A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Chuyển đổi số của Việt Nam: Cần kết quả thực chất và bền vững

QPTĐ- Chuyển đổi số là xu thế tất yếu không chỉ ở riêng Việt Nam mà trên toàn thế giới. Chuyển đổi số với ba trụ cột chính là chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, có tác động đến mọi cơ quan, đơn vị và địa phương. Chuyển đổi số đòi hỏi tư duy đột phá với tầm nhìn chiến lược, có giải pháp, cách làm phù hợp nhưng phải bám sát thực tiễn để xây dựng chương trình, kế hoạch có trọng tâm, trọng điểm.

Việt Nam ưu tiên nguồn lực chuyển đổi số đạt kết quả thực chất và bền vững.

Ảnh: Internet

Năm 2023 là năm thứ tư của chuyển đổi số ở Việt Nam. Sau khi đã có nền tảng số, đưa hoạt động lên môi trường số thì dữ liệu là quan trọng. Vì vậy, năm 2023 là năm dữ liệu số quốc gia. Đó là bảo vệ dữ liệu cá nhân; công bố và xây dựng các cơ sở dữ liệu cấp bộ, ngành và địa phương; mở dữ liệu để kết nối, chia sẻ; an toàn dữ liệu; xây dựng các trung tâm dữ liệu lớn quốc gia; xử lý dữ liệu số để tạo ra giá trị mới cho nền kinh tế. Năm 2023 cũng là năm thực hiện có kết quả thiết thực các chiến lược quốc gia, đó là: Chiến lược Chính phủ số, Chiến lược Kinh tế số và xã hội số, Chiến lược An toàn, an ninh mạng, Chiến lược Dữ liệu số, Chiến lược Hạ tầng số, Chiến lược Công nghiệp công nghệ số.

Ngày 4/4/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Kế hoạch hoạt động của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số năm 2023. Kế hoạch đã đặt ra mục tiêu chỉ đạo, điều phối các bộ, ngành, địa phương tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số theo hướng mang lại kết quả thực chất, bền vững, ưu tiên nguồn lực để đạt được các chỉ tiêu quan trọng thuộc các chương trình, chiến lược quốc gia về phát triển chính phủ số, kinh tế số và xã hội số.

Nhận định về quá trình chuyển đổi số quốc gia trong bốn năm qua, có thể nói: Năm 2020 là năm khởi động nhận thức về chuyển đổi số, năm 2021 là năm bắt đầu triển khai, trải nghiệm về chuyển đổi số trong bối cảnh đại dịch Covid-19 và năm 2022 là năm đẩy mạnh chuyển đổi số theo hướng lấy người dân làm trung tâm, toàn dân và toàn diện.

Năm 2023 là năm dữ liệu số quốc gia, phấn đấu 100% bộ, ngành, địa phương ban hành danh mục cơ sở dữ liệu thuộc phạm vi quản lý và kế hoạch, lộ trình cụ thể để xây dựng, triển khai các cơ sở dữ liệu trong danh mục; cung cấp dịch vụ chia sẻ dữ liệu trên nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu; triển khai chức năng kho dữ liệu điện tử của tổ chức, cá nhân trên hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp bộ, cấp tỉnh để người dân, doanh nghiệp chỉ phải cung cấp thông tin một lần cho cơ quan nhà nước khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến. Trên 30% bộ, ngành, địa phương triển khai nền tảng phân tích, xử lý dữ liệu tổng hợp cấp bộ, cấp tỉnh, có ứng dụng trí tuệ nhân tạo để tối ưu hóa hoạt động.

Một trong những mục tiêu quan trọng của chuyển đổi số là để người dân, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công, tiện ích xã hội thuận tiện hơn, nhanh hơn, hiệu quả hơn trước đây. Do đó, nếu dịch vụ công trực tuyến thì nhiều, nhưng người dân sử dụng ít, hiệu quả không cao; các nền tảng thì nhiều, cơ sở dữ liệu thì lớn nhưng tính đồng bộ, liên thông lại thấp thì có thể khẳng định rằng chuyển đổi số không thành công. 

Năm 2023, xây dựng chính phủ số với 100% bộ, ngành, địa phương triển khai các hoạt động nâng cao chất lượng và hiệu quả cung cấp dịch vụ công trực tuyến; hoàn thành triển khai hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp bộ, cấp tỉnh trên cơ sở hợp nhất cổng dịch vụ công và hệ thống một cửa điện tử. 30% thanh toán trực tuyến trên cổng Dịch vụ công quốc gia trên tổng số giao dịch thanh toán của dịch vụ công; 60% thủ tục hành chính có yêu cầu nghĩa vụ tài chính được thanh toán trực tuyến trên cổng Dịch vụ công quốc gia. 100% kết quả giải quyết thủ tục hành chính được số hóa; 50% hồ sơ thủ tục hành chính được người dân, doanh nghiệp thực hiện trực tuyến từ xa.

Xây dựng nền kinh tế số năm 2023 sẽ phấn đấu tỷ trọng giá trị tăng thêm của kinh tế số trong GDP trên 16%. Tỷ trọng thương mại điện tử trong tổng mức bán lẻ trên 8,5%. 100% bộ, ngành, địa phương ban hành và tổ chức triển khai kế hoạch phát triển kinh tế số và xã hội số thuộc phạm vi quản lý; triển khai các hoạt động thúc đẩy chuyển đổi số, thanh toán không dùng tiền mặt trong các cơ sở giáo dục, y tế thuộc phạm vi quản lý. Trên 90% doanh nghiệp nhỏ và vừa được tiếp cận dùng thử các nền tảng chuyển đổi số, trên 30% doanh nghiệp nhỏ và vừa thường xuyên sử dụng các nền tảng chuyển đổi số. Phát triển kinh tế số sẽ sử dụng công nghệ số và dữ liệu để tạo ra những mô hình kinh doanh mới. Sử dụng kinh tế số sẽ góp phần tăng năng suất lao động. Trong nền kinh tế số, các doanh nghiệp sẽ đổi mới quy trình sản xuất, kinh doanh sang mô hình theo hệ sinh thái, liên kết từ khâu sản xuất, thương mại đến sử dụng.

Xây dựng xã hội số năm 2023 đặt mục tiêu tỷ lệ thuê bao điện thoại di động sử dụng điện thoại thông minh trên 80%. Tỷ lệ hộ gia đình có đường internet cáp quang băng rộng trên 85%. Tỷ lệ dân số trưởng thành có tài khoản định danh điện tử trên 30%. Tỷ lệ dân số từ 15 tuổi trở lên có tài khoản giao dịch thanh toán tại ngân hàng hoặc tổ chức được phép khác trên 75%. Tỷ lệ dân số trưởng thành sử dụng nền tảng hỗ trợ tư vấn khám chữa bệnh từ xa trên 30%. Tỷ lệ dân số có hồ sơ sức khỏe điện tử trên 80%.

Tỷ lệ hệ thống thông tin của cơ quan nhà nước hoàn thành phê duyệt cấp độ an toàn hệ thống thông tin trên 80%. Tỷ lệ hệ thống thông tin của cơ quan nhà nước đáp ứng yêu cầu bảo đảm an toàn hệ thống thông tin theo cấp độ trên 30%. Tỷ lệ hộ gia đình có đường internet cáp quang băng rộng có sử dụng giải pháp an toàn thông tin mạng cơ bản đạt trên 10%.

Việt Nam hiện đang sở hữu lợi thế về nguồn lực con người và sự quyết tâm của Đảng và Chính phủ. Bởi vậy sẽ tạo ra làn sóng, động lực quốc gia về phát triển chính phủ số, kinh tế số và xã hội số. Đây là hướng đi đúng đắn nhằm xây dựng đất nước Việt Nam giàu mạnh và hùng cường.

Song Hà

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ