A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Bâng khuâng nghề thêu truyền thống

 

QPTĐ-Dịp cuối tuần, tôi về quê theo bạn đến lớp học thêu ren. Quê bạn ở huyện Thường Tín, một vùng quê nổi tiếng với những nghề thủ công truyền thống, trong đó có nghề thêu. Quả thực, có đến đây, tận mắt chứng kiến những nghệ nhân, những người thợ với đôi bàn tay khéo léo, thoăn thoắt, tỉ mỉ trên từng đường kim mũi chỉ mới thấy hết giá trị của mỗi bức tranh thêu thủ công truyền thống. Mỗi tác phẩm đều mang đậm tính nhân văn thể hiện hồn quê, khơi dậy ở người xem tình yêu đối với non sông gấm vóc. Chính bởi sự tinh tế đó mà tranh thêu tay được người tiêu dùng khắp mọi miền đất nước và cả người nước ngoài yêu thích.

 

 

Nghề thêu tay truyền thống ở Quất Động, Thường Tín được giữ gìn và phát triển.

 

Theo các nghệ nhân ở làng Bình Lăng, xã Thắng Lợi thì tranh thêu tay truyền thống khác biệt hoàn toàn với dòng tranh thêu kiểu chữ thập, không dựa trên hướng dẫn hoặc ô màu in sẵn, nghệ nhân tạo nên tác phẩm từ sự cảm nhận hình ảnh và nhận định màu sắc. Người dân trong làng từ lâu đã xem nghề thêu không chỉ là nghề mưu sinh mà còn là môn nghệ thuật vô giá. Trải qua những biến thiên của thời gian, làng nghề thêu Bình Lăng vẫn tồn tại cho đến ngày nay. 

 

 

Nghệ nhân Nguyễn Thúy Đào (sinh năm 1976)-người đã có công giữ gìn và phát triển nghề thêu tay truyền thống cho biết, ngay từ nhỏ, chị đã yêu nghề thêu, yêu từng đường kim mũi chỉ tạo nên những bức tranh thêu. Năm 2008, chị  quyết định thành lập doanh nghiệp tư nhân Thêu tay truyền thống Nguyên Đào.

 

Để có một cơ sở phát triển như ngày hôm nay, chị Đào tâm niệm, ngay từ khi học nghề thêu, cha chị dạy rằng làm nghề phải hết sức cẩn trọng, tính toán thật kỹ, lấy uy tín làm đầu và không bao giờ được nản chí. Chị cố gắng để sản phẩm của mình có chỗ đứng trên thị trường, lấy được lòng tin của đối tác bằng chất lượng sản phẩm, mẫu mã đa dạng, phù hợp với thị hiếu. Và bây giờ các mặt hàng thêu tay của cơ sở Nguyên Đào đã vươn tới nhiều thị trường thế giới.


Ông Phùng Văn Hưng, người cao tuổi ở làng Quất Động kể, đầu những năm 90 ,làng có nhiều xưởng thợ, xưởng to quy tụ chừng 200 tới 500 tay kim. Khi bước sang nền kinh tế thị trường, có những thời điểm, làng nghề tưởng chừng bị mai một, nhưng dân làng Quất Động vẫn kiên trì giữ nghề. 


Chị Nguyễn Thị Khương, chủ một hãng thêu nhỏ trong thôn chia sẻ, lứa tuổi của các chị khi lên 8, lên 9 đều được ông bà, bố mẹ dạy cho cách thêu. Những người mới học thêu sẽ được dùng một tấm vải nhỏ, căng lên khung hình tròn và học thêu trên đó. Sau khi biết được cách thêu sẽ được học đến kỹ thuật “lát nền”, rồi học đến kỹ thuật “sửa” và hoàn thiện bức tranh thêu.


Các tác phẩm nổi bật của làng thêu là các bức tranh thêu phong cảnh như: Cây đa, bến nước, con thuyền, các danh lam thắng cảnh như chùa Một Cột, đền Ngọc Sơn, đình Hồng Thái, Cố đô Huế... Để có những bức tranh phong cảnh, người thợ thêu có khi phải mất hàng tháng, lựa chọn từng loại chỉ màu phù hợp, khéo léo trong từng mũi kim để tạo những mảng màu thể hiện không gian bức tranh. Những bức tranh chân dung được kết hợp bởi hàng triệu mũi kim với đủ loại chỉ thêu để tạo nét biểu cảm trên khuôn mặt. Từ khóe mắt, nụ cười, những nếp nhăn được đặc tả chi tiết sẽ toát lên được vẻ thần thái, tính cách, nét riêng của nhân vật trong tranh. 


Quất Động đã có nhiều nghệ nhân được cả nước biết tới như cụ Bùi Lê Kính đã từng thêu hoàng phục cho vua Bảo Đại và Hoàng hậu Nam Phương. Trong làng hiện có ông Thái Văn Bôn, người duy nhất trong làng thêu được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Nhân dân. Nghệ nhân Thái Văn Bôn nổi tiếng với các bức thêu chân dung về các nguyên thủ quốc gia. Trong đó bức chân dung vua Thái Lan được giới yêu thích nghệ thuật thêu quốc tế đánh giá rất cao.


Vui mừng với sức sống bền bỉ với những nghệ nhân giàu tâm huyết của làng thêu Bình Lăng, Quất Động, chợt bâng khuâng nhớ đến làng Nguyên Bì, làng thêu nổi tiếng xưa kia nhưng giờ đã gần như mất dạng. Ngay cả làng thêu Đào Xá vốn rất nổi tiếng trong quá khứ, giờ chỉ còn một vài người thêu hàng nhỏ lẻ.


Mong rằng, tới đây, khi được sự quan tâm của Nhà nước, giá trị và tầm quan trọng của nghề thêu truyền thống sẽ được nâng lên, đời sống của người làng nghề sẽ khấm khá hơn. Nghề thêu tay truyền thống được gìn giữ, phát triển và là nét văn hóa thẩm mĩ trong đời sống ngày càng văn minh, hiện đại.


DUY MINH

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ