A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Vì sao Tổng thống Mỹ không dự Diễn đàn Paris về hòa bình?

 

QPTĐ-Nước Pháp vừa có chuỗi sự kiện trong dịp kỷ niệm 100 năm Ngày ký Hòa ước chấm dứt Thế chiến I (11/11/1918-11/11/2018); đồng thời, đón 72 nguyên thủ các quốc gia, người đứng đầu Chính phủ tham dự Diễn đàn Paris vì hòa bình (11-13/11). Tham dự Lễ kỷ niệm có Tổng thống Pháp E.Macron, Thủ tướng Đức A.Markel, Tổng thống Mỹ D.Trump, Tổng thống Nga V.Putin, Thủ tướng Canada J.Trudeau, Thủ tướng Israel B.Netanyahu và nhiều quan chức khác. Giới chính trị ngạc nhiên khi Tổng thống Mỹ D.Trump từ chối tham dự Diễn đàn Paris về hòa bình, kế hoạch gặp song phương Tổng thống Nga V.Putin cũng bị hủy bỏ? 

 

 

Các nhà lãnh đạo thế giới tại Diễn đàn Hòa bình Paris. 

              
Diễn đàn Paris là một trong những sự kiện chính trong khuôn khổ hoạt động kỷ niệm theo sáng kiến của Tổng thống Pháp E.Macron lấy cảm hứng từ mô hình Thỏa thuận chống biển đổi khí hậu Paris-2015 (COP-21). Diễn đàn là nơi chia sẻ kinh nghiệm và các giải pháp mới, quy tụ tất cả các chủ thể quản trị với mục tiêu đề ra là thúc đẩy hòa bình, thông qua việc quản trị một thế giới tốt hơn và khuyến khích mọi sáng kiến góp phần giảm bớt căng thẳng quốc tế. Thông qua Diễn đàn, Tổng thống E.Macron tái khẳng định tầm quan trọng của chủ nghĩa đa phương và hành động tập thể nhằm đối mặt với các thách thức hiện nay như cạnh tranh chiến lược giữa các cường quốc, xung đột sắc tộc, khủng bố, tội phạm mạng, xung đột khu vực, biến đổi khí hậu; đồng thời, kêu gọi chống chủ nghĩa dân tộc, cảnh báo các nước không thể lãng quên những bài học đau thương Thế chiến I-II gây ra.


Diễn đàn Paris có 5 chủ đề về hòa bình bao gồm hòa bình và an ninh, môi trường phát triển, kỹ thuật số, công nghệ mới, kinh tế toàn diện. Trên cơ sở 5 chủ đề, có 150 dự án được trình bày nhằm có được một quá trình hợp tác quốc tế tốt hơn đối với một quá trình toàn cầu hóa công bằng hơn, bình đẳng hơn và một hệ thống đa phương hiệu quả hơn. Diễn đàn được sự ủng hộ của các nhà lãnh đạo các nước, Tổng thống Pháp đã có những nỗ lực đáng kể để các quốc gia cùng chung tay phối hợp hòa bình, hữu nghị, tháo gỡ điểm nóng khu vực.


Việc Tổng thống Mỹ không tham dự Diễn đàn Paris được Chánh Văn phòng Nhà Trắng J.Kelly lý giải, mục tiêu của Diễn đàn không phù hợp với phương châm “Nước Mỹ trên hết” của Tổng thống D.Trump. Động thái này của Ông chủ Nhà Trắng tiếp nối hàng loạt hành động rút khỏi các thỏa thuận quốc tế mà Mỹ tham gia như Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Thỏa thuận chống biến đổi khí hậu Paris-2015 (COP-21), Thỏa thuận hạt nhân Nhóm nước P5+1 (Mỹ, Anh, Pháp Nga, Trung Quốc và Đức) ký với Iran năm 2015, Tổ chức UNESCO, Ủy ban Nhân quyền Liên hợp quốc, Hiệp định kiểm soát vũ khí hạt nhân tầm trung (INF), dọa rút khỏi  Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Phát biểu tại Phiên họp toàn thể Đại hội đồng Liên hợp quốc (25-9 vừa qua), ông D.Trump bác bỏ xu thế toàn cầu hóa và khẳng định, tiếp tục bảo vệ những lợi ích của Mỹ-“Nước Mỹ trên hết!”.


Hàng loạt các động thái mạnh mẽ, bất ngờ của Tổng thống D.Trump đã gặp cơn bão chỉ trích của dư luận quốc tế về chủ nghĩa bảo hộ, cảnh báo gia tăng căng thẳng thương mại, mậu dịch quốc tế, không loại trừ tái chiến tranh toàn cầu. Việc người đứng đầu nước Mỹ từ chối tham gia một diễn đàn đa phương cũng là lời cảnh báo sẽ có những trở ngại nhất định trong tương lai, khi phải giải quyết những thách thức toàn cầu. 


Tham gia các hoạt động kỷ niệm ở Paris (ngày 10-11), Tổng thống D.Trump và Đệ nhất phu nhân Melania hủy chuyến viếng nghĩa trang có binh sĩ Mỹ chết trận ở Belleau, cách Paris 85km, do “trời mưa, mây mù”, máy bay trực thăng không bay được theo kế hoạch; trong khi Tổng thống Pháp, Thủ tướng Đức, Thủ tướng Canada vẫn đội mưa, tưởng niệm. Lập tức, một số chính trị gia Anh, Mỹ cáo buộc ông D.Trump “thiếu tôn trọng những người lính Mỹ”. “Họ đã hy sinh khi đối mặt với kẻ thù và ông D.Trump, thậm chí không thể dành cho những người đã ngã xuống sự tôn trọng cần có”-Nghị sĩ Anh N.Soames, cháu nội cựu Thủ tướng Anh W.Churchill viết trên mạng xã hội. 


Đã 100 năm trôi qua, những đau thương, tang tóc của Thế chiến I vẫn khó nguôi ngoai trong lòng người dân châu Âu. Chiến tranh bắt nguồn từ mâu thuẫn lợi ích giữa các đế quốc châu Âu, mở đầu là tuyên chiến của đế quốc Áo-Hung với Serbia (7-1914). Hai khối quân sự mà trung tâm là Đức-Áo-Hung chống lại Khối Hiệp ước Anh-Pháp-Nga nhưng trên thực tế hơn 70 quốc gia huy động hơn 800 triệu người (hơn 1/2 dân số thế giới thời đó) tham chiến. 


Trong 52 tháng (1914-1918), các đế quốc châu Âu và Mỹ đổ vào cuộc chiến 85 tỉ USD. Thế chiến I đã cướp đi sinh mạng hơn 18,6 triệu người (trong đó có 1,4 triệu binh sĩ Pháp) và 60 triệu người khác mang thương tật suốt đời. Châu Âu bị tàn phá cơ sở hạ tầng lên đến 338 tỉ USD. Ngày 11-11-1918, vào lúc 5 giờ 10, trên một toa tàu hỏa ở một cánh rừng thành phố Compiegne (Pháp) diễn ra Lễ ký văn kiện đình chiến kết thúc Thế chiến I, với phần thắng thuộc về phe Anh-Pháp-Nga và đồng minh, phe đế quốc Đức-Áo-Hung chấp nhận thất bại. Tuy nhiên, chiến tranh đã làm suy yếu nghiêm trọng các đế quốc châu Âu, kể cả người thắng, kẻ thua. Hơn 20 năm sau, lại diễn ra Thế chiến II với phe trục phát xít: Đức-Ý-Nhật và phe đồng minh: Anh-Pháp-Mỹ và Nga (1939-1945); các quốc gia Á-Âu, một lần nữa, bị tàn phá khủng khiếp. Thế chiến II đã cướp đi sinh mạng của hơn 62 triệu người.


Ông D.Trump đến Paris mang theo khối buồn khi Đảng Cộng hòa cầm quyền mất quyền kiểm soát Hạ viện vào tay Đảng Dân chủ. Tuần qua, Đức, Pháp chủ trương không tăng chi tiêu ngân sách quốc phòng; công khai vận động châu Âu, EU xây dựng quân đội riêng để tránh phụ thuộc vào NATO do Mỹ nắm gậy chỉ huy. Tổng thống Pháp E.Macron chỉ trích các nước EU mua vũ khí Mỹ mà bỏ qua vũ khí, thiết bị quân sự của châu Âu, khiến Tổng thống D.Trump thực sự nổi đóa! Trong chuyến thăm Pháp, Tổng thống Nga V.Putin lên tiếng, ủng hộ châu Âu xây dựng quân đội riêng?


Dư luận kỳ vọng, bên lề sự kiện tại Paris, sẽ diễn ra các cuộc gặp cấp cao Nga-Mỹ về Hiệp ước INF, Nga-Israel về Syria hay Mỹ-Trung về thương mại nhưng dường như nước chủ nhà Pháp không muốn giới truyền thông tập trung vào các sự kiện này mà sao nhãng hoạt động chính “100 năm” nên các nhà lãnh đạo đành “hẹn gặp lại” tại Hội nghị G-20 ở Argentina vào cuối tháng này. 


                      HÀ NGỌC

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ