Con đường mang tên vị anh hùng tiêu biểu của dân tộc
QPTĐ-Nhắc tới Quốc công tiết chế Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn (nhân dân gọi tắt là Trần Hưng Đạo)-ông được coi là 1 trong 14 vị anh hùng tiêu biểu của dân tộc Việt Nam-người có công lao to lớn trong ba lần chỉ huy quân đội Đại Việt đánh tan các cuộc xâm lược của Nguyên-Mông thế kỷ XIII. Hiện tên của ông được đặt cho rất nhiều con đường trên địa bàn Hà Nội. Tại quận Hà Đông, đây là con đường thuộc trung tâm quận và đã có từ rất lâu đời.
Một góc đường Trần Hưng Đạo.
Đường Trần Hưng Đạo-huyết mạch của quận Hà Đông
Đường Trần Hưng Đạo, thuộc phường Nguyễn Trãi, quận Hà Đông, bắt đầu từ đường Nguyễn Trãi chạy qua đường Bà Triệu, đi qua bên phải chợ Hà Đông, tới đường Lê Lợi. Đường dài khoảng 230m và rộng 7 m. Đường cách Quốc lộ 6 khoảng 300m, tiếp giáp các tuyến phố trọng điểm: Bà Triệu, Tô Hiệu, Lê Lợi, Lê Hồng Phong, Hoàng Văn Thụ.
Do là tuyến đường trung tâm của quận, lại cạnh chợ lớn Hà Đông, cùng với đó, dọc phố có nhiều cửa hàng thời trang, hàng hoa, các mặt hàng phục vụ đời sống nên hoạt động kinh doanh ở đây luôn diễn ra tấp nập.
Trần Hưng Đạo-1 trong 14 vị anh hùng tiêu biểu của dân tộc
Theo các tài liệu, Quốc công Tiết chế Trần Hưng Đạo sinh năm 1228, tên thật là Trần Quốc Tuấn, thuộc dòng dõi tôn thất quý tộc nhà Trần; con trai An Sinh Vương Trần Liễu, gọi vua Trần Thái Tông bằng chú ruột và Công chúa Thụy Bà (chị ruột của vua Trần Thái Tông) là mẹ nuôi. Quê ông là làng Tức Mặc, huyện Mỹ Lộc, tỉnh Hà Nam Ninh (nay thuộc tỉnh Nam Định). Từ nhỏ, Trần Quốc Tuấn nổi tiếng là người có dung mạo khôi ngô, thông minh xuất chúng, thông kim bác cổ, văn võ song toàn, hội tụ đầy đủ Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín. Qua 4 đời vua Trần, ông đều được trọng dụng, để tiếng thơm lưu truyền, hậu thế tôn vinh, thờ phụng. Trần Hưng Đạo là hình tượng sáng ngời của lòng yêu nước, tinh thần quật khởi đấu tranh giải phóng dân tộc.
Dưới sự lãnh đạo tài tình của Trần Hưng Đạo, đội quân nhà Trần đã vượt qua nhiều khó khăn và thử thách “lấy ít địch nhiều, lấy yếu thắng mạnh”, ba lần đánh thắng quân Nguyên-Mông xâm lược hùng mạnh vào các năm 1258, 1285, 1288.
Tài giỏi về nghệ thuật quân sự gắn liền với trận thủy chiến lớn nhất trong lịch sử-trận Bạch Đằng Giang, Quốc công tiết chế Trần Quốc Tuấn còn là nhà chiến lược quân sự-chính trị xuất sắc, nắm “thiên thời” cho việc dụng binh, hiểu “địa lợi” cho lập thế trận, giữ “nhân hòa” thu phục ba quân, đoàn kết anh em, hiếu tình thân tộc. Luận công ba lần đánh đuổi giặc nước, triều Trần phong tước Hưng Đạo đại vương cho Quốc công tiết chế.
Tên tuổi ông gắn liền với những chiến công hiển hách ở Đông Bộ Đầu, Hàm Tử, Tây Kết, Chương Dương, Vạn Kiếp, Bạch Đằng Giang…; niềm tự hào của dân tộc Việt Nam trong lịch sử dựng nước và giữ nước. Chiến thắng của Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn và quân đội nhà Trần đã góp phần chấm hết thời kỳ đỉnh cao của quân Nguyên-Mông trong lịch sử, đưa tên tuổi Trần Hưng Đạo lên hàng “thiên tài quân sự có tầm chiến lược và là một anh hùng dân tộc bậc nhất của nhà Trần”.
Trần Quốc Tuấn còn soạn 2 bộ sách để dạy các tướng lĩnh đương thời cầm quân đánh giặc là “Binh Thư yếu lược” và “Vạn Kiếp tông bí truyền thư”. Trong đó, tiêu biểu có bài “Hịch tướng sỹ” đã khích lệ tinh thần yêu nước, căm thù giặc, lay động hàng ngàn tướng sỹ. Dưới trướng của ông, nhiều bậc hiền tài đã hết lòng phò vua, giúp nước như Trương Hán Siêu, Trần Thì Kiến, Phạm Ngũ Lão, Nguyễn Chế Nghĩa, Yết Kiêu, Dã Tượng.
Với công lao to lớn đó, ông đã được các vua Trần phong làm Đại Vương và lập đền thờ khi còn sống tại Vạn Kiếp gọi là Sinh từ. Thượng hoàng Trần Thánh Tông đích thân soạn văn bia ca ngợi công đức của Hưng Đạo Vương, gọi là Sinh bi.
Ngày 20-8 năm Canh Tý 1300, ông mất tại phủ đệ Vạn Kiếp, triều đình tiến phong “Thái sư Thượng phụ Thượng Quốc công Nhân vũ Hưng Đạo Đại Vương”.
Trải qua hơn 7 thế kỷ, đến nay, tư tưởng giữ nước lấy dân làm gốc cùng tri thức quân sự, cách dùng người và lòng trung quân ái quốc của Hưng Đạo Đại Vương vẫn là bài học sâu sắc đối với các thế hệ hôm nay và mai sau.
Hiền Mĩ