A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Có tố giác không?

 

Người tiêu dùng luôn là lực lượng quan trọng trong phát hiện các hành vi vi phạm an toàn thực phẩm. Bởi chính họ ở khắp nơi, lại tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp việc sản xuất, vận chuyển, chế biến và sử dụng thực phẩm. Các mối quan hệ gia đình, dòng họ, bạn bè khắp nơi nên có những thông tin nhanh và đầy đủ nhất về tình trạng thực phẩm. Bởi vậy nếu người tiêu dùng tham gia khiếu nại, khai báo, tố giác các sai phạm thì các hành vi vi phạm về an toàn thực phẩm sẽ không còn nữa.

 

Vấn đề đặt ra là người tiêu dùng có thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình trong tố giác sai phạm không? Trong thực tế, hầu hết người tiêu dùng ngại hoặc không tố giác hành vi vi phạm là do mối quan hệ quen biết hoặc sợ bị trả thù.

 

Đã đến lúc phải thay đổi quan niệm về đấu tranh với sai phạm. Các cơ quan chức năng có trách nhiệm chính nhưng sự tham gia của người tiêu dùng  tố giác các hành vi vi phạm an toàn thực phẩm là rất quan trọng. Trong điều kiện hoạt động sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng thực phẩm như hiện nay, sự cộng tác của người tiêu dùng sẽ giảm  nguy cơ mất an toàn thực phẩm.

 

Mọi người dân, đặc biệt là người tiêu dùng cần chủ động, mạnh dạn hơn phát hiện và tố giác các nguồn thực phẩm bẩn. Song các cơ quan chức năng phải có sự khuyến khích, tạo điều kiện để người dân tham gia tố giác các hành vi vi phạm bằng cơ chế thưởng cho họ khi  tin báo có giá trị. Số tiền thưởng có thể trong khoảng từ 1-50 triệu đồng... Sau khi tiếp nhận thông tin tố giác và xử lý các trường hợp vi phạm, cơ quan chức năng sẽ trao thưởng tiền và giấy khen của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho người báo tin.

 

Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về vệ sinh an toàn thực phẩm cũng cần khuyến khích và biểu dương người tiêu dùng có thông tin tố giác thực phẩm bẩn.

 

Dù vậy, nêu cao trách nhiệm của chính quyền các cấp, đoàn thể chính trị-xã hội, của cộng đồng có ý nghĩa hết sức quan trọng. Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm nay có chủ đề “Tiếp tục tăng cường sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng rau, thịt an toàn”. Mục tiêu đề ra nhằm giải quyết căn bản bức xúc nổi cộm trong nhân dân về tình trạng sử dụng chất cấm trong chăn nuôi; giảm mức tồn dư thuốc bảo vệ thực vật trong rau, quả; tồn dư hóa chất, kháng sinh trong thịt lợn, thịt gà, thủy sản nuôi, tạo niềm tin cho người tiêu dùng thực phẩm nông sản, thủy sản; đồng thời, nâng cao nhận thức của các tổ chức, cá nhân trong việc sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng rau, thịt an toàn.

 

Có nghĩa là toàn xã hội tập trung giải quyết vấn đề an toàn thực phẩm một cách căn cơ, từ gốc: Bắt đầu từ thúc đẩy, mở rộng sản xuất nông sản an toàn, tạo dựng thị trường tiêu thụ sản phẩm an toàn đến xử lý nghiêm các vi phạm trong kinh doanh, sử dụng chất cấm trong chăn nuôi…

 

 Muốn vậy, việc phổ biến kiến thức, giáo dục pháp luật về an toàn thực phẩm, các văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội, Chính phủ và chính quyền các cấp về an toàn thực phẩm phải được hết sức coi trọng. Trong đó, chú ý các tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy định điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm và kiến thức khoa học về vệ sinh an toàn thực phẩm, tác hại của thực phẩm không an toàn.

 

Các cấp, các ngành giám sát, hướng dẫn mô hình sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn; mở rộng diện tích trồng rau an toàn, tăng các khu giết mổ gia súc, gia cầm tập trung đảm bảo an toàn thực phẩm.

 

Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về vệ sinh an toàn thực phẩm phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng công bố rộng rãi, công khai kết quả thanh tra, kiểm tra, tên các cơ sở cung cấp thực phẩm không an toàn và biểu dương các cơ sở thực hiện đúng về an toàn thực phẩm…

 

Khi cả xã hội hướng vào giám sát, phát hiện, xử lý sai phạm thì việc người tiêu dùng tố giác sai phạm an toàn thực phẩm mới trở thành hành động bình thường, hằng ngày.

 

HOÀNG HƯƠNG 

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ