Cựu chiến binh 13 năm đi tìm đồng đội
QPTĐ-May mắn còn trở về sau chiến tranh, cựu chiến binh Hồ Đại Đồng luôn đau đáu nỗi niềm với những người đã ngã xuống vì độc lập, tự do dân tộc. Gần 13 năm nay, ông cùng các đồng đội của mình vẫn miệt mài tìm kiếm thông tin hài cốt liệt sỹ.
Cựu chiến binh Hồ Đại Đồng giao lưu với thế hệ trẻ trong buổi gặp mặt-tri ân “Còn mãi những ân tình”.
Ký ức không thể nào quên
Gần nửa thế kỷ đã trôi qua nhưng với cựu chiến binh Hồ Đại Đồng, Phó Ban liên lạc Trung đoàn 209, Sư đoàn 312 thì ký ức về những ngày “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” vẫn còn nguyên vẹn. Lúc bấy giờ, hơn 1.000 thanh niên Hà Nội xung phong ra trận. Ngày 27-3-1967, 500 thanh niên Hà Nội nhập ngũ vào Tiểu đoàn 7, Trung đoàn 209, Sư đoàn 312. Gần một năm, những người lính Trung đoàn Bộ binh 209 được huấn luyện để đánh công kiên, đánh tập kích và chống địch đổ bộ đường không. Vào chiến trường, ông cùng đồng đội của mình đã trải qua những trận chiến đấu vô cùng ác liệt và giành chiến thắng lừng lẫy. Đặc biệt, trận đánh trên đỉnh Chư Tan Kra tháng 3 năm 1968 là trận đánh đầu đời và để lại ký ức sâu đậm trong cuộc đời ông.
Trong trận đánh đó, các chiến sĩ của Trung đoàn đã đánh tập kích, tiêu diệt gần hết một đại đội bộ binh, một đại đội pháo binh và một tiểu đoàn bộ binh của địch. Sau trận đánh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã gửi điện thư khen ngợi. Nhưng cũng trận đánh đó, rất nhiều người lính đã mãi nằm lại nơi chiến trường. Từ sau ngày đất nước giải phóng, trở về quê hương, ông luôn có một niềm mong mỏi, trăn trở, đó là tìm được đồng đội của mình để về quy tụ nơi quê nhà.
Lặng thầm đi tìm đồng đội
Năm 2008, ông cùng những người lính Trung đoàn 209 năm xưa có dịp gặp lại. Tại đây, họ biết được đồng đội của họ đã hy sinh ở Tây Nguyên và vùng Đông Nam bộ chưa được quy tập và không ai biết vị trí cụ thể ở đâu. Ban đầu, các ông tổ chức thành một nhóm gồm 5 người sau đó lên 10 người lên kế hoạch tìm kiếm. Với niềm đau đáu về những đồng đội đã hy sinh trên chiến trường, ông Đồng quyết tâm cùng đồng đội lên đường đi tìm hài cốt liệt sỹ chưa được quy tập và tìm kiếm thân nhân cho những liệt sĩ đã được chôn cất tại nghĩa trang. “Ai cũng có mong ước của riêng mình. Đối với bản thân tôi, được tìm kiếm hài cốt đồng đội là niềm mong mỏi lớn nhất. Khi nghe tin và chứng kiến cảnh nhiều gia đình liệt sỹ bị một số đối tượng lừa đảo, mang hài cốt từ những nơi khác về khiến bản thân chúng tôi cảm thấy rất đau sót. Từ đó, chúng tôi càng quyết tâm trở lại chiến trường xưa để tìm, đưa đồng đội trở về”-Cựu chiến binh Hồ Đại Đồng tâm sự.
Với tâm nguyện đó, năm 2009, ông cùng các đồng đội bắt đầu tham gia việc trợ giúp thân nhân liệt sỹ. Dù rất nóng lòng nhưng các ông không vội vàng mà liên hệ nhiều đơn vị để tìm kiếm thông tin. Các ông kết nối với cựu chiến binh cùng chiến đấu, vào các nghĩa trang địa phương, đi đến những vùng hy sinh ác liệt, ghi chép và lưu vào máy tính các trường hợp bộ đội hy sinh và chôn cất chưa được biết. Ngoài ra, các ông cũng nhờ các bạn trẻ am hiểu ngoại ngữ, tìm thông tin từ những người lính bên kia chiến tuyến để hỗ trợ mình.
“Tháng 3-2009, cựu binh người nước ngoài Steve Edmunds đã gửi cho tôi hình ảnh, sơ đồ, vị trí ba hố chôn tập thể các chiến sĩ trên đỉnh Chư Tan Kra. Sau khi tiến hành đối chiếu thông tin từ Cục Chính sách, Tổng cục Chính trị, chúng tôi đã vào Sa Thầy tìm kiếm các ngôi mộ. Và sau gần hai tháng tìm kiếm, 14 liệt sĩ đã được tìm thấy. Kết quả đó, giúp chúng tôi có thêm động lực tiếp tục công việc”- ông Đồng xúc động kể lại.
Bằng kinh nghiệm cũng như phương pháp tìm liệt sỹ mới từ việc kết hợp nguồn tin từ trích lục liệt sỹ của Cục Chính sách và báo cáo chiến trường của quân đội Mỹ, đồng thời sử dụng phương pháp chọn vật chuẩn theo thời gian, không gian đã giúp các ông thu được nhiều kết quả. Đến nay, các ông cùng đồng đội đã tìm được hai hầm mộ có số lượng hài cốt lớn và nhiều di vật liệt sỹ để lại. Cựu chiến binh Hồ Đại Đồng luôn tâm niệm, khi mình còn sức khỏe thì ông và các đồng đội sẽ tiếp tục tìm kiếm để đưa các anh trở về với đất mẹ.
Đức Anh