A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

CUỘC THI VIẾT NÉT ĐẸP NGƯỜI CHIẾN SĨ THỦ ĐÔ

Người Hiệu trưởng dám làm và dám nhận nhiệm vụ khó

 

QPTĐ-Tôi biết Đại tá Đỗ Hồng Thái, Hiệu trưởng Trường Quân sự Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội từ rất lâu và từng một lần viết về anh. Một lần nữa hôm nay, trong vai trò tác giả và nhân vật trong tác phẩm của mình, anh vẫn khiến tôi đi hết từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác về kết quả thực hiện nhiệm vụ, về cách nghĩ của một người lính Thủ đô và cách xử trí công việc của người chỉ huy-khi phải xử lý những vấn đề khó, như từ những ngày đầu “giặc” đến nhà, mà nguy hiểm là chúng không hề lộ mặt-Covid-19!

Đại tá Đỗ Hồng Thái (bên phải) trao đổi công việc với đồng chí Chính ủy Trường Quân sự Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội

Tiên phong thực hiện hiệu quả phòng, chống dịch Covid-19

Thuộc LLVT Thủ đô-lực lượng nòng cốt, đi đầu trong phòng, chống dịch Covid-19, Trường Quân sự là đơn vị đầu tiên trên địa bàn Hà Nội thực hiện nhiệm vụ tiếp nhận cách ly số lượng lớn công dân từ các nước có dịch trở về Việt Nam. Nhiệm vụ mới, đối tượng đa dạng (có người cao tuổi, trẻ sơ sinh), tâm lý công dân căng thẳng và bất đồng ngôn ngữ; nguy cơ lây nhiễm luôn rình rập mọi lúc, mọi nơi nên ngay thời điểm đó, Nhà trường-đứng đầu là Hiệu trưởng Đỗ Hồng Thái phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức. Anh trăn trở: Là người lính việc chấp nhận hy sinh, nỗ lực khắc phục khó khăn, gian khổ để hoàn thành tốt nhiệm vụ là điều tiên quyết nhưng cần phải bắt đầu từ đâu và như thế nào đối với “giặc” giấu mặt-đem lại kết quả cao, an toàn tuyệt đối về mọi mặt đó mới là câu trả lời?

Trên cơ sở nghiên cứu kỹ đặc điểm, tình hình dịch bệnh diễn ra ở các nước, khuyến cáo liên tục của Bộ Y tế và các cơ quan chức năng, trực tiếp là Bộ Tư lệnh, anh nhanh chóng chỉ đạo thành lập Ban chỉ đạo (anh là Trưởng ban); Tiểu ban tiếp nhận quản lý; các lực lượng, bộ phận phục vụ; phối hợp đăng cai và tham gia tập huấn nghiệp vụ, luyện tập các phương án để sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ được ngay. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền để mọi cá nhân trong Nhà trường nhận thức đúng tính chất nguy hại, cấp thiết, ý thức trách nhiệm của mình trong thực hiện nhiệm vụ. Ban Chỉ đạo thảo luận đưa ra quyết sách rõ ràng, bám sát vào phương châm 4 tại chỗ, với tinh thần “thận trọng, chặt chẽ, trọng thị, ân cần, không hoang mang, an toàn là hàng đầu”, từ đó huy động tinh thần dám nghĩ, dám làm, làm phải hiệu quả của mọi cá nhân trong Nhà trường. Nhiều đêm dài Đại tá Đỗ Hồng Thái không ngủ, không chỉ tranh thủ bàn bạc, thống nhất trong Ban Giám hiệu để có những quyết sách kịp thời, phù hợp với thực tiễn khi có tình huống, anh thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, động viên cấp dưới phát huy tinh thần chủ động, hoàn thành nhiệm vụ, bảo đảm tuyệt đối an toàn cho bản thân và người xung quanh.

Trước tinh thần tận tuỵ, sát sao của Hiệu trưởng, 100% cán bộ, nhân viên, giáo viên, học viên đoàn kết hỗ trợ nhau, không quản ngại khó khăn vất vả, làm tốt công tác bảo đảm, phục vụ công dân cách ly; phối hợp chặt chẽ với đội ngũ y, bác sĩ, nhân viên y tế hàng ngày thực hiện phun khử khuẩn, đo thân nhiệt đúng quy trình, quy định, kịp thời phát hiện chuyển trường hợp có biểu hiện sốt, ho…tới bệnh viện điều trị.

Kiểm tra công tác đảm bảo an toàn thực phẩm và đầy đủ chất dinh dưỡng trong mỗi suất ăn cho công dân cách ly.

Với những hoạch định tỉ mỉ nhưng thận trọng của người đứng đầu Đỗ Hồng Thái, sau 5 đợt tiếp nhận hơn 3 nghìn công dân (tính tới thời điểm hiện tại), Nhà trường đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, không để xảy ra tình trạng lây chéo trong đơn vị. Điều đáng nói, quá trình cách ly, nhiều công dân đã cảm động với tình cảm nồng ấm của cán bộ, QNCN, nhân viên, chiến sĩ tại đây; viết những dòng lưu bút thực sự xúc động về phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, Nét đẹp Người chiến sĩ Thủ đô. Kết quả ấy góp phần không nhỏ cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân giành thắng lợi trong phòng, chống dịch Covid-19; 2 tập thể và 11 cá nhân của Nhà trường được Bộ Quốc phòng và UBND thành phố Hà Nội tặng Bằng khen. Cá nhân anh được Bộ trưởng Bộ Quốc phòng tặng Bằng khen.

Linh hoạt ở mọi cương vị

Hơn 30 năm gắn bó với quân ngũ, có biết bao nhiêu câu chuyện buồn vui nhưng cho tới thời điểm này, Đại tá Đỗ Hồng Thái vẫn nhớ như in kỷ niệm ngày đầu nhận nhiệm vụ, anh kể: “Rời Trường Sỹ quan Pháo phòng không, cuối năm 1989, tôi được điều về Tiểu đoàn Phòng không, Sư đoàn Bộ binh 395, Quân khu 3, tại Tiên Yên, Quảng Ninh. Buổi đầu tiên về nhận nhiệm vụ, đón tôi là những chiến sỹ thuộc Trung đội Chỉ huy của đơn vị. Là chiến sỹ nhưng đa phần các đồng chí đều hơn tuổi tôi, từng là công nhân ở các nhà máy, xí nghiệp tại Quảng Ninh thực hiện NVQS. Bữa cơm hôm đó tuy đạm bạc nhưng tôi thấy rất ngon, bởi ở đó có sự nồng hậu, chân thành của đồng chí, đồng đội”.

Câu chuyện đó cộng với việc từng trải qua nhiều cương vị khác nhau từ cấp Trung đội, Đại đội, Tiểu đoàn, Chỉ huy phòng (thuộc Bộ Tư lệnh), Chỉ huy trưởng Ban CHQS Ba Đình và giờ là Hiệu trưởng Trường Quân sự đã giúp anh rút ra ý nghĩa sâu sắc: Là người chỉ huy, muốn hoàn thành tốt nhiệm vụ phải coi anh em, đồng chí như người thân của mình, thường xuyên chia sẻ, động viên, quan tâm trong mọi trường hợp; nêu cao tinh thần trách nhiệm, tận tâm, tận lực trong công việc. Khi có được điều đó, bản thân sẽ tự biết cách suy nghĩ, tìm ra phương pháp hợp lý, chỉ huy đơn vị hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Anh tâm sự, người nào và công việc gì cũng vậy, không bao giờ có sự tròn trịa. Khi cấp dưới còn hạn chế, là người chỉ huy, mình phải đánh giá khách quan, trên tinh thần chân tình, cởi mở, thẳng thắn, trách nhiệm (tất nhiên tuỳ trường hợp cụ thể có thể cần phát huy của hệ thống, các tổ chức), đó là yếu tố rất quan trọng giúp anh em tự nhận ra khiếm khuyết và khắc phục một cách triệt để.

Sinh ra trong một gia đình tại miền quê Cao Thành, Ứng Hoà giàu truyền thống cách mạng. Từ nhỏ vốn quen với tác phong của người lính-là bố, cộng với hình ảnh thân thuộc của các chú bộ đội về đóng quân trong Chiến tranh phá hoại của Đế quốc Mỹ nên anh đã quyết định thi vào quân đội. 

Kinh qua các cương vị và đơn vị khác nhau, đây là thuận lợi giúp anh có sự linh hoạt trong lãnh đạo, chỉ đạo song mỗi lĩnh vực đòi hỏi cách làm riêng. Là Hiệu trưởng Nhà trường có số lượng học viên đông (khoảng 11.000 người) thuộc các đối tượng, trong khi trình độ của cán bộ, giáo viên, thao trường bãi tập còn hạn chế. Để điều hành một cách hiệu quả, với phương châm “chất lượng giáo dục-đào tạo của Nhà trường là khả năng SSCĐ của đơn vị”, cùng với tự trang bị kiến thức qua tài liệu, các văn bản mới, anh thường xuyên trao đổi kinh nghiệm, cách làm hay với các đơn vị bạn; dân chủ, thống nhất trong Ban Giám hiệu, từ đó vận dụng, triển khai sát thực tiễn. Trong công việc, anh phân công rõ người, rõ việc, phát huy tối đa vai trò, tinh thần chủ động, sáng tạo của từng cá nhân. Bởi theo anh: “Là chỉ huy mình không thể “kham” tất cả mọi việc, vấn đề cơ bản là biết phát huy trí tuệ của cả tập thể. Mỗi đồng chí trong Ban Giám hiệu ở lĩnh vực đảm nhiệm phải gương mẫu, trách nhiệm; quyết liệt, đồng bộ, chặt chẽ trong chỉ đạo, điều hành; lấy xây dựng chính quy, thực hiện “kỷ luật, kỷ cương” làm nền tảng; thi đua là động lực. Cùng với đó, quan tâm chu đáo đời sống vật chất, tinh thần đối với cấp dưới, để mỗi người thêm gắn bó với ngôi nhà thứ 2 của mình, nỗ lực phấn đấu, nâng cao tư duy, trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ”.

Nhận xét về Hiệu trưởng Đỗ Hồng Thái, Đại tá Đoàn Chí Thắng, Chính ủy Nhà trường khẳng định: Anh Thái là người quyết đoán, có tư duy sáng tạo, khoa học, giữ vững nguyên tắc trong lãnh đạo, chỉ huy, gắn kết toàn bộ máy trong tổ chức, thực hiện nhiệm vụ nên mặc dù công việc nhiều, có lúc khó nhưng Nhà trường luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được Thủ trưởng Bộ Tư lệnh và Bộ Quốc phòng ghi nhận, đề nghị Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen; cá nhân anh 3 năm 2017, 2018, 2020 được Bộ Tư lệnh tặng Danh hiệu Chiến sĩ Thi đua.

Hiền Mĩ
 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ