A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Dòng sông quê tôi

 

QPTĐ-Đã có nhiều bài hát về dòng sông, cũng có nhiều bài viết về những con sông, nhưng tôi vẫn muốn viết về dòng sông quê nhà vì ít ra thì đây là dòng sông đẹp nhất trong ký ức tuổi thơ của tôi.

Dòng sông tuổi thơ. (Ảnh minh họa: Phú Đức)

Quê tôi là tỉnh thuần nông, thuộc đồng bằng Bắc bộ. Chính vì là tỉnh thuần nông nên hệ thống sông đào, kênh, mương ở đây rất nhiều. Dòng sông uốn quanh làng tôi là một dòng sông đào. Tên của dòng sông do người dân ở đây đặt cho gắn liền với cây cầu nối liền hai thôn Vị Thủy và Xuân Phố-sông Cầu Sắt. Ông bà tôi kể lại, ngày xưa, cây cầu được làm bằng sắt, ngay dưới chân cầu là đồn Pháp do tên quan  Hai khét tiếng chỉ huy. Dân làng tôi nhiều người tham gia du kích, không những thế có gia đình còn nuôi giấu bộ đội chủ lực về nằm vùng để vẽ bản đồ, lên kế hoạch đánh đồn Cầu Sắt. Do đánh hơi thấy phong trào cách mạng ở đây phát triển mạnh, giặc ra sức càn quét. Có đêm, đứng trên đê nhìn xuống, chúng đốt lúa ngoài đồng và những lũy tre quanh làng cháy rừng rực cả một vùng. Sau hòa bình lập lại, cây cầu được làm bằng bê tông và bây giờ còn có cả điện cao áp chiếu sáng.

Tôi sinh ra, quê tôi không còn giặc nhưng vẫn phải chứng kiến chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ ra miền Bắc. Lúc còn bé, có hôm trời oi bức, tôi được mẹ đưa lên đê hóng mát, nghe tiếng động cơ, nhìn lên bầu trời thấy chớp nhấp nháy của máy bay là mọi người vội vàng chạy về nhà, tắt đèn dầu, có người cẩn thận còn chui cả vào hầm chữ A trú ẩn. Ngày ấy chưa có điện nên tối đến đứng trên đê, tôi thấy người lớn hay chỉ tay về phía bên kia sông và nói: Chỗ có quầng sáng là “Tỉnh” (tức là thủ phủ của tỉnh), mặc dù nơi đó cách quê tôi đến 30 cây số có lẻ. Ngày đất nước toàn thắng năm 1975, nghe người ta kháo nhau là đứng trên đê sông cũng có thể nhìn thấy pháo hoa ở Hà Nội. Chẳng thế mà ngay từ chập tối, lũ trẻ con chúng tôi và có cả không ít người lớn nô nức kéo nhau lên đê. Chờ mãi chẳng thấy gì mà chỉ nghe một số người tinh tai nói rằng  hình như trên “Tỉnh” đang đốt pháo nổ. Thực ra lúc đó có trèo lên ngọn cây dừa ven sông cũng làm sao mà trông thấy pháo Hoa ở Hà Nội cách đó hơn cả trăm cây số. Mặc dù vậy, không khí ngày đất nước toàn thắng ở quê tôi lúc đó mãi mãi là kỷ niệm không thể quên.

Học từ lớp vỡ lòng cho đến hết cấp 3, ngày nào chúng tôi chả đi trên con đê sông. Con đê và dòng sông đã gắn biết bao kỷ niệm với cuộc đời tôi. Có chiều đi học về, tôi và thằng Tõn gần nhà đứng trên đê mải xem con “Trâu sắt” cày ruộng mãi tới xẩm tối mới về, bị mẹ mắng cho một trận và nhận đủ vài “con lươn”. Có lần, cả bọn rủ nhau xuống bờ sông tuốt đòng đòng lúa bị đuổi rơi cả cặp sách xuống nước. Quê tôi, cánh đồng thẳng cánh cò bay nhưng nhiều người vẫn tận dụng be bờ dưới mép sông để cấy lúa. Thật ra chẳng đáng bao nhiêu nhưng có lẽ mỗi lần ra sông gánh nước về làm nước ăn, người ta lại ngắm “thửa ruộng” cho vui và chí ít cuối vụ cũng được vài bơ thóc không được mẩy lắm để nuôi gà. Thú thật, cho đến tận bây giờ, cái vị ngòn ngọt, cảm giác tram tráp của đòng lúa tôi vẫn còn thấy mê. Chắc có người mách tội nên một lần mẹ tôi bảo: Con không được tuốt đòng lúa, một đòng lúa sẽ được một bông lúa và chỉ vài bông lúa là được một bát cơm.

Bây giờ, mẹ tôi đã là người thiên cổ nhưng nhiều khi bưng bát cơm nghĩ đến câu nói của mẹ, tôi lại thấy cay cay nơi sống mũi. Không hiểu từ bao giờ, do tự nhiên hay con người tạo nên mà ngay chỗ làng tôi đi ra có một bãi tắm rất thoải. Mùa hè, chiều nào lũ trẻ con chúng tôi cũng ra đây tắm. Được tắm sông thật thoải mái, tha hồ vẫy vùng và cái cảm giác bị những con cá mương rỉa vào chân, vào bụng thì khó mà tả nổi. Vào bộ đội, trong thời gian huấn luyện tân binh, tôi là người bơi giỏi nhất đơn vị. Tôi thầm cảm ơn dòng sông quê.

Là sông đào nhưng dòng sông quê tôi cũng đủ rộng để thuyền bè đi lại. Mỗi khi về thăm quê, chiều đến, tôi vẫn lên đê ngắm nhìn thuyền bè. Bây giờ, thuyền chạy bằng động cơ kể ra nghe cũng vui tai, đúng là công nghiệp hóa; không như ngày xưa, thuyền dùng sào đẩy. Những đêm thanh vắng, ở trong làng còn nghe rõ tiếng chèo khua nước, tiếng gõ vào mạn thuyền của mấy bác thuyền chài, tiếng kẽo kẹt của chiếc vó bè.

Sáng tinh mơ đã nghe trên đê tiếng các bà đi chợ sớm. Những hôm chợ phiên, người ta đi chợ còn sớm hơn. Khi mặt trời lên chưa khỏi ngọn tre, mẹ tôi đã đi chợ về. Tôi thường lên tận chân đê để đón mẹ. Quà chợ của mẹ là chiếc bánh đa, ít phổng gạo trộn đường vàng hay đĩa bánh đúc. Tất cả những thứ đó, bây giờ thỉnh thoảng tôi vẫn mua về ăn và ký ức tuổi thơ lại như ùa về. Dòng sông quê tôi càng đẹp và trở nên gắn bó với đời sống người dân ở đây còn bởi chỗ, ngay sát triền đê phía đầu làng có một ngôi chùa cổ. Gọi là cổ vì ngôi chùa đã có từ khi những người như mẹ tôi còn chưa sinh ra. Tôi thấy, tượng ở chùa không to lớn như tượng một số chùa ở nơi khác nhưng nhìn thì sắc nét và có “hồn” lắm. Chùa làng tôi không có sư mà có ông, bà cụ cùng dân làng dựng chùa và là người ngày ngày đèn nhang thờ Phật. Người ta gọi hai cụ là “Cụ Chùa”. Lúc còn bé, nhiều lần tôi được mẹ cho theo ra chùa. Người ta bảo, xôi, chuối được thắp hương ở chùa bao giờ cũng có mùi vị thơm ngon hơn mới mua ở chợ về. Tôi ngẫm thấy quả đúng như vậy, nhưng có lẽ là thơm ở mùi hương mà các cụ làm từ rễ cây hương bài. Nhớ một lần, tôi nghe thấy “Cụ Chùa” nói với mọi người: Lễ Phật không cần phải mâm cao cỗ đầy, không phải kêu cầu nhiều, chỉ cần thành tâm là Phật chứng hết. Cho đến tận bây giờ, mỗi khi về quê, vào vãn cảnh chùa hay trước ban thờ Tổ tiên ở nhà, tôi đều thắp một nén hương và trang nghiêm tỏ lòng thành kính. Bây giờ, chùa quê tôi đã đón được nhà sư về trụ trì; từ ngày có Thầy, ngôi chùa từng bước được xây dựng khang trang, bề thế, cảnh quan thiền tịnh, trang nghiêm. Ngày ngày, Thầy cùng phật tử tụng kinh niệm Phật, nghe ấm áp lòng người. Tôi vui lắm, vì quê tôi ngày càng trù phú.

Thời gian qua đi, bạn bè học cùng phổ thông với tôi nay đều đã có gia đình riêng, mỗi người một nghề nghiệp nhưng thỉnh thoảng chúng tôi vẫn hẹn nhau về quê họp lớp. Hồi đầu năm, tôi cùng mấy đứa hiện đang công tác ở Hà Nội về quê. Đứng trên đê nhìn xuống dòng sông, chúng nó bảo: Sông quê mình hình như cũng bé hơn ngày xưa. Tôi nghĩ, mọi vật dưới con mắt người lớn thường không như cái nhìn của trẻ con, chứ thực ra thì dòng sông quê tôi bao nhiêu năm rồi vẫn thế. Tôi cúi nhặt một mảnh sành thia lia xuống mặt nước. Những vòng tròn trên mặt nước lần lượt xuất hiện rồi lại lần lượt loang to giao thoa quyện vào nhau như ngày nào lũ trẻ con chúng tôi vẫn chơi thia lia. Mảnh sành thia lia đến giữa sông thì dừng lại. Tôi nói với đám bạn: Sông quê mình ngày xưa còn nhỏ hơn bây giờ; ngày xưa tớ thia lia đến gần bờ bên kia còn bây giờ chỉ thia lia được đến giữa sông. Cả bọn chúng tôi cùng cười. Năm nào cũng vậy, ít nhất phải đôi ba lần, tôi lại về đắm mình vào dòng sông quê hương.

NGỌC ANH


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ