bộ nội dung của BHXH, là cơ sở để xác định chế độ BHXH.

 

 

Nguyên tắc đóng-hưởng có vai trò quan trọng trong BHXH.   

Ảnh: Internet

 

Việc thực thi nguyên tắc đóng- hưởng là một tiêu chí quan trọng đánh giá sự phát triển của chính sách BHXH ở từng thời kỳ, thể hiện rõ trong từng chặng đường lịch sử phát triển của BHXH tại Việt Nam từ sau khi giành độc lập đến nay. Trước năm 1995, BHXH đóng vai trò như chính sách đãi ngộ của Đảng, Nhà nước ta đối với cán bộ, công nhân viên chức Nhà nước và lực lượng vũ trang, góp phần tích cực thực hiện nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc qua các thời kỳ. Lúc này, chế độ BHXH do ngân sách Nhà nước chi trả, trên cơ sở thời gian cống hiến của người lao động. Sau năm 1995, cùng với sự ra đời của tổ chức BHXH, chính sách BHXH thực hiện cơ bản theo nguyên tắc đóng-hưởng. Đây là bước phát triển vượt bậc của chính sách BHXH so với trước đó. Người lao động không phân biệt thành phần kinh tế đều có nghĩa vụ tham gia để hưởng các chế độ BHXH. Sự tuân thủ nguyên tắc đóng-hưởng đã góp phần tạo ra sự công bằng, phù hợp với sự phát triển của nền kinh tế xã hội đất nước, tiệm cận gần hơn với hội nhập quốc tế.


Bên cạnh đó, thực hiện nguyên tắc đóng-hưởng của BHXH cũng chỉ ra những vướng mắc, bất cập ở từng thời kỳ. Nghiên cứu quá trình thực thi chính sách pháp luật về BHXH các giai đoạn cho thấy, một trong những lý do để cải cách chính sách lại chủ yếu xuất phát từ nguyên tắc đóng-hưởng. Ví dụ, thời kỳ trước năm 2014, quỹ BHXH đối mặt với nguy cơ mất cân bằng do quyền lợi được hưởng cao hơn nghĩa vụ đóng góp. Quỹ hưu trí và tử tuất có số chi ngày càng tăng nhanh, khó đảm bảo chi trả trong dài hạn.


 Năm 2014, Luật BHXH sửa đổi được ban hành và có hiệu lực thi hành từ 01/01/2016. Tuy nhiên, quá trình thực thi cũng đã bộc lộ những hạn chế, bất cập từ việc thực hiện nguyên tắc đóng-hưởng, nhưng ở giác độ khác. Theo BHXH Việt Nam, hiện có khoảng 3.200 người hưởng lương hưu, có mức lương bằng hoặc thấp hơn mức lương cơ sở, đó là các giáo viên mầm non, người hoạt động không chuyên trách xã phường, thị trấn. Với mức hưởng như vậy, tính chất “bù đắp thu nhập” không được bảo đảm khi người lao động hết tuổi lao động. Hay quy định mức hưởng trợ cấp tuất hằng tháng đối với thân nhân của người lao động chết tại Khoản 1, Điều 68, Luật BHXH 2014 “bằng 50% mức lương cơ sở; trường hợp thân nhân không có người trực tiếp nuôi dưỡng thì mức trợ cấp tuất hằng tháng bằng 70% mức lương cơ sở”.

 

Đó thực sự là khoản trợ cấp quá ít ỏi đối với người thụ hưởng để ổn định cuộc sống khi nguồn bảo đảm cuộc sống từ người thân của họ không còn. Đặc biệt là quy định về trợ cấp mai táng tại Điểm a, Khoản 1, Điều 66, Luật BHXH 2014: Chỉ người lao động tham gia đóng BHXH từ đủ 12 tháng, khi chết thì người lo mai táng được nhận trợ cấp mai táng. Như vậy, người lao động tham gia đóng BHXH chưa đủ 12 tháng khi chết thì người lo mai táng sẽ không được nhận trợ cấp mai táng. Lý giải cho những quy định này đều dựa vào nguyên tắc đóng-hưởng. Hạn chế này đã được chỉ ra tại Hội nghị Trung ương 7 Khóa XII “còn nặng về nguyên tắc đóng-hưởng mà chưa chú ý thỏa đáng đến các nguyên tắc “chia sẻ”.


Vậy nguyên tắc đóng-hưởng cần được hiểu ra sao và đặt trong mối quan hệ với các nguyên tắc khác như thế nào để chính sách BHXH thực sự giữ vai trò là trụ cột của hệ thống an sinh xã hội và là chỗ dựa tin cậy của người lao động?


Nội hàm khái niệm nguyên tắc đóng-hưởng mở ra nhiều cách hiểu. Luật BHXH hiện hành quy định “mức hưởng BHXH được tính trên cơ sở mức đóng, thời gian đóng BHXH” và “mức đóng BHXH được tính trên cơ sở tiền lương tháng của người lao động” (Khoản 2 Điều 5 Luật BHXH 2014). Vì vậy, nguyên tắc đóng-hưởng thường được gắn với “mức” có thể định lượng được. Trên thực tế, nếu như “hưởng” thực sự có thể định lượng được thì “đóng” không hoàn toàn như vậy.


“Đóng”, theo Điều 5 Luật BHXH, là một khoản đóng góp cụ thể vào quỹ BHXH trên cơ sở tiền công, tiền lương hằng tháng làm căn cứ đóng BHXH của người lao động. Ngoài ra, theo quan điểm của tác giả, đóng có thể không có định lượng, đó là sự cống hiến, hy sinh trong quá trình thực hiện nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, khắc phục hậu quả chiến tranh hoặc lao động đặc biệt, tiềm ẩn yếu tố nguy hiểm và yếu tố có hại có thể gây tổn thương, bệnh tật, làm suy giảm sức khỏe, thậm chí tử vong đối với người lao động.


Đây không phải là vấn đề mới vì thực tế lịch sử quá trình hình thành và phát triển chính sách BHXH tại Việt Nam đã chứng minh sự ghi nhận của Đảng, Nhà nước đối với những đối tượng có cống hiến, đóng góp vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Ngay tại các quy định về điều kiện hưởng các chế độ BHXH của pháp luật hiện hành cũng thể hiện tính nhân văn đó. Ví dụ, quy định về điều kiện nghỉ hưu đối với người lao động làm nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc có đủ 15 năm làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực 0,7 trở lên thì được giảm tuổi đời trong điều kiện hưởng chế độ hưu trí... Hay những quy định về điều kiện nghỉ hưu, mức hưởng đối với lực lượng vũ trang - lực lượng lao động đặc biệt, thì nguyên tắc đóng-hưởng cần được đặt trong sự linh hoạt của các yếu tố đặc thù và điều kiện lịch sử.


Bên cạnh việc hiểu thấu đáo khái niệm nguyên tắc đóng-hưởng thì nguyên tắc này cần được đặt hài hòa với các nguyên tắc khác, cụ thể là nguyên tắc chia sẻ rủi ro. Rủi ro, mất khả năng hay cơ hội lao động đối với người lao động là khó tránh khỏi. Tuy nhiên trên thực tế, rủi ro xảy ra đối với mọi người lại không hoàn toàn giống nhau. Chính vì vậy số đông bù số ít thể hiện rõ nét tính xã hội của loại hình bảo hiểm phi lợi nhuận này. Khoản thu nhập thay thế nói chung cao hơn so với khoản phí BHXH mà họ đã đóng góp. Để làm được điều này, BHXH phải lấy số đông người tham gia đóng góp để bù đắp cho số ít người không may gặp rủi ro.


Nếu như nguyên tắc đóng-hưởng bảo đảm sự công bằng cho những người tham gia BHXH thì nguyên tắc chia sẻ rủi ro bảo đảm tính nhân văn. Tuy nhiên, BHXH trước hết phải mang đặc trưng của bảo hiểm nói chung nên không thể nằm ngoài sự chi phối của nguyên tắc đóng-hưởng. Vì vậy, cần sự hài hòa giữa hai nguyên tắc này để bản chất kinh tế và xã hội hay công bằng và nhân văn cùng song song tồn tại. Chính sự hài hòa này là điểm khác biệt cơ bản giữa BHXH và bảo hiểm thương mại.


Một điểm mới của Nghị quyết 28-NQ/TƯ về Cải cách chính sách BHXH là thay vì hai nguyên tắc đóng-hưởng và chia sẻ rủi ro, sẽ bao gồm 5 nguyên tắc: đóng-hưởng, bình đẳng, công bằng, chia sẻ, bền vững. Từ định hướng cải cách này thì chính sách BHXH sẽ tiếp tục được hoàn thiện, đổi mới để đạt được các mục tiêu lớn. Và nguyên tắc cơ bản đóng-hưởng lại được đặt lên bàn cân cùng các nguyên tắc khác trong việc xây dựng, thiết kế chính sách BHXH.


Dù đất nước phát triển đến đâu và chính sách BHXH hoàn thiện ở mức độ nào thì nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc luôn song hành. Còn đó những hy sinh, mất mát giữa thời bình trong thực hiện nhiệm vụ, còn đó những lĩnh vực hoạt động, địa bàn khó khăn, đặc biệt khó khăn luôn ẩn chứa sự nguy hiểm đến sức khỏe, tính mạng mà ở đó không có một sức hút nào đối với đầu tư thương mại và thị trường lao động, không thể đong, đếm rạch ròi “đóng-hưởng”… Trong điều kiện đất nước còn khó khăn, các chính sách đãi ngộ khác chưa thể bù đắp thì BHXH luôn cần thực hiện hài hòa sứ mệnh xã hội và nhân văn của mình.


Lê Thị Thu Hoài

 


Tổng số điểm của bài viết là: 4 trong 4 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ