A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Kỷ niệm bên nồi bánh chưng

 

QPTĐ-Tôi sinh ra khi đất nước đã thống nhất. Nhưng tuổi thơ của anh em chúng tôi chỉ được đón Xuân cùng mẹ. Vì bố tôi đang là bộ đội, đóng quân ở biên giới phía Bắc, trong lúc “lửa đã cháy và máu đã đổ trên khắp dải biên cương”. Nhưng đến tận bây giờ, dù đã sống được gần nửa thế kỉ, nhưng tôi không thể quên được kỉ niệm mùa Xuân năm 1979. Đó là năm đầu tiên bố tôi được về ăn Tết cùng gia đình. Mẹ con chúng tôi đã quen vắng bố lúc Xuân về nên khi được nghe tin Tết này có bố về cả nhà sung sướng lắm. Mẹ tôi cũng không ngờ rằng đó là cái Tết cuối cùng chúng tôi được đón giao thừa cùng bố. 

 

 

Tết có bố cũng khác. Nhà tôi rộn rã hẳn lên. Vứt chiếc balo vào buồng là bố tôi xắn tay dọn dẹp, cắt lá dong chuẩn bị gói bánh để kịp chiều nổi lửa. Những chiếc bánh chưng gói khuôn vuông vức, chặt chàng bởi bàn tay người lính cũng đẹp hơn mọi năm. Bàn thờ tổ tiên cũng ngăn nắp, đầy đặn hơn. Cành đào biên giới bố mang về như những đốm lửa, đỏ rực bàn thờ làm cho gian nhà nhỏ sáng sủa, ấm cúng hơn rất nhiều. Mẹ tôi thì khỏi phải nói. Trời se lạnh mà đôi má mẹ lúc nào cũng ửng hồng. Tôi biết là mẹ hạnh phúc lắm. Dù đã quen một tay lo Tết, sắm Tết, thế mà hôm nay làm gì mẹ tôi cũng hỏi bố: “Đã được chưa anh”, cứ như mẹ tôi chưa hề lo Tết bao giờ.


Vui nhất là khi luộc bánh.

 

Để chúng tôi không ngủ gật, bố tôi đàn, hát, kể chuyện các dân tộc vùng biên giới đón Xuân, vui lắm. Mẹ tôi hiền hậu ngồi bên, vừa giữ lửa vừa xoay những ấm nước và nồi nước lá mùi, lá sả để cho bố con tôi tắm sạch sẽ, thơm tho đón giao thừa. Bỗng bố tôi nảy ra ý kiến:


- Bố con mình chơi đối chữ nhé. Đối nôm thôi. Bố ra vế đối. Nếu ai đối nhanh, đối chỉnh, bố sẽ thưởng một món quà tết đặc biệt.


Hồi đó, tôi học lớp 7, còn anh trai tôi học lớp 9. Đằng hắng một tiếng lấy giọng, bố tôi bắt đầu ra vế một: 
- Dù đói, dù no phải kiên quyết học hành tiến tới.


Trong lúc anh tôi còn đang mải mê suy nghĩ chọn chữ, chọn nghĩa thì tôi đối luôn: - Siêng học, siêng làm không phụ lòng cha mẹ ước mong.
Chẳng biết tôi đối có hay, có chỉnh thật không mà bố tôi cười to, sảng khoái và vỗ tay tán thưởng: 
- Rất đạt... nhà văn tương lai của bố.


Như lời hứa chắc chắn của một người lính, bố tôi tuyên bố:
- Con gái rượu sẽ được thưởng một đôi dép tự chọn. Nhưng phải để đến phiên chợ đầu năm, bố sẽ trực tiếp cho đi chơi chợ Xuân. Đó cũng là món quà sinh nhật bố tặng con gái yêu (tôi sinh ngày mùng 5 Tết mà).


Đúng sáng mùng 4, cả nhà tôi vui vẻ, ríu rít bên nhau đi chợ. Mẹ tôi bẽn lẽn, thẹn thùng đi cạnh bố như cô dâu vậy. Anh em tôi thì sung sướng, hoan hỷ lắm. Hàng nào cũng sán vào, nhìn ngắm không chán mắt. Nói là mua quà tặng phần ứng đối cho tôi, nhưng thực ra bố mua quà cho cả nhà. Mẹ tôi được cái áo len màu tím, anh trai tôi được chiếc quần, phần của tôi là đôi dép quai hậu rất đẹp và một chiếc váy màu hồng.


Chưa bao giờ cả nhà tôi vui như vậy. Với mẹ, đây là cái Tết đầy đủ và ý nghĩa nhất. Những công việc nặng nhọc bố tôi đều nhận làm hết. Tết có bố cũng khác. Khách khứa ra vào tấp nập, tiếng cười nói râm ran suốt ngày. Tất nhiên chúng tôi vui hơn tất cả vì được rất nhiều quà mừng tuổi. Mẹ con tôi cũng không ngờ đó là cái Tết cuối cùng của bố tôi với cả nhà...


Thấm thoát đã gần 40 năm trôi qua. Tóc tôi đã loáng thoáng sợi bạc. Còn bố tôi đã gửi lại xương máu ở đất Vị Xuyên máu lửa. Mẹ tôi thì đã chân chậm, mắt mờ. Nhưng mỗi khi cả nhà quây quần bên nồi bánh chưng chờ đón giao thừa thì kỉ niệm bên nồi bánh chưng năm ấy lại tràn về gợi nhớ trong tôi một tuổi ấu thơ trong sáng, thơ ngây, có hình ảnh về người mẹ âm thầm, tần tảo, về người cha thân yêu là anh bộ đội biên phòng.

 

Phạm Thị Dần

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ