A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Rực rỡ sắc vàng miến dong Cự Đà

 

QPTĐ-Làng Cự Đà nằm bên bờ sông Nhuệ, thuộc xã Cự Khê, huyện Thanh Oai. Nơi đây không chỉ bảo tồn được những ngôi nhà kiến trúc truyền thống từ thời Pháp thuộc mà còn là làng nghề làm miến lớn nhất miền Bắc.

 

 

Công đoạn đóng gói sản phẩm.


Miến ở Cự Đà được làm từ bột của củ dong riềng, nghề của làng có tuổi hàng trăm năm nay. Bột dong riềng được nhập từ làng So ngay sát Cự Đà. Trước khi đem nấu chín, bột được phơi khô dưới nắng, đó là một trong những bí quyết giúp miến Cự Đà luôn mềm mà vẫn đủ độ giòn dai hơn miến những nơi khác. Sau khi phơi khô, bột được đem quấy với nước ấm, tráng thành tấm bánh mỏng như bánh đa, hấp chín rồi phơi nắng.


Chúng tôi đến thăm Cự Đà vào một ngày nắng đẹp. Trên từng ngõ ngách cổ kính đến những thửa ruộng bao la là rực rỡ sắc vàng óng ánh, mượt mà của miến dong. Cô Vũ Thị Quỳnh, một trong những người làm nghề lâu năm ở làng Cự Đà, vừa nhanh tay đảo từng phên miến vừa tâm sự: “Nghề làm miến phụ thuộc nhiều vào thời tiết. Sợi miến phải phơi qua hai nắng mới đạt độ giòn dai, nên nếu trời mưa, cả làng cùng nghỉ. Đôi khi lò đã nhóm lên rồi, thấy trời xâm xẩm hơi mưa cũng phải dừng”.


Phơi miến đủ nắng, người ta bắt đầu cắt nhỏ thành sợi vừa ăn, nhìn sợi miến vừa dài, vừa bé, vừa mịn là biết đây là miến của làng. Một mẻ miến từ khi còn là bột dong riềng đến lúc đóng gói thành phẩm chuyển đi các tỉnh thường mất từ 2-4 ngày. Sợi miến Cự Đà có hai loại chính, rất dễ nhận ra là loại có màu vàng óng và loại trắng mịn, sợi miến ở đây khi nấu lên có vị thơm ngon, giòn và dai, ăn đậm đà rất vừa miệng. Thời điểm cận Tết Nguyên đán, nhu cầu tăng cao, mỗi ngày, Cự Đà có khoảng 15 đến 18 tấn miến thành phẩm. Cứ mỗi dịp này là không kể già, trẻ, gái, trai trong làng lại chung tay làm miến.


Cụ Nguyễn Văn Thanh ở cái tuổi “xưa nay hiếm” tâm sự với chúng tôi: “Trước đây, miến làm thủ công, tráng bằng tay, nồi rộng miệng hay là cái chảo, ngày chỉ được hơn 1 tạ miến. Sau này, các cháu nó mua thêm máy móc thì hầu như các hộ làm miến đều làm máy, kể cả máy tráng và máy cắt miến. Hiện nay, nhà tôi làm từ 1,5 đến 2 tấn/ngày. Không chỉ bán cho các chợ ở Hà Nội mà còn xuất đi các tỉnh trong Nam, ngoài Bắc, miền núi và ra cả nước ngoài. Miến Cự Đà phần lớn làm xong là có các đại lý tới lấy tiêu thụ, ngày nào hết ngày ấy”.


Thật vậy, hàng năm Cự Đà có thể đưa ra thị trường cỡ ngót ngàn tấn miến các loại, tỏa đi khắp các chợ lớn, chợ nhỏ của Hà Nội và nhiều tỉnh, thành trên khắp cả nước, đem lại thu nhập ổn định cho người trong làng. Cũng bởi vậy mà sau một thời gian bỏ bê, nhiều hộ gia đình đã quay lại với nghề truyền thống này. Cứ thế, các thế hệ con cháu lại tiếp nối và phát huy những gì ông cha để lại. Cho tới bây giờ, miến dong Cự Đà đã trở thành thương hiệu nổi tiếng khắp cả nước. Từ món ăn bình dị làng quê tới những bàn tiệc xa hoa, miến dong Cự Đà từ bao giờ đã là món ăn không thể thiếu với mỗi thực khách khi đặt chân đến Việt Nam.


HẢI YẾN

 


Tổng số điểm của bài viết là: 3 trong 3 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội