A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Người phụ nữ đưa cánh bèo “lên ngôi”

 

Không biết tự bao giờ, hình ảnh cánh bèo lênh đênh, nổi trôi giữa 12 bến nước được ví như thân phận của những người phụ nữ Việt Nam bạc phận dưới thời phong kiến, có được mấy ai nhòm ngó, cảm thông… Nhưng hôm nay, về làng chèo Trung Lập (huyện Phú Xuyên), những cánh bèo mỏng manh, tưởng như vô dụng ấy đã được nữ doanh nhân Nguyễn Thị Phả, bằng bàn tay tài hoa và khối óc tinh tế biến chúng thành những sản phẩm thủ công mỹ nghệ đẹp, tinh xảo, chinh phục được thị trường.  Cánh bèo đã thoát kiếp lênh đênh, vượt biên giới Việt Nam thay đổi thân phận mình, cũng thay đổi luôn cả cuộc sống khốn khó của gia đình chị Nguyễn Thị Phả, mang lại nghề và nguồn thu nhập không nhỏ cho nhiều người dân trong xã Tri Trung.

 

Hiện nay, cơ sở sản xuất hàng mây tre đan, bèo cói xuất khẩu Ngọc Phú do chị Phả làm chủ, sản xuất, kinh doanh hiệu quả… Nhìn lại chặng đường gian nan, vất vả đưa cây bèo “lên ngôi”,  chị Phả không quên nhắc đến công lao trợ giúp đắc lực của  chồng  là anh Lê Hữu Tư, người Cựu chiến binh cần cù, sáng tạo, người bạn chung thủy cùng chị hành trang trong suốt cuộc đời và sự nghiệp sản xuất kinh doanh.

 

 

Chị Nguyễn Thị Phả dạy nghề cho bà con nhân dân thôn Trung Lập, xã Tri Trung, huyện Phú Xuyên.

 

Chị Phả sinh năm Bính Ngọ (1966) ở vùng quê hai lúa xã Tri Trung. Như bao phụ nữ nông thôn khác, chị tảo tần một nắng, hai sương trên ruộng đồng… Dù hai vợ chồng chị có vắt kiệt sức cho đất, nhưng vùng trũng ấy, cây lúa không thể mang đến cho chị cùng người dân quê chị cuộc sống no đủ…Vừa làm ruộng, vừa nấu rượu, nuôi lợn, làm bún, buôn bán nhỏ nhưng cuộc sống của gia đình chị vẫn không được cải thiện. Ngẫm câu “Ruộng đầy bề, không bằng nghề trong tay”, hai vợ chồng chị Phả quyết định tìm hướng đi cho mình. Bắt đầu từ việc sang xã bạn nhận hàng guột tế về đan và dạy một số người làm cùng dưới hình thức nhỏ, lẻ từ năm 1992… Sau 8 năm miệt mài với mây tre đan, cơ duyên đã đưa chị đến với cây bèo…

 

Đó là vào năm 2000, chị nhận được một mẫu hàng là chiếc khay đựng hoa quả làm từ cây lục bình từ trong Nam gửi ra… Cây lục bình chính là cây bèo ở khắp các hồ ao, đầm của miền Bắc. Nhìn cây nguyên liệu dễ kiếm ở khắp các vùng quê, lòng chị Phả sáng lên một ý tưởng… Anh Lê Hữu Tư, chồng chị đi lấy 1 xe công nông bèo tây về phơi trước những đôi mắt tò mò của người dân… Hai vợ chồng chị loay hoay tháo hàng mẫu ra nghiên cứu. Với bàn tay khéo léo, chị Phả kiên nhẫn,  mày mò đan lại… Tháo ra, đan vào mãi, rồi chị Phả cũng tìm ra cách đan… Nhưng khay hàng mẫu vẫn là câu hỏi: “Tại sao chị không thể dấu được những mấu nối như khay hàng mẫu?”

 

“Vạn sự khởi đầu nan”, nghề nào cũng có bí quyết riêng. Không nản chí, học đan hết cả xe bèo khô, chị Phả cũng biết cách đan, giấu nút thế nào cho hàng thật mịn, đẹp… Khi mẫu hàng chị đan gửi vào Nam được chấp thuận, chị đã ký được hợp đồng đầu tiên 5.000 khay đựng hoa quả… Thế là cây bèo mọc hoang ở khắp nơi được gia đình chị Phả đưa về, sấy khô làm nguyên liệu… Để tạo được tay nghề giỏi, chị Phả quyết tâm dạy nghề cho cả làng Trung Lập. Ban đầu chị dạy 30-40 nhân công tại nhà, rồi những ai không đến học, chị đến tận nhà dạy cách đan. Hợp đồng đầu tiên là 5.000 khay bằng bèo tây khô của chị Phả thành công rực rỡ-lãi gấp đôi hàng mây tre, cỏ tế. Vì mây tre, cỏ tế là nguồn nguyên liệu phải mua với giá cao hơn rất nhiều so với cây bèo dễ kiếm. Các cụ già trong làng vui mừng ra mặt: “Hóa ra cây bèo trước kia chỉ vứt vào chuồng lợn, nay cũng hóa thành tiền, chị Phả giỏi thật đấy”. Từ đó, cả làng Trung Lập, từ em bé đến cụ già đều có nghề từ tâm huyết của chị Phả. Thu nhập bình quân đầu người từ 1,5 đến 2 triệu đồng/tháng.

 

Ngoài việc dạy nghề, vợ chồng chị Phả đi thu mua nguồn nguyên liệu sẵn có ở tất cả các làng quê vùng Bắc bộ. Cây bèo tây, làng nào trong huyện Phú Xuyên cũng đầy ắp các ao hồ, sông ngòi. Rồi chị sang cả tỉnh Bắc Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Thái Bình… Rồi vào các tỉnh Đồng bằng sông Cửu long ở miền Nam, thu mua bèo khô. Chị Phả nhận nhiều hợp đồng làm hộp, thùng đựng đồ, khay đựng đồ ăn, hoa quả, thảm trải sàn nhà, thảm lau chân….bằng bèo. Hàng thủ công mỹ nghệ từ bèo của chị Phả đã có mặt ở nhiều nước trên thế giới như Nga, Nhật Bản, Mỹ, Thái Lan và bắt đầu bước vào thị trường các quốc gia khó tính như Trung Quốc….

 

Gắn bó với nghề sản xuất, kinh doanh hàng thủ công mỹ nghệ từ bèo cói đến nay là 15 năm, chị Phả đã giúp nhiều gia đình thoát nghèo bền vững. Riêng chị, nhiều năm liên tục được công nhận danh hiệu “Hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp thành phố”. Cả hai vợ chồng chị đều được UBND huyện Phú Xuyên khen thưởng  “Vì có thành tích xuất sắc trong xây dựng và phát triển làng nghề huyện Phú Xuyên giai đoạn 2011-2013”.

 

Phạm Thị Dần


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ