A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Đa dạng hoá thông tin đối ngoại, quảng bá con người Việt Nam

 

Công tác thông tin đối ngoại là bộ phận quan trọng trong công tác tuyên truyền về công tác đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta. Trên cơ sở nhận thức tầm quan trọng của công tác thông tin đối ngoại và thực hiện Quyết định số 368/QĐ-TTG ngày 28/2/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình hành động của Chính phủ về thông tin đối ngoại giai đoạn 2013-2020, ngày 13/6/2013, UBND Thành phố đã ban hành Quyết định số 3734/QĐ-UBND phê duyệt Đề án tăng cường đầu tư, quản lý và phát triển thông tin đối ngoại thành phố giai đoạn 2013-2020. Việc triển khai Đề án tăng cường đầu tư, quản lý và phát triển thông tin đối ngoại thành phố giai đoạn 2013-2020 đã đưa công tác thông tin đối ngoại Thủ đô đi vào nền nếp, bài bản và hoạt động có chiều sâu, đồng thời, đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ và hiệu quả trong chỉ đạo, triển khai công tác thông tin đối ngoại trên địa bàn thành phố.

 

 

Hội nghị sơ kết công tác thông tin đối ngoại thành phố Hà Nội.

 

Sau 3 năm triển khai, công tác thông tin đối ngoại thành phố đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Thành phố đã xây dựng và nâng cao chất lượng hoạt động các kênh thông tin đối ngoại chủ lực (gồm Báo Hànộimới, Báo Kinh tế & đô thị, Báo An ninh Thủ đô, Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội, Trang tin điện tử của Sở ngoại vụ, Cổng thông tin điện tử của Liên hiệp các tổ chức hữu nghị thành phố).

 

Hàng năm, kế hoạch thông tin đối ngoại xác định rõ trách nhiệm của các cấp, các ngành trong việc triển khai nhiệm vụ. Phối hợp tốt với các kênh thông tin đối ngoại quốc gia trong việc tuyên truyền quảng bá hình ảnh của Thủ đô ra ngoài nước. Nội dung thông tin phong phú đa dạng. Các hoạt động thông tin đối ngoại ngày càng bám sát định hướng chỉ đạo công tác thông tin đối ngoại của Đảng và Nhà nước, đồng thời bám sát được chủ trương, chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế, văn hóa, lịch sử con người Thủ đô; đấu tranh phản bác những thông tin sai sự thật, luận điệu sai trái của các thế lực cơ hội, thù địch với Việt Nam, góp phần tích cực vào việc giữ gìn ổn định chính trị- xã hội, phục vụ nhiệm vụ bảo vệ và phát triển Thủ đô và đất nước trong tình hình mới.

 

Điển hình, từ tháng 10/2015, STTTT đã chủ động phối hợp với Trung tâm phát triển truyền thông Thông tấn (Thông tấn xã Việt Nam) tổng hợp thông tin từ 15 kênh thông tin (báo điện tử, tạp chí, trang thông tin điện tử, cơ quan thông tấn nước ngoài) của 8 quốc gia Singapore, Nhật, Ấn Độ, Nga, Mỹ, Ý, Anh, Úc với 3 ngôn ngữ chính: tiếng Anh, tiếng Nga, tiếng Ý trong 3 tháng cuối năm 2015 (tháng 10 đến tháng 12) và có báo cáo từng tháng gửi lãnh đạo UBND thành phố và thành viên Ban Chỉ đạo về tình hình dư luận quốc tế thông tin về thành phố Hà Nội. Ngoài ra, từ năm 2014, Ban chỉ đạo công tác thông tin đối ngoại thành phố ra mắt Trang thông tin điện tử đối ngoại chủ lực của thành phố Hanoitimes của báo điện tử Kinh tế & Đô thị thường xuyên cập nhật tình hình thời sự trong nước và quốc tế, góp phần quảng bá, giới thiệu những thành tựu đổi mới của Thủ đô và đất nước đến đông đảo bạn bè quốc tế và kiều bào ta ở nước ngoài…

 

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác thông tin đối ngoại của thành phố vẫn còn tồn tại những khó khăn, hạn chế. Một số đơn vị chưa nhận thức rõ những yêu cầu và đòi hỏi của công tác thông tin đối ngoại trong bối cảnh thành phố đang hội nhập quốc tế mạnh mẽ trên mọi lĩnh vực. Kinh phí đầu tư trong triển khai thực hiện, duy trì nâng cao chất lượng thông tin đối ngoại phiên bản tiếng Anh và các ngoại ngữ khác còn hạn chế.

 

Cũng tại Hội nghị, sau khi nghe báo cáo, các đại biểu tích cực trao đổi, thảo luận về các nội dung xây dựng công tác thông tin đối ngoại trong thời gian tới. Ông Nguyễn Thanh Bình, Tổng Biên tập Báo An ninh Thủ đô, kiến nghị: Khi định hướng xây dựng chiến lược về công tác thông tin đối ngoại, cần chú ý đến các thế mạnh riêng của cơ quan báo chí để khai thác một cách hiệu quả; nâng cao chất lượng và khả năng dự báo để các cơ quan truyền thông có thể chủ động xử lý kịp thời, chính xác và hiệu quả những vấn đề liên quan đến công tác thông tin đối ngoại. Với sự phát triển mạnh mẽ của các hình thức truyền tải thông tin, mới nhất như ứng dụng livestream của Facebook, nếu có sự chuẩn bị đầy đủ, chính xác, sẽ tránh được những tình huống bị động.

 

Cùng với đó, ông Lê Tiến Dũng, Phó Tổng Biên tập Báo Hànộimới đề xuất: Để công tác truyền thông đối ngoại thực sự phát huy được hiệu quả, cần có sự chỉ đạo chính xác, kịp thời về chủ trương, đường lối, cung cấp thông tin kịp thời. Bên cạnh đó, thành phố cần có cơ chế tài chính linh hoạt, bố trí kinh phí duy trì, phục vụ cho hoạt động thông tin đối ngoại.

 

Sau khi nghe các ý kiến tham luận, đồng chí Ngô Văn Quý, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội khẳng định, sau 3 năm triển khai, công tác thông tin đối ngoại của thành phố đã được triển khai tích cực với sự vào cuộc của các cơ quan, sở, ban, ngành đặc biệt là 6 kênh thông tin đối ngoại chủ lực. Bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn nhiều hạn chế. Nên thời gian tới, cần tăng cường quản lý Nhà nước về hoạt động thông tin đối ngoại trên địa bàn thành phố. Kiện toàn, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ thực hiện công tác thông tin đối ngoại. Đa dạng hóa hình thức và phương tiện thông tin trong hoạt động thông tin đối ngoại. Hình thành mối quan hệ thông tin đối ngoại chiến lược với các nước có quan hệ truyền thống lâu dài, các nước có tiềm năng theo đường lối ngoại giao chiến lược của Đảng. Xây dựng và hoàn thiện dữ liệu về thông tin đối ngoại quảng bá hình ảnh của Thủ đô đến kiều bào và bạn bè quốc tế.

 

Hiền Mĩ

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ