A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Lực lượng vũ trang Thủ đô đóng góp xứng đáng trong Đại thắng mùa Xuân năm 1975

 

QPTĐ-Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 với đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử đã đưa non song gấm vóc, đất nước liền một dải. Thắng lợi đó có sự đóng góp to lớn của quân dân miền Bắc nói chung, Thủ đô Hà Nội nói riêng khi trở thành hậu phương lớn, đóng góp sức người, sức của vì miền Nam ruột thịt. Trong đó, Lực lượng vũ trang (LLVT) Thủ đô đã có những đóng góp xứng đáng cho ngày toàn thắng 30-4-1975. 

 

 

Thanh niên khu Đống Đa, Hà Nội hăng hái lên đường vào Nam chiến đấu.   

Ảnh: Tư liệu

 

Sau Chiến thắng “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không” tháng 12 năm 1972, buộc đế quốc Mỹ ký Hiệp định Pa-ri về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam, thực hiện lời căn dặn của Bác “đánh cho Mỹ cút”, quân dân Thủ đô Hà Nội cùng với cả nước bước vào một giai đoạn mới của cách mạng, giai đoạn “đánh cho Ngụy nhào”, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

 

Nòng cốt xây dựng hậu phương vững chắc


Thực hiện chủ trương của Thành ủy Hà Nội về việc đẩy mạnh sản xuất, khôi phục kinh tế, đưa sản xuất và đời sống Thủ đô sớm trở lại bình thường, giữ vững trật tự trị an, thực hiện tốt chính sách hậu phương quân đội, chi viện ngày càng nhiều cho chiến trường, Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội cùng với các cấp, các ngành tiến hành chấn chỉnh, củng cố lực lượng phù hợp với tình hình mới. Các cơ quan quân sự khu, huyện quản lý chặt chẽ lực lượng dân quân, tự vệ, duy trì chế độ luyện tập, diễn tập quân sự theo quy định nhằm nâng cao chất lượng toàn diện, phát huy vai trò nòng cốt trong sản xuất, bảo vệ trật tự trị an xã hội, phòng chống lụt bão và động viên tuyển quân.


Nhiệm vụ quan trọng hàng đầu lúc này là khẩn trương thu dọn, tháo gỡ bom, đạn chưa nổ để khôi phục các hoạt động sản xuất, bảo đảm an toàn cho nhân dân. Dưới sự hướng dẫn tỉ mỉ của cán bộ công binh Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội, các tổ đội công binh của dân quân, tự vệ kiểm tra kỹ số lượng, vị trí bom đạn chưa nổ rồi thực hiện kế hoạch rà phá. Bộ Tư lệnh cử cán bộ công binh xuống phụ trách kỹ thuật và tham gia xử lý bom đạn ở những nơi trọng điểm, những nơi dân quân, tự vệ chưa tự xử lý được. Các khu vực: Ga Hàng Cỏ, cầu Long Biên, Bệnh viện Bạch Mai, xã Mễ Trì…, nhiều bom đạn chưa nổ được xử lý. Chiếc máy bay B-52 bị bắn rơi tại Ngọc Hà, Bách Thảo còn 46 quả bom chưa nổ được tháo gỡ và xử lý an toàn.


Việc khôi phục lại hệ thống giao thông sau chiến tranh là nhiệm vụ nặng nề và yêu cầu khẩn trương nhằm khôi phục sản xuất và chi viện chiến trường. Tại khu vực Hà Nội, Hội đồng Chính phủ quyết định huy động toàn bộ lực lượng chuyên môn về giao thông vận tải, trong đó có lực lượng công binh và lực lượng dân quân, tự vệ cùng tham gia thực hiện. Chính phủ yêu cầu làm xong việc sửa chữa lớn cầu Long Biên, cầu Đuống, cầu pháo, bến phà trong 2 tháng. Sau 41 ngày đêm lao động khẩn trương của cán bộ, công nhân kỹ thuật, trong đó lực lượng tự vệ là xung kích, cầu Long Biên đã được sửa chữa xong. Trên tuyến đường sắt, cả 7 nhà ga, 13km đường được khôi phục. Trên các tuyến đường bộ, hàng trăm hố bom được san lấp, nhiều bom, đạn chưa nổ được xử lý. Các tuyến đường quan trọng như đường số 1, đường số 5 sửa chữa xong vào giữa tháng 3-1973, đúng thời gian quy định.


Để nhanh chóng khôi phục kinh tế, phát triển sản xuất, ngành công nghiệp và thủ công nghiệp tổ chức vận chuyển máy móc, thiết bị, vật tư từ các nơi sơ tán trước đây về Thành phố. Trong nhiệm vụ này, lực lượng dân quân tự vệ đảm nhiệm những công việc nặng nề, khó khăn nhất. Tự vệ và Đoàn Thanh niên Nhà máy Dệt 8-3 khôi phục 7 công trình với gần 2.000 ngày công lao động; Nhà máy Điện Yên Phụ khôi phục 2 lò hơi; tự vệ Nhà máy Cơ khí Hà Nội đóng góp hơn 1.000 ngày công vận chuyển 350 tấn máy móc, thiết bị từ nơi sơ tán trở về lắp đặt an toàn; tự vệ Nhà máy Cơ khí Quang Trung trong 3 ngày lắp đặt xong 100 tấn thiết bị, sau đó bắt tay ngay vào sản xuất… Ở khu vực ngoại thành, lực lượng dân quân tập trung san lấp hơn 11.600 hố bom với khối lượng đào đắp 249.000m3, giải phóng đồng ruộng, bước vào sản xuất.


Cùng với đó, Bộ Tư lệnh Thủ đô cùng Công an Thành phố thống nhất kế hoạch, phối hợp hành động và tổ chức chỉ huy 4 lực lượng: Quân đội, Công an, dân quân tự vệ, thanh niên cờ đỏ tuần tra, kiểm soát, bảo vệ trật tự an ninh tại các địa bàn trọng điểm. Lực lượng Kiểm soát quân sự tăng cường chấn chỉnh quân nhân sai tác phong, xử lý quân nhân đào, bỏ ngũ về địa phương…

 

Dốc sức vì miền Nam ruột thịt


Đáp ứng yêu cầu của chiến trường, Thủ đô Hà Nội góp sức cùng hậu phương lớn miền Bắc tích cực chi viện sức người, sức của cho miền Nam ruột thịt, năm 1973, Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội đã tổ chức 3 đợt động viên tuyển quân với  4.563 thanh niên nhập ngũ; trên 4.000 chiến sĩ mới được biên chế thành 7 tiểu đoàn (72, 74, 76, 78, 80, 82, 84) thuộc Trung đoàn 59, làm nhiệm vụ xây dựng quân tăng cường chi viện chiến trường. Các tiểu đoàn 66, 68, 70 được xây dựng từ năm 1972 được lệnh lên đường vào Nam chiến đấu. Tháng 4 năm 1974, Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố Hà Nội ra nghị quyết nhấn mạnh, phải đáp ứng mọi yêu cầu chi viện chiến trường, góp phần đưa sự nghiệp giải phóng miền Nam đến toàn thắng. Mặc dù có nhiều khó khăn mới nẩy sinh, số lượng tuyển quân lớn mà số thanh niên trong độ tuổi có hạn vì đã qua tuyển chọn nhiều lần…

 

Trước tình hình đó, Thành ủy, Ủy ban và Hội đồng Nghĩa vụ quân sự Thành phố tập trung lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ. Bộ Tư lệnh Thủ đô quản lý tốt thanh niên trong độ tuổi; các đoàn thể Thanh niên, Phụ nữ làm tốt công tác động viên, Hà Nội đã hoàn thành nhiệm vụ tuyển quân với 4.059 người, vượt yêu cầu đề ra. Cũng trong năm, các tiểu đoàn quân tăng cường của Hà Nội lần lượt lên đường bổ sung cho các chiến trường, trong đó, Tiểu đoàn 84, tiểu đoàn quân tăng cường cuối cùng của Hà Nội chủ yếu là cán bộ, công nhân kỹ thuật lên đường bổ sung cho Bộ Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn.


Không chỉ chi viện sức người, Hà Nội còn tích cực chi viện các loại hàng kinh tế, quân sự khác. Ngay những năm còn chiến tranh phá hoại ác liệt, Hà Nội đã hình thành hệ thống các nhà máy, xí nghiệp chuyên phục vụ quốc phòng. Nhà máy Cơ khí Trần Hưng Đạo chuyên sản xuất phụ tùng xe “Gát”-loại xe dùng phổ biến trên tuyến vận tải chiến lược Trường Sơn và Quân chủng Phòng không-Không quân; Nhà máy ô tô Hòa Bình nhận bảo dưỡng đột xuất nhiều xe của Quân đội; các ngành dệt, da, may, nhuộm cũng tập trung phần lớn kế hoạch phục vụ bộ đội.... Với khẩu hiệu “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, các huyện ngoại thành luôn đáp ứng mọi yêu cầu của tiền tuyến lớn. Mỗi năm, hàng ngàn tấn thóc nghĩa vụ được nộp kho Nhà nước. Năm 1973, chỉ trong vòng 10 ngày, 4 huyện ngoại thành đã nộp 935 tấn thóc. Huyện Gia Lâm trong Ngày hội giao lương đã nộp xong 439 tấn thóc.


Cao điểm chuẩn bị cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, Hội đồng chi viện quốc gia được thành lập do Thủ tướng Phạm Văn Đồng làm Chủ tịch, Hà Nội cùng với miền Bắc dồn sức đáp ứng kịp thời mọi nhu cầu nhân tài, vật lực cho tiền tuyến lớn miền Nam. Đầu năm 1975, Hà Nội bước vào đợt tuyển quân đột xuất chi viện gấp rút cho công cuộc giải phóng miền Nam. Với chỉ tiêu tuyển gấp 7.000 tân binh, cả Thủ đô sôi nổi tiến hành đợt sinh hoạt chính trị lớn, cử người tham gia chiến đấu giải phóng miền Nam. Phát huy truyền thống “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”, hàng vạn thanh niên trong độ tuổi nghĩa vụ quân sự hăng hái đi khám sức khỏe. Bộ Tư lệnh Thủ đô cùng các khu, huyện đội khẩn trương xét tuyển, làm các thủ tục, đảm bảo chất lượng thanh niên nhập ngũ. Kết quả, 8.212 người trúng tuyển, trong đó có trên 1.300 cán bộ chuyên môn kỹ thuật các ngành kinh tế quốc dân, 170 y sĩ, bác sĩ, trên 5.500 chiến sĩ lên đường tham gia giải phóng miền Nam. 


Trên chiến trường, cuộc tiến quân thần tốc của quân ta không ngừng phát triển. Ngày 25-3-1975, quân ta giải phóng Huế và toàn bộ tỉnh Thừa Thiên; chiều ngày  29-3-1975, giải phóng thành phố Đà Nẵng. Ngày 26-4-1975, các quân đoàn cơ động chủ lực và tương đương của ta nổ súng mở màn Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. 11 giờ 30 phút ngày 30-4-1975, cờ cách mạng tung bay trên nóc “Dinh Đôc Lập”, Chiến dịch Hồ Chí Minh kết thúc thắng lợi. Trong chiến thắng lịch sử đó, LLVT Thủ đô Hà Nội đã có những đóng góp to lớn, xứng danh truyền thống “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”.

 

Phương Linh

* Trong 10 năm từ 1965-1975, Bộ Tư lệnh Thủ đô đã tổ chức 29 đợt động viên tuyển quân, với hơn 89.000 thanh niên lên đường chiến đấu; trực tiếp huấn luyện và đưa 42 tiểu đoàn quân tăng cường cho chiến trường miền Nam. Nhiều đơn vị, nhiều cán bộ chiến sĩ đã lập công xuất sắc, trong đó, 14 đồng chí được tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân, 1.781 người được tặng danh hiệu Dũng sĩ, được tặng thưởng 14.846 huân chương các loại. Hơn 7.000 người con của Hà Nội đã anh dũng hy sinh trên các chiến trường. 

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ