A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tết tiết kiệm theo lời dạy của Bác Hồ

 

QPTĐ-Sinh thời, Bác Hồ rất quan tâm và đề cao tiết kiệm. Bác dùng hình tượng “Sản xuất mà không tiết kiệm như gió vào nhà trống”. Người đặc biệt chú trọng kêu gọi, nhắc nhở cán bộ và nhân dân phải thực hành tiết kiệm trong dịp Tết. Bài học về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong dịp vui Xuân, đón Tết vẫn còn nguyên giá trị đối với toàn Đảng, toàn dân ta.

 

 

Bác Hồ chia quà Tết cho các cháu con em xã viên Hợp tác

                 xã Khe Cát, huyện Yên Hưng, tỉnh Quảng Ninh, ngày 2/2/1965.                       

Ảnh: Tư liệu

 

Sáng 28 tháng Chạp năm Bính Thân, nghĩa là chỉ còn 2 ngày nữa là Tết Đinh Dậu (1957), Bác tiếp đoàn đại biểu xã Nhật Tân (quận Tây Hồ, Hà Nội ngày nay) đến chúc Tết Bác và biếu Bác cây đào để đón Xuân. Bác hỏi tình hình đón Tết của đồng bào. Đồng chí Bí thư chi bộ kiêm Chủ tịch Ủy ban hành chính xã thưa với Bác rằng, Tết năm ngoái nhân dân toàn xã ăn Tết rất phấn khởi, Tết năm nay còn phấn khởi hơn vì cải cách ruộng đất đã thắng lợi, nhân dân đã thực sự làm chủ ruộng đất nên đã chủ động chung nhau lợn, trâu, bò để mổ ăn Tết. Nghe vậy, Bác không vui và ân cần căn dặn: “Các chú tổ chức cho nhân dân ăn Tết phấn khởi đấy, nhưng phải nhớ tiết kiệm. Vì đất nước còn nghèo, lại vừa trải qua chiến tranh, còn phải làm nhiều việc lớn hơn”. Những người có mặt lúc đó đều thấm thía lời dạy của Bác. Mấy ngày sau, câu chuyện được gặp Bác và những lời cặn dặn của Người được các vị cao niên trong đoàn đại biểu kể lại cho dân làng nghe tại sân đình các thôn trong xã. Tết năm sau (1958) cả xã không còn mổ trâu bò ăn Tết nữa.

 

 

Bác Hồ tặng quà Tết và nói chuyện với các chiến sĩ

               Đoàn không quân Sao Vàng, sáng Mồng Một Tết Đinh Mùi (9/2/1967).                     

                                     Ảnh: Tư liệu


Đầu năm 1958, Bác về tham gia chống hạn ở xã Mễ Trì (quận NamTừ Liêm, Hà Nội ngày nay). Khi ấy còn hơn 1 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán Mậu Tuất 1958, tại buổi nói chuyện với nhân dân trong xã, Bác nói: “Năm ngoái bà con ăn Tết mổ lợn, mổ bò… rồi thiếu trâu bò cày. Đấy là chưa kể rước sách linh đình, đồng bóng bói toán thật là lãng phí, ảnh hưởng không tốt đến thuần phong mỹ tục. Năm nay nhất định sửa. Tết năm nay phải là Tết vui vẻ, lành mạnh, tiết kiệm”. 


Trong bài “Mừng Xuân vĩ đại” đăng trên Báo Nhân Dân số 2141 ngày 27/1/1960, Bác viết: “Xưa kia, người ta chỉ mừng Xuân hẹp hòi trong khuôn khổ gia đình. Ngày nay chúng ta mừng Xuân rộng rãi, từ gia đình đến cả nước, đến khắp thế giới”, Bác nhắc nhở: “Chúng ta mừng Xuân một cách vui vẻ, tưng bừng, nhưng tuyệt đối không lãng phí”. Trên Báo Nhân Dân số 2142, ngày 28/1/1960, trong bài “Mừng Tết Nguyên đán thế nào?”, Bác viết: “Suốt năm chúng ta thi đua lao động sản xuất.

 

Nhân ngày Nguyên đán, chúng ta vui chơi một hôm để chào Xuân. Việc đó cũng đúng thôi. Nhưng chúng ta nên mừng Xuân một cách vui vẻ và lành mạnh. Nếu có bao nhiêu tiền đều bỏ ra mua sắm hết để đánh chén lu bù, thế là mừng Xuân một cách lạc hậu, thế là lãng phí, thế là không Xuân… Các đồng chí cán bộ ta cần phải hướng dẫn đồng bào làm cho ngày Tết vui vẻ và tưng bừng, tiết kiệm và thắng lợi”. 


Bác Hồ không chỉ khuyên nhủ nhân dân ăn Tết tiết kiệm, mà chính Người là một tấm gương sáng điển hình trong việc thực hiện tiết kiệm trong những ngày lễ Tết. Nhân dân ta còn nhớ mùa Xuân cuối cùng trong cuộc đời hoạt động cách mạng của Người, Bác về trồng cây trên đồi Đồng Váng, thôn Yên Bồ, xã Vật Lại (Ba Vì, Hà Nội ngày nay). Trước khi đi, Bác nhắc nhở các đồng chí phục vụ mang theo cơm nước. Bác cùng đồng bào và cán bộ trồng cây xong, lúc ấy gần 12 giờ trưa. Bác mời đồng chí Bí thư Tỉnh ủy và đồng chí Chủ tịch tỉnh cùng Bác ăn Tết ngay trên chiếc chiếu trải trên đồi. Bữa cơm thân mật, Bác cùng khách thưởng thức thật đơn giản, có bánh chưng, giò với dưa hành, canh nóng đựng trong phích. Hôm ấy là ngày mùng 1 Tết Kỷ Dậu 1969.


Cuộc sống hối hả, cấp tập hôm nay đã làm cho chúng ta phải chạy theo thị hiếu để thích ứng với từng điều kiện, hoàn cảnh cụ thể. Cứ mỗi khi Tết đến, Xuân về mỗi người lại “vui trong nỗi lo ngày Tết”. Rất nhiều hoạt động ngày Tết bị biến tướng như: Biếu quà Tết, lễ hội đình đám, hủ tục mê tín, cá cược, đánh bạc, mua bán thần thánh… Một trong những nỗi lo lắng hiện nay là việc “biếu quà Tết một cách không trong sáng”. Nó biến tướng thành méo mó, trở thành hành động hối lộ, chạy chức, chạy quyền… Kiên quyết đẩy lùi tệ nạn này, theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 Khoá XII, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Chỉ thị số 16-CT/TW ngày 22/12/2017 về việc tổ chức Tết năm 2018.

 

Chỉ thị nêu rõ: “Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể Trung ương không tổ chức đi thăm, chúc Tết lãnh đạo các địa phương; các địa phương không chúc Tết cấp trên và Trung ương. Nghiêm cấm việc biếu, tặng quà Tết cho lãnh đạo cấp trên, cấp trên "tranh thủ" cấp dưới với mọi hình thức; nghiêm cấm sử dụng ngân sách, phương tiện, tài sản công vào các hoạt động mang tính cá nhân trong dịp Tết, lễ hội…”.


Bác Hồ của chúng ta tuy đã đi xa, nhưng cả dân tộc Việt Nam luôn cảm thấy như Người vẫn cùng chúng ta trong công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Và cứ mỗi dịp Xuân về, nhân dân ta vẫn cảm thấy như có Bác trong ngày Tết ấm áp, vẫn nghe rõ lời Người căn dặn: “Trăm năm trong cõi người ta/ Cần kiệm xây dựng nước nhà mới ngoan/ Mừng Xuân, Xuân cả thế gian/ Phải đâu lãng phí, cỗ bàn mới Xuân”.

 

PHƯƠNG LINH

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ