A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Học ngoại ngữ: Áp lực và động lực

 

Có thể nói, tiếng Anh là rào cản lớn của nước ta trong bối cảnh hội nhập sâu rộng với khu vực và thế giới. Nhất là khi tham gia Hiệp định TPP và Cộng đồng Kinh tế ASEAN. Đây cũng là một trong những thách thức lớn của việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

 

 

Cần đổi mới toàn diện phương pháp học ngoại ngữ. (Ảnh: Internet)

 

Thời gian qua, công tác giảng dạy tiếng Anh đã được chú trọng. Mục tiêu được đề ra là: Đến năm 2020, đa số thanh niên tốt nghiệp trung cấp, cao đẳng và đại học có đủ năng lực ngoại ngữ sử dụng độc lập, tự tin trong giao tiếp, học tập, làm việc trong môi trường hội nhập, đa ngôn ngữ, đa văn hóa; biến ngoại ngữ trở thành thế mạnh của người dân Việt Nam. Ngay từ năm 2010, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã triển khai Đề án ngoại ngữ Quốc gia 2020, nhằm thực hiện mục tiêu đó.

 

Đề án đã kịp thời giúp Chính phủ có quyết sách lớn trong dạy và học ngoại ngữ. Tuy nhiên, sau một thời gian triển khai, hiệu quả đạt được không như mong muốn và bộc lộ sự “thiếu khả thi”. Phần lớn học sinh cảm thấy áp lực lớn, thậm chí một số còn như thấy mình “húc đầu vào đá” khi học ngoại ngữ. Bởi vậy, khi bàn về nâng cao hiệu quả học tiếng Anh, ông Phùng Xuân Nhạ, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo khẳng định rằng: Phải sớm chuyển việc học tiếng Anh từ áp lực thành động lực, mới hy vọng phổ cập tiếng Anh cho giới trẻ.

 

Việc đào tạo tiếng Anh cần dựa trên cơ sở tăng cường hợp tác với các quốc gia, tổ chức quốc tế có kinh nghiệm trong việc dạy và học, đặc biệt là các quốc gia đã phát triển thành công tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ hai. Tăng cường liên kết giữa cơ quan quản lý giáo dục các cấp với các tổ chức chính trị - xã hội, cơ sở đào tạo ngoại ngữ để huy động nguồn lực đảm bảo dạy và học ngoại ngữ tốt hơn. Huy động thêm sự tham gia của các chuyên gia, giảng viên giỏi, có nhiều kinh nghiệm ở Việt Nam và quốc tế. Ưu tiên đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên ngoại ngữ các cấp theo hướng tiếp cận chuẩn năng lực giáo viên ngoại ngữ quốc tế và vận dụng phù hợp với năng lực, điều kiện thực tiễn của giáo viên Việt Nam. Nâng cao chất lượng công tác khảo thí đáp ứng nhu cầu học tập ngoại ngữ, nhất là tiếng Anh cho mọi người học.

 

Chương trình, tài liệu, phương tiện dạy và học ngoại ngữ phải đảm bảo chất lượng, trên cơ sở phù hợp với nhu cầu của từng nhóm đối tượng người học. Trong đó chú trọng nhu cầu học ngoại ngữ đa dạng của giới trẻ; tăng cường sử dụng giải pháp công nghệ, phương tiện phát thanh, truyền hình hỗ trợ người học bình đẳng trong tiếp cận với ngoại ngữ, có thể học mọi nơi, mọi lúc và đạt được năng lực sử dụng ngoại ngữ như mong muốn.

 

Phổ cập tiếng Anh là vấn đề cần thiết và cấp bách, cần tăng cường xã hội hóa để huy động tối đa các nguồn lực, khắc phục tình trạng thiếu giáo viên và điều kiện phục vụ phổ cập như hiện nay. Tổ chức lại và nâng cao chất lượng hệ thống dạy-học ngoại ngữ chính quy, có thể cho phép học sinh chọn học ngoại ngữ ở ngoài trường trên cơ sở tự nguyện, miễn là đáp ứng được yêu cầu về đầu ra.

 

Các đơn vị chức năng tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách để tăng cường xã hội hóa đào tạo ngoại ngữ, tăng cường hợp tác quốc tế và đẩy mạnh các hoạt động ngoại khóa tạo môi trường giao tiếp bằng ngoại ngữ. Các trường, khoa chuyên ngữ xây dựng chương trình đào tạo để sinh viên ra trường đạt chuẩn năng lực ngoại ngữ quốc tế. Cần xác định đúng, rõ lộ trình và các nhiệm vụ ưu tiên trong mở rộng, nâng cao chất lượng dạy - học ngoại ngữ; chuẩn bị tốt trước khi triển khai trên nguyên tắc đảm bảo chất lượng, hiệu quả, không làm vội, làm ẩu. Các địa phương, đơn vị chủ động đề xuất lộ trình, kế hoạch phù hợp với nhu cầu và điều kiện tổ chức dạy-học ngoại ngữ của địa phương, đơn vị.

 

Về khảo thí, cần xây dựng hệ thống đánh giá chất lượng cập nhật với chuẩn quốc tế; đánh giá thường xuyên năng lực của các trung tâm khảo thí, đặc biệt là 10 trung tâm được Bộ giới thiệu tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực tiếng Anh theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc. Kiên quyết đóng cửa các trung tâm không đảm bảo chất lượng, có biểu hiện tiêu cực. Bộ sẽ phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành hữu quan, UBND các tỉnh, thành phố, đơn vị liên quan hoàn thiện cơ chế chính sách, cơ sở vật chất, tài chính và môi trường học tập, nhằm thực hiện thành công chiến lược dạy và học ngoại ngữ trên quy mô toàn quốc.

 

Cùng với nỗ lực của các cấp, các ngành, chìa khóa tạo nên đột phá về chất lượng chính là tạo ra động lực cho người dạy và người học. Do vậy cần có sự cố gắng từ hai phía theo nội dung, phương pháp tạo được cảm hứng, tạo động lực trong dạy và học tiếng Anh.

 

HOÀNG HƯƠNG

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ