A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Mở rộng mô hình bác sĩ gia đình

 

Lâu nay, mong muốn của mỗi người dân là có bác sĩ thường xuyên nắm bắt, hiểu rõ tình trạng sức khỏe của mình, kể cả những thay đổi, tư vấn phòng, chống, điều trị bệnh tật... Như vậy sẽ không phải chạy đôn, chạy đáo đến bệnh viện mỗi khi nhức đầu, sổ mũi hoặc bị các bệnh thông thường... Muốn vậy thì phải hình thành dịch vụ bác sĩ gia đình để chăm sóc sức khỏe cơ bản, toàn diện, liên tục, thuận lợi cho cá nhân, gia đình và cộng đồng, góp phần giảm quá tải bệnh viện.

 

 

Mô hình bác sĩ gia đình cần được nhân rộng.   (Ảnh Internet)

 

Từ cách đây hai năm, Bộ Y tế đã phê duyệt Đề  án “Xây dựng và phát triển mô hình phòng khám bác sĩ gia đình tại Việt Nam giai đoạn 2013-2020”. Đề án tạo niềm tin mới cho mọi người, khẳng định việc triển khai đề án bác sĩ gia đình là một trong những giải pháp quan trọng nhằm nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe cho người dân. Nhiều nước trên thế giới đã triển khai hiệu quả mô hình này và Việt Nam có thể tham khảo, học hỏi các kinh nghiệm hay, phù hợp để áp dụng…

 

 Sau 2 năm thực hiện Đề án, có thể nói đã có những thành tựu bước đầu và nhận rõ hơn hạn chế và khó khăn triển khai mô hình bác sĩ gia đình trong cả nước. Thành tựu thì theo báo cáo của Bộ Y tế, giai đoạn 2013-2015, ở 8 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương là thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hải Phòng, Cần Thơ, Thừa Thiên-Huế, Thái Nguyên, Khánh Hòa và Tiền Giang, đã triển khai thí điểm phòng khám bác sĩ gia đình. Đến nay, các tỉnh, thành phố đó thành lập được 240 phòng khám theo mô hình này, trong đó 114 phòng khám được lồng ghép trong trạm y tế, 4 phòng khám tư nhân độc lập.

 

Bước đầu, các phòng khám tư nhân độc lập đã cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe thuận lợi cho người dân. Song ở đây lại chưa có hướng dẫn cách thức thanh toán, việc kê đơn thuốc, thanh toán tiền thuốc của phòng khám bác sĩ gia đình tư nhân.

 

Việc triển khai tại các trạm y tế khó khăn hơn, không được như mong muốn. Thậm chí ở trạm y tế phường xã điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị và nhân sự để thành lập phòng khám bác sĩ gia đình mà vẫn còn rất nhiều vướng mắc cần phải được tháo gỡ. Nguyên nhân bao trùm là thiếu nhân lực, thiếu thông tin và cả cơ chế liên thông giữa tuyến trên và tuyến dưới... Đó là những rào cản khiến mô hình bác sĩ gia đình chưa thể triển khai rộng khắp.

 

Có thể nói khó khăn nhất hiện nay là người dân chưa hiểu hết về lợi ích của mô hình này nên không tham gia đăng ký quản lý sức khỏe. Quan niệm thông thường hiện nay là đã là bác sĩ gia đình thì nhất thiết bác sĩ phải đến tận nhà người dân khám, chữa bệnh. Khi đi khám chữa bệnh, vướng mắc trong việc thanh toán bảo hiểm y tế trái tuyến cũng là một trở ngại. Rồi thiếu kinh phí để in hồ sơ bệnh án, biểu mẫu, sổ sách, tờ rơi tuyên truyền; chưa có chế độ đãi ngộ cho các bác sĩ gia đình, đặc biệt là cơ chế tài chính và cơ chế chuyển tuyến thống nhất từ trên xuống dưới.

 

Các địa phương quyết tâm duy trì, phát triển kết quả đã đạt được, thực hiện kế hoạch phát triển, nhân rộng mô hình rộng khắp. Những địa phương chưa triển khai, các Sở Y tế thành lập hoặc báo cáo Chủ tịch tỉnh để thành lập Ban Chỉ đạo phát triển mô hình phòng khám bác sĩ gia đình giai đoạn 2016-2020. Theo quy định của Bộ Y tế, các Sở Y tế hướng dẫn thực hiện thí điểm việc chuyển tuyến từ phòng khám bác sĩ gia đình lên bệnh viện tuyến trên phù hợp với tình hình bệnh tật của người bệnh…

 

Chú trọng đào tạo người hành nghề y học gia đình, ưu tiên đào tạo các bác sĩ đa khoa công tác ở trạm y tế xã. Trong năm nay đào tạo được toàn bộ bác sĩ ở xã được học về y học gia đình theo chương trình 3 tháng... Các thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hải Phòng và tỉnh Thừa Thiên-Huế, lựa chọn một số đơn vị, kể cả phòng khám bác sĩ gia đình tư nhân để xây dựng mô hình phòng khám hoàn chỉnh, làm điển hình nhân rộng tại địa phương.

 

Theo thông tin mới nhất, cùng với củng cố, phát triển các đơn vị đào tạo y học gia đình đã có, Bộ Y tế sẽ tiếp tục thành lập mới các đơn vị đào tạo chuyên ngành này. Đồng thời tổ chức đào tạo, tập huấn ngắn hạn cho những người hành nghề tại các phòng khám bác sĩ gia đình, đề xuất chính sách ưu đãi nhằm thu hút nguồn nhân lực cho chuyên ngành y học gia đình.

 

Với sự cố gắng đó, trong thời gian không dài nữa, mỗi người dân sẽ được chăm sóc sức khỏe ban đầu tốt hơn, phòng chống và điều trị bệnh thông thường kịp thời, góp phần bảo đảm an sinh xã hội.

 

  HOÀNG HƯƠNG

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ