A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

“Bà Tiên” giữa đời thường

 

QPTĐ-Một chiều Thu, tôi tìm gặp bà cụ có mái tóc trắng như sương-Lê Thu (tên thật là Đào Thị Đoan), năm nay 86 tuổi. Điều khiến tôi khâm phục ở bà không chỉ bởi quân dung, giọng nói và sự tài năng từng khiến cả Tiểu đội địch đầu hàng trong những ngày làm nhiệm vụ cách mạng, mà hơn cả, bà đã, đang sống rất có ích với cộng đồng. 15 năm nay, bà miệt mài vượt ngàn trùng cây số đường bộ, trèo đèo, lội suối tới các bản, làng còn khó khăn làm thiện nguyện cho người nghèo và nhiễm chất độc da cam... Mới đầu chỉ là những người trong dòng họ (với 200 ngàn đồng/suất), theo tính chất cá nhân nhưng đến thời điểm này, con số ấy đã lên tới 2.000 suất/năm (mỗi suất gần 1 triệu đồng) và bà đã có hẳn  một Chi hội do mình sáng lập. Có thể nói, tìm địa chỉ của bà không hề khó nhưng tìm được người như bà giữa Thủ đô là cực khó. Bà được nhiều người gọi bằng cái tên trìu mến-“Bà tiên”-của những người không may mắn.

 

 

Bà Lê Thu-“Bà tiên” của những người không may mắn.

 

Phải thú thực là từ lần đầu tiên tới gần đây nhất gặp lại bà Lê Thu (sinh năm 1932, nguyên quán dân tộc Tày, xã Hưng Đạo, huyện Hoà An, tỉnh Cao Bằng, hiện sống tại số 36A/52, Tô Ngọc Vân, quận Tây Hồ), Chi Hội trưởng Hội Tán trợ Chữ thập đỏ Thăng Long (Chi hội CTĐ Thăng Long), thuộc Hội Chữ Thập đỏ thành phố Hà Nội, tôi vẫn thực sự ngạc nhiên. Khác với hình ảnh cụ già mỏm mẻm nhai trầu, răng rụng, hoặc đeo khăn mỏ quạ xưa kia, bà Lê Thu trong mắt tôi tuy tuổi đã cao nhưng vẫn giữ một phong độ đáng ngạc nhiên, với hàm răng còn đều tăm tắp, mái tóc và khuôn mặt được cắt tỉa, trang điểm rất đẹp. Điều đặc biệt, bà vẫn kẻ lông mày, sơn móng tay và tô son đỏ, sở hữu lối nói chuyện rất cởi mở, cộng với trí nhớ minh mẫn khiến “đám” phóng viên trẻ chúng tôi thực sự ngưỡng mộ. Giải thích với tôi, bà bảo không phải tự nhiên người ta ví phụ nữ như bông hoa, điều đó có nghĩa, phụ nữ ngoài sự dịu dàng, có tâm hồn đẹp thì rất cần một hình thức đẹp. Chồng, con sẽ rất tự hào nếu nhìn thấy vợ, mẹ mình biết chăm sóc cho bản thân và luôn yêu đời, có như vậy mới có thể đem năng lượng tích cực ấy sẻ chia cho mọi người. Dù xấp xỉ tuổi 90 nhưng bà quan điểm: “Mình phải là tấm gương mẫu mực về lối sống, ứng xử và phong cách để con, cháu nhìn và noi theo”.

 

 

Bà Lê Thu (đứng ngoài cùng bên trái) nhận danh hiệu Người tốt, việc tốt thành phố Hà Nội năm 2018.


Sớm tham gia cách mạng


Vốn sinh ra trong gia đình giàu lòng yêu nước nên từ khi mới 12 tuổi, bà đã được Viên quan hai của Pháp (được Bác Hồ giác ngộ nên ông hoạt động ngầm rất tích cực cho ta; bạn thân của bố, đồng thời là bố nuôi của mình) giao làm nhiệm vụ liên lạc; hàng ngày mang tài liệu, thư từ, mực in…từ cơ sở về làng hoặc ngược lại, phục vụ các đồng chí cán bộ cách mạng. Những cán bộ lúc ấy phải tận sau này bà mới biết có đồng chí Võ Nguyên Giáp, Phạm Văn Đồng và Bác Hồ. Tuổi nhỏ, xinh xắn và lại là con nuôi Viên quan hai nên việc đi lại của bà rất thuận lợi, không hề bị quân lính xét hỏi trong khi làm liên lạc. 15 tuổi, bà bắt đầu tham gia Thiếu sinh quân, thuộc Trung đoàn Sông Lô-Lao Hà.

 

Nhiệm vụ của bà khi ấy là biểu diễn nghệ thuật, phục vụ văn hóa tinh thần cho bộ đội ở Việt Bắc, Tây Bắc và Đông Bắc. Hết tuổi Thiếu sinh quân, bà được tuyển về Nha Công an Trung ương (giờ là Bộ Công an). Tại đây, bà được phân công đánh máy cho đồng chí Lê Giản, Thủ trưởng đơn vị lúc bấy giờ và chính ông đã đổi tên cho bà là Lê Thu. Cái tên đó theo sát hàng loạt nhiệm vụ trinh sát của bà, điển hình, bà phải làm giả căn cước và “vào vai” người đi buôn chuyến từ Cao Bằng về Hà Nội, hoàn thành nhiều nhiệm vụ cam go; hay trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, là thành viên nằm vùng tại Sân bay Bạch Mai nắm thông tin địch-dưới danh nghĩa Thư ký Chủ thầu Sân bay và phụ trách quán bar tại đây…

 

 

Bà Lê Thu giao lưu tại Hội nghị gặp mặt, biểu dương điển hình tiên tiến, người tốt-việc tốt

trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

 

Năm 1955, bà được biệt phái sang Đài Tiếng nói Việt Nam. Với giọng nói truyền cảm, đi vào lòng người, người con gái Tày được phân công làm Phát thanh viên chương trình Binh vận, thường xuyên kêu gọi binh lính nguỵ phản chiến. Điển hình năm 1960, bà trong vai trò là phát thanh viên cùng cán bộ, nhân viên của Đài bằng lời nói, điệu múa, câu hát đã kêu gọi được một Tiểu đội ngụy tại sông Bến Hải đầu hàng. Ngoài vai trò trên, bà Lê Thu còn hát rất nhiều ca khúc và được thu trên sóng phát thanh như: Cô giáo Tày cầm đàn lên đỉnh núi, Tình ca Tây Bắc…

 

Cũng trong thời gian công tác tại đây, rất nhiều lần, bà được gặp Bác Hồ, khi Chính phủ yêu cầu vào làm nhiệm vụ giao tế với các đoàn khách nước ngoài thăm và làm việc tại Việt Nam. Nhiệm vụ của bà là biểu diễn nghệ thuật và kể chuyện cho Bác nghe. Người được lựa chọn làm những công việc này, ngoài hình thức, khả năng nghệ thuật còn phải có lý lịch chính trị rất cơ bản. Bà xúc động: “Lần đầu gặp Bác, biết tôi là người Tày, Bác chủ động nói tiếng Tày, khi thấy tôi nói trôi chảy, Bác rất vui. Bình thường gặp Bác, trước khi nghe chúng tôi kể chuyện, bao giờ Bác cũng hỏi thăm về gia đình, chồng con, song lần đó, Bác chủ động nói về việc tiết kiệm và hũ gạo kháng chiến. Bác bảo, hàng ngày các cháu nấu một bò gạo, chỉ cần bớt lại một nắm, đi chợ tiêu 5-7 đồng thì bớt ra một đồng, cuối năm đã có một khoản tiền tương đối, khi mở số tiền đó, mặc dù vẫn của mình nhưng bản thân rất vui và giải quyết được nhiều việc, thậm chí giúp được nhiều người khác.

 

Câu chuyện đó tác động rất lớn, kể từ đó, tôi và gia đình đã làm theo”. Sau này, bà được bổ nhiệm là Phó Đoàn ca nhạc Đài Tiếng nói Việt Nam, trong mỗi lần đưa cán bộ, nhân viên đi biểu diễn, bà vận động anh em không lấy tiền thù lao, đồng thời, đề nghị với lãnh đạo địa phương cuối năm hãy hỗ trợ Đoàn bằng các thiết phẩm như: Gạo, lợn, gà… Cộng lại mỗi nơi một thứ, anh em đã có một cái tết đầy đủ. Năm 1995, bà nghỉ hưu. Ghi nhận những đóng góp của bà, năm 2012, Chủ tịch nước xét tặng Danh hiệu Nghệ sỹ ưu tú.

 

Cơ duyên gắn bó với công việc từ thiện


Nếu ai đã xem truyền hình hẳn không còn lạ lẫm với chương trình “Chiếc lá yêu thương”, được phát sóng hàng ngày trên Đài truyền hình Việt  Nam. Chương trình được sự ủng hộ của nhiều khán giả. Song điều đáng nói là mô hình như thế được là Lê Thu bắt tay từ 15 năm nay, từ 2003. Công việc từ thiện gắn với bà-có lẽ sâu xa từ những câu chuyện của Bác Hồ, cộng với sự trắc ẩn mỗi lần về thăm quê-thấy những em nhỏ thấm lạnh trong cái rét và sự thiếu thốn, bà đã bắt tay với “công việc” của mình.

 

Mới đầu bà làm thiện nguyện cho người thân, khi thấy việc làm đó có ý nghĩa, mọi người tin tưởng, cũng muốn góp một phần nhỏ bé làm việc thiện, người nọ nối tiếp người kia, công việc ấy cứ mở rộng, mở rộng mãi và giờ đã vươn ra phạm vi toàn quốc. Điều đặc biệt, ban đầu chỉ 1 mình nhưng giờ Hội do bà làm Chi hội trưởng đã có tới 30 thành viên (gồm doanh nhân, cựu chiến binh, lãnh đạo các doanh nghiệp, một số cán bộ nghỉ hưu của ngành Công an). Tại sao lại như vậy, vì năm 2009, khi thấy việc làm của bà có sức lan toả nên Hội CTĐ Thành phố động viên bà đã sáng lập ra Chi hội trực thuộc và hoạt động từ đó tới nay.


Những ngày đầu, Hội vận động kinh phí từ nhiều nguồn khác nhau; hỗ trợ thường xuyên cho 30 gia đình khó khăn, mỗi tháng 200 ngàn đồng (riêng gia đình bà đảm nhiệm 5 suất); tặng quà các đối tượng trong các dịp “Tết vì người nghèo”, “Ngày Thương binh-Liệt sỹ”…Nhưng tới bây giờ, con số ấy đã lên tới 2.000 suất/năm (mỗi suất gần 1 triệu đồng). Không một nơi nào, nhất là các tỉnh phía Bắc như: Cao Bằng, Bắc Kạn, Hòa Bình, Thái Nguyên, Lào Cai, Yên Bái, Tuyên Quang, các huyện nghèo của Hà Nội…, không có dấu chân của bà. Bà bảo: “Mỗi đợt, chỉ tiêu của Hội từng này nhưng có khi tôi đăng ký gấp nhiều lần, có lần tận 500 suất quà Tết. Nhiều người trong Hội lo lắng bảo: “Bà ơi, đăng ký nhiều như vậy liệu có làm được không? Thế nhưng như một sự may mắn nào đó, bao giờ tôi cũng hoàn thành, thậm chí còn vượt cả số đăng ký. Quá trình làm thiện nguyện, chúng tôi được sự hỗ trợ của rất nhiều tổ chức như Cục Hậu cần, Bộ Công an, Thủ trưởng Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội”. 


Đối tượng Hội của bà hướng tới là những nạn nhân chất độc da cam, gia đình có công với cách mạng, thương binh, gia đình liệt sĩ, cựu chiến binh có hoàn cảnh khó khăn ở mọi miền Tổ quốc, trong đó, bà ưu tiên quê hương của chính những nhà tài trợ. Để công việc thiện nguyện đúng người, đúng hoàn cảnh, trên cơ sở thông tin từ địa phương, bà và đại diện trong Hội trực tiếp đến các miền quê khảo sát và không phải gặp đối tượng ở hội nghị mà trực tiếp tại nhà. Phương châm vận động của bà chủ yếu thông qua các buổi họp mặt, sinh hoạt khu phố, họp hội Thiếu sinh quân…


Phải trực tiếp đi các tỉnh xa đối với mọi người đã là sự vất vả trong khi đó bà Lê Thu đã 86 tuổi vẫn trực tiếp mọi miền Tổ quốc để “tìm” và trao quà tận tay cho người nghèo, nạn nhân chất độc da cam... Nghe nói thì đơn giản nhưng ở tuổi “xưa nay hiếm” và phải làm việc như vậy không phải dễ, song bà bảo: “Càng đi càng thấy mình khỏe ra. Mỗi lần tìm đến các nạn nhân chất độc da cam, tôi lại nghĩ đến đồng đội. Biết bao đồng chí đã hy sinh xương máu để tôi và mọi người có cuộc sống hôm nay. Thế hệ như chúng tôi hiện không còn nhiều. Điều đó khiến chúng tôi càng quyết tâm chung tay làm những việc có ích. Tôi chỉ tiếc, tuổi cao nên phần nào hạn chế hơn trước. Hơn nữa, thông qua việc làm, tôi muốn là tấm gương để con cháu nhìn vào, có lối sống chan hoà, biết yêu thương mọi người. Việc làm của chúng tôi giống như “con kiến tha mồi”, không lan toả như các chương trình trên truyền hình nhưng nó bền bỉ”.


Thay lời muốn nói, đồng chí Bí thư huyện Hòa An, tỉnh Cao Bằng trong ngày khánh thành cây cầu dân sinh, tại xã Quang Trung (do Hội của bà làm thiện nguyện, với số tiền trên 150 triệu đồng) đã nói: “Nhiều năm nay, người dân và các em nhỏ Trường Tiểu học Phan Thanh rất khổ cực trong việc đi lại, chúng tôi nhiều lần kiến nghị lên trên song vẫn chưa được giải quyết nhưng hôm nay, một bà cụ tóc bạc như sương, ở một nơi rất xa đã biến mong ước đó thành hiện thực. Không gì có thể xúc động hơn”. Hay lời của Chị Nguyễn Thị Thu, Phó Chủ tịch Hội CTĐ thành phố Cao Bằng trong cuộc nói chuyện điện thoại với bà khi tôi đang có mặt tại đó, bàn về kế hoạch tặng quà, trị giá 500 triệu đồng của Hội cho các đối tượng (nhân dịp “Tết vì người nghèo” tới đây), tại 3 tỉnh Thái Nguyên, Bắc Kạn, Cao Bằng, chị nói: “Con cứ nghĩ đến hình ảnh bà, tuổi rất cao, tóc bạc trắng vẫn trèo đèo, lội suối mang quà đến cho mọi người lại hình dung đến hình ảnh của “bà tiên”, con cảm động lắm. Nếu con là nhà báo, có lẽ sẽ có những lời bình sâu hơn nữa khi làm bộ phim về bà”.


Với những việc làm như vậy nên thật dễ hiểu khi chiêm ngưỡng căn phòng nhỏ của bà, tôi bắt gặp rất nhiều hình ảnh lãnh đạo Đảng, Nhà nước chụp ảnh lưu niệm cùng bà; hay những danh hiệu cao quý như: Bằng “Có công với nước” năm 2005; Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ vì có thành tích trong công tác từ năm 2011-2015, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội, bảo vệ Tổ quốc, năm 2016; “Người tốt, việc tốt” năm 2018, do Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội trao tặng; Danh hiệu “Phụ nữ Thủ đô tiêu biểu” tháng 10/2018.


Trần Hiền

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ