A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Nhà sàn đơn sơ của Bác kính yêu

 

QPTĐ-Nhắc đến những kỷ vật liên quan đến Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngoài đôi dép cao su, bộ quần áo nâu sòng, ao cá và những câu chuyện giản dị đời thường thì còn có một dấu tích gắn bó suốt 11 năm (1958-1969) cuối đời của Người-đó chính là Nhà sàn Bác Hồ. Những tài liệu, hiện vật ở nơi đây đã thể hiện đầy đủ, rõ nét cuộc sống, tư tưởng, đạo đức và phong cách làm việc của một lãnh tụ hết lòng vì nước, vì dân, vì sự nghiệp hòa bình, hữu nghị và tiến bộ của các dân tộc trên thế giới, đúng như lời Thủ tướng Phạm Văn Đồng viết: "Cái nhà sàn của Bác chỉ vẻn vẹn có vài ba phòng, trong lúc tâm hồn của Bác lộng gió thời đại thì cái nhà nho nhỏ đó luôn luôn lộng gió và ánh sáng, phảng phất hương thơm của hoa vườn, một đời sống như vậy thanh bạch và tao nhã biết bao".

 

 

Nhà sàn của Bác Hồ

Sự ra đời của Nhà sàn Bác Hồ


Những ngày tháng 5 lịch sử, có mặt tại Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh (Phủ Chủ tịch), ngắm nhìn ngôi nhà sàn đơn sơ với những vật dụng quen thuộc Bác dùng lúc sinh thời, lòng ta thật bồi hồi, xúc động và có cảm giác như Bác kính yêu vẫn còn đó, sống mãi cùng non sông, đất nước. Trò chuyện với đồng chí Nguyễn Thị Bình, Phó Trưởng phòng Sưu tầm-kiểm kê Tư liệu, Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch, chúng tôi được biết:


Sau gần 4 năm tiến hành công cuộc khôi phục kinh tế, hàn gắn vết thương chiến tranh ở miền Bắc Việt Nam, cơ sở vật chất của xã hội bước đầu được củng cố và phát triển, đời sống nhân dân đã phần nào được nâng cao, Trung ương Đảng, Bộ Chính trị mong muốn xây dựng một ngôi nhà mới để Chủ tịch Hồ Chí Minh có nơi ở, làm việc được tốt hơn. Người đồng ý nhưng nói: “Trung ương đề nghị xây cho Bác một ngôi nhà mới, Bác nghĩ: Nên làm một căn nhà nho nhỏ ở phía bên kia bờ ao theo kiểu nhà đồng bào dân tộc ở Việt Bắc, giống như ngôi nhà Bác đã từng ở trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp”.


Kiến trúc sư Nguyễn Văn Ninh, nguyên Cục phó Cục Thiết kế kiến trúc thuộc Bộ Giao thông thuỷ lợi được giao nhiệm vụ thiết kế và chỉ đạo xây dựng ngôi nhà; Đoàn 5, Cục Doanh trại (nay là Cục Kiến thiết cơ bản) Tổng cục Hậu cần Quân đội chịu trách nhiệm thi công. 


Bình kể cho tôi nghe: “Bác của chúng ta giản dị lắm, thế nên khi ông Ninh được Người mời đến trao đổi về thiết kế, cách bố trí cụ thể của ngôi nhà. Người đề nghị, nhà sàn chỉ nên làm vừa đủ cho một người ở; gỗ dựng nhà không nên dùng gỗ quý; hành lang nên làm rộng để vừa ngồi đọc sách vừa thuận tiện cho việc qua lại; cầu thang lên trên nhà rộng đủ để hai người cùng đi...”.


Ngày 15 tháng 4 năm 1958, ngôi nhà sàn được khởi công xây dựng. Anh em cán bộ, chiến sĩ đã làm việc khẩn trương để hoàn thành trong thời gian ngắn nhất, kịp mừng sinh nhật lần thứ 68 của Bác. Ngày 17-5-1958, ngôi nhà được khánh thành. Nhân dịp này, Người tổ chức buổi liên hoan nhỏ để cảm ơn kiến trúc sư và anh em thi công, sau đó Người chuyển về ở và làm việc tại nhà sàn.


Ngôi nhà sàn của Bác được thiết kế theo kiểu của đồng bào dân tộc ở Việt Bắc: Nhà hai tầng, xung quanh có mành che, tầng dưới để thoáng. Trước nhà là một vườn hoa nhỏ, trồng nhiều loại hoa thơm. Phía ngoài là hàng rào dâm bụt gợi nhớ hình ảnh quê hương Nghệ An, nơi Bác Hồ sinh ra và lớn lên.


Tại đây, Người cùng Bộ Chính trị đề ra đường lối chiến lược, sách lược cho cách mạng Việt Nam, lãnh đạo nhân dân vượt qua khó khăn, thử thách để thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược: Xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, đấu tranh giải phóng miền Nam, tiến tới thống nhất đất nước, góp phần tích cực vào cuộc đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc dân chủ và chủ nghĩa xã hội trên thế giới. 

 

Dấu ấn nơi nhà sàn


Mục sở thị ngôi nhà sàn của Bác chúng ta thấy, các tài liệu hiện vật tại ngôi nhà sàn vẫn được giữ nguyên vẹn như những ngày cuối cùng Người sống và làm việc. Tầng dưới nhà sàn kê một bộ bàn ghế lớn, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh làm việc mùa Hè, Người họp, trao đổi công việc với các đồng chí trong Bộ Chính trị, cán bộ phụ trách đầu ngành, các địa phương và tiếp thân mật cán bộ, chiến sĩ miền Nam. Bác thường hẹn tiếp cán bộ vào đầu giờ làm việc, ngoài ra, cần làm việc với ngành nào, Người mời đồng chí đầu ngành trực tiếp đến gặp và bàn bạc.


Hiện trên bàn làm việc vẫn còn các đầu sách Người đang đọc vào những ngày cuối cùng; những tác phẩm về gương người tốt, việc tốt của các giới, các ngành. Từ năm 1959-1969, Người đã tặng gần 4.000 huy hiệu cho những cá nhân làm việc nhỏ có ý nghĩa lớn. Theo Bác, việc phát hành sách “Người tốt, việc tốt” là biện pháp thiết thực, góp phần xây dựng con người mới Việt Nam. 


Điều đáng nói, quan tâm tới chiến lược xây dựng con người mới, Bác Hồ luôn chú trọng việc giáo dục đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên. Cuối năm 1958, tại nhà sàn, Người viết bài “Đạo đức cách mạng”. 


Cùng với đó là sách của V.I Lênin viết về cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa Tháng Mười vĩ đại; một số tác phẩm khác viết về cuộc chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ ở Việt Nam và phong trào đấu tranh chống phân biệt chủng tộc ở ngay trong lòng nước Mỹ; rồi chiếc khay đá màu đen-Người thường để bút-kỷ vật của Tổng thống nước cộng hòa nhân dân Cu-Ba, Ôt-xvan-đô Đoóc-ti-cốt tặng năm 1967. 


Đặc biệt, tại nhà sàn, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tiếp thân mật một số đoàn khách quốc tế, với bầu không khí cởi mở, chân tình. Phong cách giao tiếp của Người để lại những ấn tượng tốt đẹp trong lòng bạn bè quốc tế. 


Trong những năm tháng đế quốc Mỹ leo thang đánh phá miền Bắc, Việt Nam (1964-1968), Bác vẫn ở và làm việc tại nhà sàn. Tại đây, Người đã viết Lời kêu gọi toàn dân đứng lên chiến đấu chống Mỹ cứu nước: “Chiến tranh có thể kéo dài 5 năm, 10 năm, 20 năm hoặc lâu hơn nữa. Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố, xí nghiệp có thể bị tàn phá song nhân dân Việt Nam quyết không sợ. Không có gì quý hơn độc lập tự do”. Lời kêu gọi của Người đã cổ vũ nhân dân Việt Nam tiến lên giành thắng lợi, trở thành chân lý của thời đại. 


Phía cuối phòng tầng dưới có ba máy điện thoại. Chiếc màu xanh, Người làm việc với Bộ Chính trị, hai máy màu đen làm việc với Cục Tác chiến, Bộ Tổng tham mưu và Bộ Tư lệnh Phòng không-Không quân. Chiếc mũ sắt bên cạnh được anh em bảo vệ mang theo trong những lần Người đi thăm các địa phương, đơn vị bộ đội... Gần đó là chiếc ghế xích đu bằng mây, Người thường nghỉ ngơi vào buổi trưa, hoặc sau giờ làm việc. 


Dù bận trăm công, ngàn việc nhưng khi xây dựng nhà sàn, Bác vẫn gợi ý: “Những bệ xi măng xung quanh tầng dưới, bên trên lát ván gỗ để mỗi lần các cháu thiếu nhi vào thăm Bác có đủ chỗ ngồi. Ngoài ra, còn đặt thêm bể cá vàng cho các cháu vui hơn”, Bình cho biết.


Tầng trên nhà sàn có hai phòng: Phòng làm việc và phòng ngủ. Mùa Đông, Bác thường làm việc ở trên nhà. Hiện nay, trên bàn làm việc vẫn còn những tài liệu Người đang xem dở. Người có thói quen đánh dấu và ghi nhanh ý kiến của mình bên lề những chi tiết cần lưu tâm. Nhiều bài báo còn lưu lại bút tích của Người. 


Tại căn phòng này, tháng 5-1965, vào dịp sinh nhật lần thứ 75 của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đặt bút viết những dòng đầu tiên của bản Di chúc. Bản Di chúc khẳng định niền tin tuyệt đối của Người vào thắng lợi của sự nghiệp đấu tranh thống nhất đất nước: “Dù khó khăn gian khổ đến mấy nhân dân ta nhất định sẽ hoàn toàn thắng lợi... Tổ quốc ta nhất định sẽ thống nhất. Đồng bào Nam-Bắc nhất định sẽ sum họp một nhà...”. Bản Di chúc chính là kim chỉ nam cho toàn Đảng, toàn dân Việt Nam trong sự nghiệp đổi mới đất nước vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.


Trên giá sách đặt trong vách ngăn giữa phòng làm việc và phòng ngủ, bên cạnh sách kinh điển của C.Mác, F.Ăngghen, V.I Lênin là những cuốn sách về các lĩnh vực, tác phẩm của nhiều tác giả nước ngoài đề tặng. Ngăn dưới cùng giá sách là chiếc máy chữ, Bác thường tự đánh máy các bài viết; điện mừng, lời chia buồn… gửi tới các tập thể, cá nhân có thành tích trong sản xuất, chiến đấu cũng như bạn bè thế giới. 


Tại phòng ngủ của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tiện nghi sinh hoạt cũng đơn giản như ở mọi gia đình người dân Việt Nam thời đó. Chiếc giường gỗ mùa Hè trải chiếu cói, mùa Đông có thêm tấm đệm và chăn bông. Cạnh đó là một lò sưởi điện nhỏ, Người dùng những hôm trời giá lạnh.


Cũng theo đồng chí Nguyễn Thị Bình: “Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh thường làm việc rất khuya. Trên bàn làm việc ở phòng ngủ vẫn còn một số sách, tạp chí lưu lại bút tích của Người. Trong đó có bài nói về vấn đề cải cách chữ quốc ngữ, bài "Lênin nói về vấn đề giáo dục chủ nghĩa cộng sản cho thế hệ trẻ” của tạp chí Tuyên huấn... 


Trên chiếc tủ nhỏ đặt ở đầu giường vẫn còn chiếc đồng hồ và cuốn sách Người đang đọc: “Cuộc kháng chiến chống xâm lược Nguyên Mông thế kỷ XIII” của hai tác giả Hà Văn Tấn và Phạm Thị Tâm. Bác đọc tác phẩm trong giai đoạn cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc đang đứng trước thử thách, gay go hẳn không phải là điều ngẫu nhiên. Bên dưới nhà sàn, chiếc đồng hồ của Người vẫn đều đặn chạy khiến cho chúng ta cảm thấy như Người vẫn sống ở nơi đây”.


62 năm trôi qua, Bác kính yêu đã đi xa nhưng ngôi nhà sàn ấy vẫn còn đó, trở thành biểu tượng tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và tinh thần đoàn kết dân tộc, hội nhập quốc tế.

 

Hiền Mỹ


Tổng số điểm của bài viết là: 4 trong 4 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ