A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Con đường mang tên người cộng sản kiên trung-Tô Hiệu

 

QPTĐ-Nhận xét về đồng chí Tô Hiệu, nguyên Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Đỗ Mười từng viết: “Cuộc đời đồng chí tuy ngắn ngủi, nhưng những cống hiến của đồng chí cho dân tộc và cho cách mạng thật là to lớn”. Nhớ ơn công lao to lớn của người cộng sản kiên trung, trọn đời vì sự nghiệp cách mạng, thành phố Hà Nội đã đặt tên ông cho nhiều tuyến đường thuộc các quận của Thủ đô, tuy nhiên trong bài viết, tác giả muốn nhắc tới đường Tô Hiệu thuộc địa phận hai phường Nguyễn Trãi và Hà Cầu, quận Hà Đông.

Đường Tô Hiệu

Đường Tô Hiệu nằm trong khu trung tâm của quận Hà Đông, đây là một trong những tuyến đường có cơ sở hạ tầng phát triển, với đầy đủ tiện ích: Đại lý, cửa hàng thời trang, nhà thuốc, quán ăn..., đáp ứng tối đa nhu cầu của người dân, thuận lợi cho việc phát triển kinh tế của các hộ gia đình hai bên đường nói riêng và của quận nói chung. Đường có chiều dài khoảng 1,2 km, rộng gần 15 mét, thoáng đãng, hai bên đường có nhiều cây xanh; mật độ dân cư ở đây rất đông, với nhiều tòa nhà chung cư, khu biệt thự, đô thị cao cấp.

Đường bắt đầu từ cầu Đen, đi qua Chi cục Thuế, chạy thẳng tới phố Cầu Đơ. Đây là tuyến phố huyết mạch của quận, nối liền với các phố trọng điểm như: Hà Trì, Lê Lợi, Bà Triệu, Phùng Hưng và Quốc lộ 6.

Em Đào Trần Nam, phường Hà Cầu chia sẻ: Ngày nào em cũng đi học qua tuyến đường này nên từ lâu nó đã trở nên rất thân thương với em. Điều đáng nói khi tìm hiểu về nhân vật mà con đường đang được mang danh-người cách mạng Tô Hiệu, em cảm thấy thật tự hào và khâm phục, đồng thời muốn cố gắng học tập thật tốt, không chùn bước trước mọi khó khăn, trở thành người có ích cho xã hội.

Cuộc đời và sự nghiệp của đồng chí Tô Hiệu

Chỉ với 32 năm tuổi đời nhưng Tô Hiệu-nhà lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng-có tới 18 năm quyết dấn thân và hy sinh vì độc lập của dân tộc, vì tự do và hạnh phúc của nhân dân, cuộc đời và sự nghiệp của ông là tấm gương sáng cho các thế hệ học tập và noi theo.

Tô Hiệu quê ở làng Xuân Cầu, xã Nghĩa Trụ, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên. Tô Hiệu sinh ra trong gia đình nhà nho yêu nước, có danh tiếng lúc bấy giờ. 

Theo tài liệu từ thư viện lịch sử, năm 1927, Tô Hiệu học tại trường Pháp Việt, thị xã Hải Dương, sớm tham gia vào các phong trào yêu nước của học sinh như bãi khóa, để tang cụ Phan Chu Trinh, đòi ân xá cụ Phan Bội Châu, do đó đã bị đuổi học. Cuối năm 1929, ông vào Sài Gòn cùng anh ruột là Tô Chấn tham gia Việt Nam Quốc dân Đảng. Năm 1929, ông là Đảng viên Quốc dân Đảng, hoạt động tại Sài Gòn.

Năm 1930, ông bị bắt và bị kết án 4 năm tù, đày đi Côn Đảo. Những năm tháng tại Côn Đảo, ông đi theo lý tưởng cộng sản và chỉ một thời gian sau, ông được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương.

Năm 1934, sau khi mãn hạn tù trở về và bị quản thúc tại địa phương nhưng ông vẫn tìm mọi cách hoạt động xây dựng phong trào cách mạng, không ngừng tổ chức các hoạt động nâng cao dân trí, dân sinh, lập ra “Hội nông dân tương tế”, vận động thành lập thư viện và bí mật tuyên truyền đọc sách báo của Đảng. Nhà thân mẫu đồng chí Tô Hiệu là một cơ sở cách mạng tin cậy của Đảng, nuôi giấu nhiều cán bộ trong Xứ ủy Bắc kỳ như các đồng chí Trường Chinh, Hoàng Văn Thụ, Hoàng Quốc Việt...

Đầu năm 1938, Tô Hiệu được cử làm Bí thư Liên khu B gồm các tỉnh duyên hải Bắc bộ và trực tiếp làm Bí thư Thành ủy Hải Phòng.

Từ năm 1938-1939, dưới sự lãnh đạo của ông, phong trào cách mạng ở các tỉnh vùng đồng bằng Bắc bộ liên tục phát triển, đặc biệt tại thành phố Hải Phòng.

Cuối năm 1939, Tô Hiệu bị bắt, bị thực dân Pháp kết án 5 năm tù và đày đi nhà tù Sơn La. Tại đây, ông bị tra tấn dã man nhưng không nhụt chí, tích cực vận động phong trào “Lập ra Chi bộ”; được bầu làm Bí thư Chi bộ Nhà tù. Ông tham gia viết báo, soạn tài liệu huấn luyện cán bộ; biến nhà tù của địch thành trường học đào tạo nhiều cán bộ ưu tú cho Đảng. Nhận thấy Tô Hiệu chính là mối nguy hiểm tiềm tàng, bọn cai ngục đã giam riêng ông song bằng mọi cách, ông vẫn chỉ đạo sát sao phong trào đấu tranh của những người tù cộng sản.

Do bị tra tấn dã man, cùng với bệnh lao phổi nặng, ngày mồng 7 tháng 3 năm 1944, Tô Hiệu đã ra đi khi mới 32 tuổi. Lời căn dặn cuối cùng của ông với đồng đội: “Các đồng chí hãy cố gắng lên, đừng phút nào quên nhiệm vụ của mình” giống như hồi kèn xung trận. Mộ ông được an táng tại nghĩa địa Vườn ổi.

Hiền Mĩ
 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ