A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Người phụ nữ Bru-Vân Kiều tiên phong xóa bỏ luật tục lạc hậu

 

QPTĐ-Bà con Bru-Vân Kiều, xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình đến nay không còn ai phải tuân theo hủ tục “nối dây” và nhiều hủ tục khác nữa. Chị Hồ Thị Con chính là người tiên phong trong xã dũng cảm phá bỏ luật tục lạc hậu của dân tộc mình. Không những vậy, chị là tấm gương ở địa phương trong phát triển kinh tế gia đình, nuôi dạy con ngoan.

 

 

Từ luật tục khắc nghiệt


Tục “nối dây” chính là kiểu hôn nhân anh, em chồng và chị, em vợ. Theo đó, khi người chồng/vợ qua đời, người chồng/vợ muốn tái hôn buộc phải lấy một người con gái/con trai trong gia đình vợ/chồng, có thể là em gái vợ/em trai chồng, có thể còn rất nhỏ tuổi hay đã già. Nếu không, người chồng/vợ góa đó phải về lại nhà mẹ đẻ với hai bàn tay trắng và không được phép mang con cái theo. Đây là luật tục rất phổ biến trước đây ở dân tộc Bru-Vân Kiều nói riêng, các dân tộc thiểu số ở miền Trung, Tây Nguyên nói chung. Sự tồn tại của luật tục này với mong muốn của cải và sức lao động luôn tập trung trong một gia đình, dòng họ. Tuy nhiên, mong muốn này đã chà đạp lên quyền tự do, sự tự nguyện và hôn nhân hạnh phúc.


Năm 2001, chồng chị không may qua đời vì bệnh, khi chị 43 tuổi. Một năm sau, theo phong tục của dân tộc Bru-Vân Kiều, gia đình bên chồng đánh tiếng đưa chị về làm vợ hai của anh Hồ Văn Thục, em ruột của chồng, kém chị 14 tuổi. Người đầu tiên bên nhà chồng sang đánh tiếng với chị lại chính là em gái chị-Hồ Thị Nòn (vợ của Thục). Song chị Hồ Thị Con tìm cách “hoãn binh”. Chị nói với Nòn: “Em ạ, nói với bố bên nhà là cho chị mãn tang anh, rồi tính...”.


2 năm để tang chồng trôi qua, đích thân Hồ Văn Thục qua xin đưa chị dâu về làm vợ. Chị Hồ Thị Con nói cứng với với Thục: “Khi chị về làm vợ anh chú, thì chú không khác chi đứa em út, chị chăm bẵm chú như nuôi cháu em... Nay anh mất mà chị về ở với chú thì chị không chịu”.  Sức ép đối với chị không phải là thần linh, là ma núi mà chính là dân bản. Có người nói với chị: “Mày đã không theo tục của bản, mai này vì mày mà con ma núi sẽ về bắt cả bản phải chịu nhiều cái bệnh tật, không làm tốt được cái rẫy, cái ruộng...”. Có người còn đe nẹt, nếu có chuyện gì xảy ra với bản sẽ phạt chị nhiều con trâu, con bò để cúng con ma núi... Hết bố chồng lại đến Thục sang thúc giục chị về làm vợ Thục.


Tiên phong bất tuân luật tục lạc hậu


Năm 2002, khi còn trốn “nối dây”, chị đang đảm nhận chức vụ Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã Trường Sơn, chị được cán bộ xã động viên không nên theo tục lệ cũ. Trì hoãn mãi,  cuối cùng, chị Hồ Thị Con nói thẳng với bố chồng: “Con xin ra khỏi họ để ở vậy nuôi con, thờ chồng”. Chuyện đó lan đi trong bản như một tin dữ.


Chị mạnh dạn nhận đất trồng rừng, chăn nuôi trâu, bò, lợn, gà, trồng cây ăn quả. Nhờ chăm chỉ và chịu khó học hỏi, đời sống của gia đình chị từng bước được nâng cao. Hiện nay, gia đình chị có đàn trâu 10 con, 2 ha rừng, một vườn cây ăn quả 0,5 ha. Các con của chị đều học hành tốt, hiếu thảo, gắn bó với gia đình bên nội.


Từ chính cuộc sống bản thân, chị tích cực đến từng bản, từng nhà trao đổi kinh nghiệm, tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện nếp sống mới, loại bỏ những tập tục lạc hậu, phát triển kinh tế gia đình. Bà con tin tưởng với việc làm và tiếng nói của chị. Năm 2004, chị được  tín nhiệm bầu vào HĐND xã và sau đó là HĐND huyện. Chị vinh dự được cử tham gia Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số toàn quốc (năm 2010 và 2013), đại diện cho tiếng nói, tâm tư, nguyên vọng của người Bru-Vân Kiều Quảng Bình .


Thu Loan

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ