A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Vai trò phụ nữ Thái đen trong gia đình qua chiếc khăn Piêu

 

Khăn Piêu vốn là một vật dụng quen thuộc đối với người Thái đen. Nó không chỉ được dùng để che gió lạnh và nắng nóng, làm vật trang trí cùng với bộ trang phục truyền thống mà còn chứa đựng tầng văn hóa tâm linh sâu sắc. Đối với phụ nữ Thái đen, ngoài tăng thêm nét duyên dáng, dịu dàng với việc quàng hay vấn khăn Piêu, khăn Piêu còn mang dấu ấn về lòng thủy chung, sự khéo léo, chăm chỉ và tài thu vén của họ trong gia đình.

 

 

Phụ nữ Thái xinh đẹp với khăn Piêu.

 

Khăn piêu dài khoảng 1,2 m, có nhiều loại, loại dùng cho phụ nữ được nhuộm chàm, thêu và trang trí hoa văn màu sắc đa dạng. Loại dùng cho nam giới đều viền chỉ màu nhưng có kiểu làm bằng vải bông trắng, có kiểu vải nhuộm chàm. Ngoài dùng khăn quàng cổ như nam giới hay còn gọi là cuốn piêu, quàng piêu, phụ nữ Thái đen còn dùng để đội đầu.Tùy từng nơi mà khăn piêu có cách trang trí hoa văn và cách làm khác nhau nhưng đều được thêu khăn bằng những sợi tơ đẹp nhất, nhiều màu sắc xanh, đỏ, tím, vàng.

 

Khăn piêu có tác dụng che đầu khi nắng gió mùa hè, làm ấm đầu khi mùa đông giá lạnh và là vật trang sức quan trọng của các cô gái Thái đen trong sinh hoạt hằng ngày, nhất là trong lúc đi chơi hay dự lễ hội, đặc biệt với các điệu múa xòe, không thể thiếu khăn piêu. Trong đời sống tình cảm của người Thái, họ còn nhờ chiếc khăn piêu nói hộ tình yêu của mình.

 

Trong các lễ hội, các chàng trai thường tìm cách tỏ tình với các cô gái thông qua việc cướp khăn piêu. Lúc xa nhau, các cô gái thường tặng chàng trai mình yêu mến chiếc khăn piêu đẹp nhất như lời hẹn ước thủy chung son sắt của mình. Chiếc piêu từ giây phút đó trở thành cầu nối tình yêu của họ. Khăn piêu còn dùng làm vật mang theo cho người chết và con cháu phải đội khăn piêu trong tang ma, khăn piêu đóng vai trò đưa đường chỉ lối cho linh hồn của người chết được siêu thoát lên thiên đàng. Khi đội khăn piêu, người Thái đen tin rằng có thần linh che chở.

 

Để làm ra một chiếc khăn piêu phải trải qua nhiều công đoạn, từ trồng bông, dệt vải, quay xa, kéo sợi, nhuộm chàm đến lựa kim chỉ, thêu thùa, tất cả đều được làm bằng tay. Trong đó, thêu là công đoạn đòi hỏi sự khéo léo, tinh tế của cô gái. Sau khi dệt và nhuộm chàm, cô gái Thái mới bắt đầu thêu những hoa văn sặc sỡ và bắt mắt. Khi thêu, cô gái phải biết nhìn vào mẫu piêu, biết nhận ra bố cục của đồ án hoa văn.

 

Thêu xong, phải đính cút vào piêu hay tết thành những bông hoa.  Riêng việc thêu này, phụ nữ Thái đen phải mất từ 2 - 4 tuần thêu liên tục. Vì là nhân tố tham gia đắc lực trong việc tạo ra của cải vật chất của gia đình, họ chỉ làm công việc này trong lúc nông nhàn, rảnh rỗi, cho nên xong một chiếc khăn phải qua hàng tháng trời.

 

Từ khi còn bé đến lúc trưởng thành, cô gái Thái được người mẹ dạy cho cách thêu thùa, may vá, dệt vải làm khăn. Việc học thêu khăn Piêu là một quá trình nhận thức và rèn luyện sự khéo léo của đôi bàn tay, sự kiên nhẫn, chăm chỉ để chuẩn bị bước vào đời của cô gái Thái đen. Đến năm 15, 16 tuổi, thì việc thêu thùa, may vá, dệt vải làm khăn đã thành thạo và các cô gái phải tự tay làm khăn piêu để chuẩn bị đi lấy chồng, đây là món quà không thiếu để cô dâu tặng gia đình nhà chồng khi về làm dâu.

 

Chiếc khăn piêu không chỉ thể hiện thế giới quan, nhân sinh quan, mà cả sự tài hoa, khéo léo và trình độ thẩm mỹ của phụ nữ Thái đen. Đây cũng chính là một tiêu chí để đánh giá tài năng, phẩm hạnh của người phụ nữ trong gia đình. Thông qua chiếc khăn piêu, phụ nữ Thái đen còn tự khẳng định vai trò là người nội trợ chính và tham gia đắc lực trong phát triển kinh tế gia đình, đảm bảo đời sống vật chất, tinh thần của gia đình, nuôi dạy con cái cùng với chồng.

 

Thu Loan

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ