A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Múa Tắc xình-Nghệ thuật trình diễn dân gian độc đáo của người Sán Chay

 

QPTĐ-Múa Tắc xình là một nghi thức tâm linh quan trọng trong lễ hội Cầu Mùa  ở huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên, được bảo lưu, gìn giữ từ bao đời nay. Vũ điệu này đã làm cho lễ hội vừa mang tính thiêng vừa đầy ắp hơi thở của cuộc sống, cổ vũ tình yêu lao động và sự lạc quan, yêu đời. Từ những giá trị to lớn của di sản, năm 2014, vũ điệu này đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

 

 

Vũ điệu Tắc xình với những động tác đơn giản, khỏe khoắn.


 
Khát vọng thuần hậu của cư dân nông nghiệp


Vốn là một trong những lễ hội lớn của người Sán Chay, thường diễn ra trước hoặc sau Tết Nguyên đán hàng năm, Cầu Mùa được các thế hệ của người Sán Chay nối tiếp nhau gửi gắm ước nguyện được mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt và bản làng bình yên. Đồng thời, thông qua lễ hội, chủ thể văn hóa còn thể hiện đạo lý nhớ ơn tổ tiên, trời đất và thần linh đã phù hộ, che chở. Vũ điệu Tắc xình là một nghi thức linh thiêng, truyền tải những thông điệp của lễ hội, cùng các nghi thức của thày cúng.


Các vũ điệu của Tắc xình đơn giản, được mô phỏng từ những động tác trong lao động sản xuất và sinh hoạt hàng ngày như phát nương, tra hạt, xúc tép, bắt cá, đuổi thú…Từ những động tác này, cha ông xưa của người Sán Chay đã sáng tạo nên 9 điệu múa đặc trưng: Thăm đường, lập làng, bắt quyết, mài dao, phát nương, dọn rẫy, tra mố, hái lượm, mừng mùa vụ và chim câu. 


Các điệu múa đều có chung động tác khi nhịp gõ “tắc”, chân đưa lên và nhịp  “xình ” phát ra, chân đặt xuống. Tín ngưỡng phồn thực được thể hiện rất rõ qua hình tượng múa Tắc xình với gậy tre, các nhạc cụ gõ bằng tre, bương hay trống đất- những biểu tượng cầu nối truyền khí dương từ trời, hòa quyện với khí âm là đất. Theo quan niệm của đồng bào, sự hòa hợp âm dương này sẽ tạo ra sự sinh sôi nảy nở. 


Vũ điệu đơn giản, mạnh mẽ và đầy năng lượng sống


Tên gọi của vũ điệu này xuất phát từ chính âm thanh chủ đạo được tạo ra từ nhạc đệm: “Tắc tắc”, âm phát ra từ tiếng gõ đôi của thanh tre lên thân ống tre và “ xình” là âm phát ra do động tác nện ống tre xuống đất của những người sử dụng nhạc cụ. 


 Tắc xình có 8 âm liên tiếp tạo nên giai điệu đơn giản, rõ ràng và khỏe khoắn đặc trưng. Trên nền giai điệu này, các điệu múa cũng là những động tác đơn giản, rõ ràng, dễ thực hiện và truyền dạy. Động tác dù đơn giản nhưng mạnh mẽ, dứt khoát, vận động liên tục.


Việc tham gia nghệ thuật trình diễn dân gian này không có yêu cầu nào về địa vị, giới tính hay bất cứ quy định nào. Người thực hiện vũ điệu, người diễn tấu nhạc cụ đệm đều được tham gia mà không hạn chế số lượng. Trang phục của người tham gia lễ hội Cầu Mùa và vũ điệu Tắc xình là trang phục truyền thống với kiểu dáng rộng rãi, thoải mái nên rất phù hợp trong các động tác. 


Nhạc cụ nguyên sơ, độc đáo


Nhạc đệm cho vũ điệu này được tạo ra từ các bộ gõ gồm trống đất, trống lớn, trống nhỏ, trống nứa, chiêng, chập xeng, các ống tre và thanh tre, quả chuông và bộ hơi gồm kèn tổ sâu làm bằng lá cây, kèn pó lè. Hầu hết các nhạc cụ này đều được làm từ những nguyên liệu tự nhiên, gắn liền với vùng đất cư trú và do chính chủ thể văn hóa sáng chế, chế tác và diễn tấu. Chính trong quá trình lao động sản xuất, sự va chạm của các cộng cụ lao động đã tạo ra những âm thanh gợi ý cho những tiết tấu sáng tạo, thỏa mãn nhu cầu về tâm linh cũng như giải trí.


Trong đó, trống đất (náy cau) là nhạc cụ khá độc đáo và không thể thiếu trong vũ điệu Tắc xình. Sự độc đáo của nó cả ở hình thức, diễn tấu và cách chế tác. Trống đất được tạo ra từ hố đất và mo cau hay vỏ cây khô, thanh tre, dây rừng. Các nhạc cụ khác được tạo ra một lần và sử dụng lâu dài nhưng trống đất chỉ dùng được 1 lần. Âm thanh của trống đất không chỉ để đệm cho vũ điệu mà còn là nhạc khí thiêng truyền sự tôn kính, những mong ước của cộng đồng lên các đấng thần linh và tổ tiên.


Trải qua thời gian lâu dài, vũ điệu Tắc Xình đã khẳng định vị trí và sức sống của mình trong đời sống, tạo sự gắn kết cộng đồng bền chặt cũng như là gạch nối giữa quá khứ và hiện tại. Nét văn hóa độc đáo và đặc trưng cho văn hóa tộc người này không chỉ có giá trị lịch sử, văn hóa mà còn có giá trị khoa học, chứa đựng trong đó nguồn tư liệu quý trong việc nghiên cứu văn hóa dân tộc Sán Chay.


Thu Loan

 

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ