Đền Lư Giang-Không gian văn hóa Thăng Long ngàn năm tuổi
Đền Lư Giang (Đền Lừ) nằm bên con sông Lừ thuộc làng Thanh Mai, phường Hoàng Văn Thụ, quận Hoàng Mai, thành phố Hà Nội. Hoàng Mai trước đây nằm ở trong vùng đất Cổ Mai, là một làng cổ nằm trong địa bàn của cư dân Việt cổ thời Hùng Vương.
Đền Lư Giang.
Trước đây, Hoàng Mai cùng với Tương Mai, Mai Động và một số làng phụ cận hợp thành vùng kẻ Mơ (Cổ Mai) nổi tiếng ở kinh thành Thăng Long. Sách “Dư địa chí” của Nguyễn Trãi viết: “Vùng ấy, đất thì đỏ chín cùng sắc xanh đen, ruộng thì vào loại thượng hạng, hơn nữa dòng sông Kim Ngưu như một dải lụa vắt ngang của xã đã là một món quà của thiên nhiên trao tặng cho vùng này, dòng sông vừa là nguồn tưới nước cho đồng ruộng lại vừa là nguồn cá phong phú cho ngư dân”. Trong điều kiện tự nhiên thuận lợi đó vùng đất Cổ Mai xưa đã sớm được khai thác, tạo dựng và phát triển.
Với lịch sử truyền thống từ rất lâu đời, Đền Lư Giang được xây dựng từ thời Lê Sơ, trong đền có thờ ba vị nhân thần có công với đất nước và một nữ thần huyền thoại của tín ngưỡng dân gian truyền thống. Đó là danh nhân Trần Khát Chân và hai vị tướng Phạm Tổ Thu và Phạm Ngưu Tất. Hai vị tỳ tướng đã góp rất nhiều công lao vào kỳ tích chống quân Chiêm và dựng lên thái ấp Hoàng Mai uy chấn một thời. Nữ thần huyền thoại đó là Thủy Tinh Công Chúa con vua Thủy Tề, một trong ba vị nữ thần quan trọng của tam tòa Thánh Mẫu. Do nhiều lần hiển linh ở cõi trần để giúp dân trừ bạo nên được nhiều nơi lập đền thờ.
Đền Lư Giang ngày nay có quy mô kiến trúc khá lớn gồm nhiều nếp kế tiếp nhau, xung quanh đền được bao quanh bằng một vành đai cây xanh, cạnh đó là dòng sông cổ đã từng nổi tiếng với truyền thuyết Kim Ngưu gắn liền với phủ Tây Hồ. Các kiến trúc chính của khu đền gồm 3 tòa chính, theo höôùng Đoâng Nam phía tröôùc coù hoà sen hình bán nguyệt và một sân gạch vuông khá rộng. Tòa tiền tế gồm 3 gian 2 chái với các góc đao cong. Phần khung gỗ của tòa tiền tế có 3 vì đều làm theo dạng cột trốn quá giang. Tiếp sau tòa tiền tế là một lớp nhà ngang gồm ba gian hai chái với các bộ vì kết cấu “chồng giường giá chiêng”, tường hồi bít đốc trơn soi chỉ nhẹ nhàng.
Lớp nhà thứ ba được tôn cao thành tầng lầu 4 mái đặt ngai thờ và các đồ thờ tự. Trong đền Lư Giang hiện còn lưu giữ được nhiều hiện vật có giá trị: Ba đạo sắc phong thời Nguyễn phong cho Mẫu Liễu, hai quả chuông đồng thời Nguyễn, ba bộ long ngai bài vị, 8 khám thờ gỗ sơn son thếp vàng, 7 bức hoành phi, 8 đôi câu đối gỗ cổ sơn thếp. Bốn tấm bia đá trong đó có hai tấm thời Lê và tấm bia thời Nguyễn. Quan trọng và đáng chú ý là tấm bia dựng năm Phúc Thái thứ tư (1646), bia có kích thước lớn đứng trên lưng rùa, bia hai mặt trang trí rồng chầu, mặt sau chạm lưỡng long chầu nguyệt, hoa dây.
Mặc dù trải qua vết cắt và sự bào mòn của thời gian nhưng kiến trúc của di tích hầu như vẫn còn nguyên vẹn. Đền đã được trùng tu rất nhiều lần, gần đây nhất là năm 2010, hiện tại với sự giúp đỡ của nhân dân và chính quyền đền bắt đầu tu bổ lại cảnh quan ở bên trong. Với giá trị lịch sử lâu đời có tầm ảnh hưởng lớn, năm 1994 Bộ Văn hóa Thông tin ra quyết định công nhận Đền Lư Giang là di tích lịch sử văn hóa kiến trúc nghệ thuật cao.
Hàng năm, hội đền Lư Giang được mở hai lần vào tháng tám và tháng ba. Hội tháng tám là hội chính, được tổ chức trong ngày húy kỵ của Quốc công tiết chế Hưng đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn (20/8 âm lịch). Trong những ngày hội, ngoài những nghi thức tế lễ trang trọng, dân làng Hoàng Mai còn tổ chức rước thần từ đền tới đình và ngược lại. Trước đây, hội làng Hoàng Mai là một sinh hoạt văn hóa lớn trong khu vực, lễ hội đã cuốn hút một vùng dân cư rộng lớn thuộc thái ấp cũ của Trần Khát Chân tham dự. Đây là dịp để con cháu các thế hệ tỏ lòng thành kính với vị anh hùng dân tộc đã có ân, đức hộ quốc an dân.
Chúng tôi đến vãn cảnh và tìm hiểu đền Lư Giang vào đúng dịp nhân dân làng Thanh Mai, phường Hoàng Văn Thụ đang tổ chức Lễ thánh nhân ngày tuần rằm tháng Ba. Các cụ trong Ban quản lý di tích, trực tiếp phụ trách việc tổ chức các lễ thờ cúng trong đền cho biết: Đền Lư Giang được người dân khắp trong nội thành cũng như ngoại thành đến chiêm bái, dâng lễ tưởng nhớ công lao Đức Thánh Trần.
Trong các dịp lễ hội, Đền còn tổ chức rất nhiều lễ như hầu thánh, hầu đồng, hát chầu văn. Tất cả các khâu chuẩn bị đều được các cụ triển khai với sự giúp đỡ của ban tổ chức lễ nghi do Ban quản lý di tích thành lập. Nhân dân Hoàng Mai đều tự hào khi nói đến đền Lư Giang, đây là một trong những không gian văn hóa tâm linh của quận Hoàng Mai và thành phố Hà Nội. Hiện nay, dưới sự tác động của thiên nhiên, nhiều hạng mục trong di tích đền Lư Giang đã bắt đầu có dấu hiệu xuống cấp. Vì vậy, việc quản lý, giữ gìn, tu tạo di tích là một vấn đề cấp thiết đang đặt ra, đòi hỏi các cấp, các ngành và toàn thể nhân dân chung tay quản lý, gìn giữ di tích nét văn hóa của miền đất Cổ Mai để đền Lư Giang mãi là niềm tự hào của đất Thăng Long ngàn năm văn hiến.
Quang Nguyên