Lật tẩy chiêu trò “gắp lửa đỏ bỏ tay người” để chống phá Thủ đô
Bài 3: “Chìa khóa” để Thủ đô vươn mình trong kỷ nguyên mới
QPTĐ-Từ việc phủ nhận những chủ trương, chính sách và thành tựu phát triển của Thủ đô; đổ lỗi cho hệ thống chính trị, các thế lực thù địch, phản động còn sử dụng chiêu bài “so sánh” khập khiễng giữa Thủ đô Hà Nội với Thủ đô một số nước. Từ đó quy kết, Thủ đô Hà Nội phát triển tụt hậu là do lãnh đạo Thành phố vướng vào tư duy cũ kỹ chưa chịu đổi mới, chọn sai mô hình phát triển, không đột phá vào khoa học công nghệ, nên dẫn đến “phát triển lạc điệu”, hòng mị dân, kích động dư luận, tạo nên làn sóng chỉ trích đối với lãnh đạo TP. Hà Nội là chưa ngang tầm với yêu cầu, nhiệm vụ, gây bất ổn xã hội.

Cất cánh bằng “đột phá” vào khoa học công nghệ
Vẫn là câu chuyện về sắp xếp, tinh gọn bộ máy, Thủ đô Hà Nội đang triển khai thực hiện quyết liệt, với quyết tâm rất cao sẽ hoàn thành việc sắp xếp hệ thống chính trị trong cuối quý 2/2025, theo tinh thần bộ máy mới phải tốt hơn bộ máy cũ và đi vào hoạt động ngay, không để ngắt quãng công việc, không để khoảng trống về thời gian, không để bỏ trống địa bàn, lĩnh vực, không để ảnh hưởng đến các hoạt động bình thường của xã hội và người dân. Thế nhưng mới đây, trên các trang mạng xã hội xuất hiện luận điệu quy chụp, nói xấu hệ thống chính trị và cho rằng “cơ sở hạ tầng lẫn thượng tầng chưa phát triển đồng bộ”, nhất là phát triển khoa học công nghệ của Thủ đô, nên sẽ bị gián đoạn, không hiệu quả sau khi sát nhập địa giới hành chính.
Để sắp xếp, tinh gọn bộ máy hiệu quả, thời gian qua, bên cạnh việc rà soát kỹ chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan để xác định chồng chéo, kém hiệu quả, làm cơ sở cho việc tái cơ cấu hoặc sáp nhập các lĩnh vực tương đồng, tăng tính liên kết, giảm cấp trung gian và đơn giản hóa quy trình làm việc, đảm bảo bộ máy nhanh, linh hoạt, thành phố Hà Nội đã tập trung triển khai phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Hà Nội đã thể hiện vai trò tiên phong, gương mẫu trong cả nước về triển khai thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Đặc biệt, trong 10 chương trình công tác toàn khóa, Thành ủy Hà Nội khóa XVII có Chương trình số 07-CTr/TU ngày 17/3/2021 về đẩy mạnh phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo trên địa bàn Hà Nội giai đoạn 2021-2025. Ngày 30/12/2022, Thành ủy Hà Nội tiếp tục ban hành Nghị quyết số 18-NQ/TU về “Chuyển đổi số, xây dựng thành phố thông minh đến năm 2023, định hướng đến năm 2030”. Đồng thời, UBND thành phố Hà Nội còn triển khai Chương trình phát triển thị trường khoa học và công nghệ; Chương trình phát triển tài sản trí tuệ trên địa bàn thành phố Hà Nội đến năm 2030 với 3 trụ cột gồm: Chính quyền số, kinh tế số, xã hội số. Coi đó là yếu tố quyết định phát triển Thủ đô trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Cùng với đó, Thành phố đã bố trí 3.901,7 tỷ đồng từ ngân sách nhà nước cho lĩnh vực khoa học cộng nghệ, công nghệ thông tin. Đối với nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, luôn được quan tâm với số kinh phí khoảng 100 tỷ đồng mỗi năm. Tổng dự toán chi đầu tư phát triển bố trí cho lĩnh vực khoa học công nghệ giai đoạn 2021-2025 là 143,1 tỷ đồng, tập trung cho các dự án trọng điểm như: Dự án Sàn Giao dịch công nghệ Hà Nội; Khu công nghệ cao Hòa Lạc... Bên cạnh nguồn ngân sách, Thành phố còn chú trọng huy động các nguồn lực xã hội, khuyến khích doanh nghiệp thành lập quỹ phát triển khoa học và công nghệ, đẩy mạnh hợp tác quốc tế. Trong ứng dụng chuyển đổi số, Thành ủy Hà Nội đã ban hành Quyết định số 8258-QĐ/TU ngày 25/02/2025 về danh mục 8 ứng dụng chuyển đổi số dùng chung 3 cấp trong các cơ quan Đảng, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị-xã hội. Các ứng dụng như thư điện tử công vụ, hệ thống quản lý văn bản và điều hành, phòng họp không giấy, quản lý chương trình công tác, trợ lý ảo hỗ trợ thẩm tra, thẩm định, hỏi đáp văn kiện, và chữ ký số chuyên dùng. Các phong trào như “Cán bộ, đảng viên Thủ đô sáng tạo vì dân” được phát động mạnh mẽ, thúc đẩy hình thành mô hình “Văn phòng số kiểu mẫu” ứng dụng AI, blockchain, thực tế ảo trong quản lý, điều hành. Công tác đào tạo, nâng cao năng lực số cho cán bộ, công chức, viên chức được đẩy mạnh, hướng tới xây dựng đội ngũ “công chức số Thủ đô”.
Hà Nội là địa phương đầu tiên hợp nhất ba Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính, Chuyển đổi số và Đề án 06 theo phương châm “5 rõ, 1 xuyên suốt”. Thành phố còn gương mẫu, đi đầu khi xung phong triển khai nhiều nhiệm vụ mới, khó như triển khai Hồ sơ sức khỏe điện tử, cấp phiếu lý lịch tư pháp qua VNEID, hay “Sổ tay đảng viên điện tử” và đặc biệt ra mắt ứng dụng Công dân Thủ đô số iHanoi với 7 triệu người cài đặt, tạo cầu nối mật thiết giữa cấp ủy, chính quyền với người dân, nâng cao hiệu quả quản lý và phục vụ. Bác Nguyễn Thế Tài, phường Phúc Lợi, quận Long Biên cho biết: “Sau khi được sử dụng ứng dụng iHanoi, tôi thấy rất hay và tiện lợi, các thủ tục hành chính hay các vấn đề như đổ rác bừa bãi, đỗ xe không đúng chỗ trước kia cứ phải chờ họp tổ dân phố sinh hoạt ý kiến mới có thể giải quyết được, nhưng từ ngày có iHanoi, chúng tôi có thể phản ánh trực tiếp với lãnh đạo phường, các ý kiến phản ánh đều được giải quyết triệt để. Quả là rất hiện đại và tiện lợi”.
Những thành tựu và kết quả của Thủ đô như đã nêu ở trên là quá đủ để khẳng định Hà Nội có “phát triển lạc điệu” như một số kẻ cố tình “bôi đen những gam màu phát triển tươi sáng của Thủ đô”?
Những “trái ngọt” không thể phủ nhận
Từ năm 2021 đến nay, Hà Nội đã triển khai gần 300 nhiệm vụ thuộc 9 chương trình khoa học, công nghệ cấp Thành phố và chương trình phát triển tài sản trí tuệ. Kết quả nghiên cứu được ứng dụng, áp dụng 100% vào thực tiễn. Số lượng đơn đăng ký, bằng chứng nhận sở hữu công nghiệp công bố quốc tế trên địa bàn Hà Nội luôn dẫn đầu toàn quốc, là địa phương dẫn đầu cả nước về Chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương (PII), có 168 trên tổng số 800 doanh nghiệp khoa học và công nghệ của cả nước (chiếm 21%). Thành phố có hơn 1.000 doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, chiếm trên 26% cả nước, thu hút hơn 300 dự án đầu tư trong các lĩnh vực công nghệ cao, với tổng vốn đăng ký đầu tư hơn 8 tỷ USD. Hà Nội còn tiên phong trong việc phát triển các khu đô thị thông minh, tích hợp công nghệ AI, big data, và internet vạn vật (IoT) vào quản lý hạ tầng đô thị, giao thông và y tế, góp phần tạo ra những đột phá trong năng lực cạnh tranh của Thành phố. Hiện nay, trên địa bàn Thành phố có gần 300 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, đem lại kết quả tích cực.
Hà Nội cũng là địa phương đầu tiên trong cả nước ban hành Nghị quyết quy định về mức phí, lệ phí bằng “không” khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến, 100% cơ quan, đơn vị của Thành phố được triển khai ký số văn bản trên hệ thống và xử lý công việc hoàn toàn trên môi trường mạng, các nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu của Thành phố (LGSP) đã được triển khai kết nối với 21 hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu của quốc gia và các bộ, ngành. Cùng với đó, Thành phố còn thành lập Trung tâm Phục vụ hành chính công với phương châm hoạt động “hành chính thông minh-tận tâm phục vụ”; hướng tới “3 phi” gồm “phi địa giới hành chính -phi trung gian-phi vật chất”. Trung tâm đã nâng cấp gần 1.200 dịch vụ công trực tuyến và tích hợp trên Cổng dịch vụ công quốc gia, sử dụng ứng dụng Chatbot hỗ trợ, triển khai mô hình Đại lý dịch vụ công trực tuyến thông qua hệ thống các doanh nghiệp bưu chính và sắp xếp lại mạng lưới bộ phận “một cửa”, đẩy mạnh phát triển hạ tầng số, ứng dụng số để phục vụ người dân, doanh nghiệp. Đến nay, Thành phố đã phê duyệt phương án đơn giản hóa 42 thủ tục hành chính (TTHC); bãi bỏ, thay thế 135 TTHC. Tỷ lệ hồ sơ được giải quyết đúng hạn đạt 99,19%. Tiêu biểu trong năm 2024 và quý 1/2025, Thành phố đã tiếp nhận 5.629 phản ánh, kiến nghị (PAKN) của công dân về quy định TTHC, và đã có 5. 629 PAKN được các cơ quan có liên quan trả lời, xử lý theo quy định, đạt tỷ lệ 100%. Thành phố xác định ưu tiên triển khai phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số là nhiệm vụ trọng tâm trong cải cách hành chính và tinh gọn bộ máy; phân cấp phân quyền mạnh mẽ cho địa phương, đẩy mạnh cải cách hành chính, chống lãng phí, chuyển đổi số quốc gia, xã hội hoá các dịch vụ công. Đồng chí Hà Minh Hải, Phó Chủ tịch UBND Thành phố nhấn mạnh: “Với những kết quả đã đạt được trong năm 2024, năm 2025 và thời gian tới, thành phố Hà Nội sẽ tiếp tục thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các chủ trương, chỉ đạo của Đảng, Chính phủ về đột phá phát triển khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia”.
Như vậy, những đòn tấn công vô vọng cùng thủ đoạn “gắp lửa đỏ bỏ tay người” để chống phá Thủ đô, chẳng khác nào trò cười cho thiên hạ và tự chết chìm trong bánh vẽ ảo tưởng do chính các thế lực thù địch bày ra.
Nguyễn Văn Tuân