A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tự hào và phát huy di sản văn hóa xứ Đoài

 

QPTĐ-Xứ Đoài là một không gian văn hóa có vị trí đặc biệt trong toàn bộ tiến trình văn hóa Việt Nam. Nói đến xứ Đoài có thể hình dung về đặc trưng của văn hóa Việt Nam, đồng thời vẫn chứa đựng nhiều nét đặc sắc riêng biệt. Xứ Đoài là kho báu vô giá trong tổng thể di sản văn hóa Việt Nam. Văn hóa xứ Đoài vốn là niềm tự hào của người dân phía Tây Hà Nội.

Xứ Đoài được biết đến là một không gian tương đối rộng lớn ở phía Tây kinh thành Thăng Long, cái nôi của nền văn minh Việt cổ. Đây cũng là nơi các vua Hùng lập quốc và xây dựng kinh đô Phong Châu. Xứ Đoài còn là vùng đất văn vật với nhiều hiền tài có những đóng góp to lớn cho đất nước trong suốt chiều dài lịch sử, quê hương của những danh nhân và nhân vật lịch sử nổi tiếng như Phùng Khắc Khoan, Khuất Duy Tiến. Trong lịch sử khoa cử Việt Nam, xứ Đoài đã đóng góp hàng trăm nhà khoa bảng nổi danh, được khắc tên trên bia đá Văn Miếu-Quốc Tử Giám.

Xứ Đoài rộng lớn với hệ thống di tích, di sản dày đặc và nhiều làng nghề là tiềm năng to lớn cần được khai thác để phát triển du lịch văn hóa nói riêng, công nghiệp văn hóa nói chung. Tư liệu lịch sử và khảo cổ chứng minh rằng, xứ Đoài là một trong những nơi phát tích sớm nhất của Phật giáo Việt Nam. Nét đặc sắc của văn hóa xứ Đoài còn thể hiện ở hàng loạt các di sản văn hóa phi vật thể. Trong đó, Lễ hội đền Và là một lễ hội linh thiêng tôn thờ Tản Viên Sơn Thánh, vị thần đứng đầu trong “Tứ bất tử” của tín ngưỡng dân gian Việt Nam.

Xứ Đoài là một trong tứ trấn bên cạnh Kinh đô-Thủ đô của nước Việt từ xưa đến nay, vì vậy đây là nơi tiếp xúc, trao đổi văn hóa với Thăng Long-Hà Nội, tiếp nhận những yếu tố mới, nét đẹp văn hóa từ Kinh đô Thăng Long-Hà Nội để làm phong phú hơn bản sắc của riêng mình. Thị xã Sơn Tây chính là nơi hội tụ và lan tỏa các giá trị của di sản văn hóa xứ Đoài. Trong đó, ba di sản được quan tâm nhằm bảo tồn và phát huy văn hóa xứ Đoài gồm Tòa Thành cổ Sơn Tây, làng cổ Đường Lâm và lễ hội đền Và.

Thành cổ Sơn Tây trong lịch sử văn hóa xứ Đoài

Trong lịch sử vùng văn hóa xứ Đoài, Thành cổ Sơn Tây có vị trí, vai trò rất quan trọng. Thành Sơn Tây là một tòa thành tương đối hoàn chỉnh và còn lại đầy đủ diện mạo nhất đối với hệ thống thành Việt Nam. Đây là tòa thành thời Nguyễn còn tương đối nguyên vẹn về hình dáng, quy mô và có khả năng phục hồi tốt nhất ở nước ta. Trong nhiều năm qua, công tác nghiên cứu, bảo tồn Thành cổ Sơn Tây dù đạt được kết quả tốt song cần tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa để Thành cổ Sơn Tây đủ điều kiện trở thành Di tích cấp quốc gia đặc biệt, đại diện tiêu biểu cho loại hình thành lũy thời Nguyễn thế kỷ XIX.

Lễ hội-Nét văn hóa của người Việt.
                                                                                                                                                    Ảnh Internet

Các nhà khoa học, nhà nghiên cứu trong lĩnh vực bảo tồn-bảo tàng, nhà quản lý trong lĩnh vực di sản văn hóa, đại diện chính quyền, ban, ngành, địa phương đã đề xuất nhiều giải pháp để bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa Thành cổ Sơn Tây. Theo đó, đề xuất việc phục dựng các hạng mục còn lại của Thành cổ như nó vốn có (các dinh thự, võ miếu, trại lính, kho vũ khí…), để Thành cổ Sơn Tây trở thành mô hình của trấn, thành thời nhà Nguyễn, làm cơ sở cho các địa phương khác phục dựng thành cổ khi có điều kiện.

Ngoài Kinh thành Huế, Thành cổ Sơn Tây là một tòa thành tương đối hoàn chỉnh và còn lại đầy đủ diện mạo nhất đối với hệ thống thành Việt Nam. Thành cổ Sơn Tây có vị thế đặc biệt nằm trong khu vực trung tâm mà xung quanh có mật độ di tích lịch sử văn hóa đậm đặc nhất như Khu di tích Làng cổ ở Đường Lâm, đền Và, đền Phùng Hưng, lăng Ngô Quyền, đình Tây Đằng, chùa Mía..., là điều kiện thuận lợi cho quy hoạch phát triển du lịch, tạo ra điểm hội tụ nổi bật nhất của văn hóa xứ Đoài.

Lễ hội đền Và - Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia

Đền Và hay còn gọi là Đông Cung, được Nhà nước xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia năm 1964. Đền Và tọa lạc tại thôn Vân Gia, phường Trung Hưng, thị xã Sơn Tây, là một trong tứ cung của xứ Đoài thờ Tản Viên Sơn Thánh - vị thần đứng đầu trong Tứ bất tử của tín ngưỡng dân gian. Đền Và bao quanh là 85 cây lim cổ cùng bốn cây cổ thụ khác được công nhận là cây di sản.

Lễ hội đền Và được tổ chức không chỉ tưởng nhớ đến những công ơn của Đức Thánh Tản đối với dân, với nước, mà còn thể hiện ước nguyện của người dân về sự yên bình, ấm no hạnh phúc, đồng thời kết nối nhân dân đôi bờ Tả - Hữu sông Hồng thành một khối. Với những giá trị văn hóa, lịch sử quý giá, năm 2016, Lễ hội đền Và được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia.

Xuân Quý Mão 2023 là năm chính hội Đền Và. Tâm điểm của lễ hội là lễ rước long ngai bài vị Tam vị Đức Thánh Tản từ thị xã Sơn Tây qua sông Hồng sang đền Ngự Dội, nằm trên địa phận thôn Duy Bình để tế lễ, rồi quay trở lại đền Và. Cũng trong dịp mừng Xuân, nhằm tưởng nhớ tri ân công đức vị anh hùng dân tộc Phùng Hưng - Bố Cái Đại Vương, thị xã Sơn Tây còn tổ chức Kỷ niệm 1225 năm ngày giỗ Phùng Hưng vào ngày 29/01/2023 với nhiều hoạt động văn hóa mang đậm bản sắc dân tộc.

Phùng Hưng quê ở ấp cổ Đường Lâm, có sức khỏe phi thường, vật ngã trâu, tay không đánh chết hổ nên được nhân dân và các tù trưởng láng giềng khâm phục; quan quân đô hộ nhà Đường phải kính nể. Năm Đinh Mùi 767 nhà Đường suy yếu, bọn quan lại đô hộ nước ta khét tiếng gian tham, bắt dân nộp sưu cao thuế nặng, giết hại người lành nên nhân dân ta vô cùng căm giận. Trước tình hình đó, Phùng Hưng tập hợp lực lượng, luyện tập binh sĩ, tích trữ lương thực. Đến năm Tân Mùi 791, ông đem quân vây đánh thành Tống Bình (Hà Nội ngày nay). Giành thắng lợi, ông chấn chỉnh việc nước, xây dựng nền độc lập. Sau khi Phùng Hưng mất, nhân dân suy tôn ông là Bố Cái Đại Vương.

Tổ chức Lễ hội đền Và và Lễ giỗ Phùng Hưng - Bố Cái Đại Vương nhằm bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử văn hóa, quảng bá với du khách về tiềm năng du lịch của thị xã Sơn Tây nói riêng và xứ Đoài nói chung. Đồng thời, thông qua những sự kiện trên còn giúp nâng cao năng lực quản lý, tạo điều kiện cho nhân dân trong vùng và du khách tham gia các hoạt động thiết thực hướng về cội nguồn, tri ân công đức tổ tiên, chung sức tôn tạo, tu bổ các di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn, xứng với tầm vóc của di tích Quốc gia, là vùng đất “địa linh, nhân kiệt”.

Song Hà


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ