A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Không đổi chủ quyền lấy thương mại-Bản lĩnh Nga!

 

Cuộc chiến Mỹ và châu Âu cấm vận Nga do Washington phát động đã 2 năm được gia hạn đến 31-7-2017, làm nền kinh tế Nga lâm vào tình trạng suy thoái. Mỹ như muốn kéo dài bao vây kinh tế, cô lập Nga, trong khi một số nước châu Âu chần chừ, bởi cấm vận đang kéo theo thiệt hại to lớn cho tất cả các quốc gia chứ không riêng gì Nga. Moskva sớm thực hiện Chính sách hướng Đông, xoay trục sang châu Á và Đông Nam Á, tìm kiếm các đối tác: Trung Quốc, Ấn Độ, ASEAN; hợp tác với các đồng minh của Mỹ: Nhật Bản, Hàn Quốc, Pakistan.

 

 

Lệnh cấm vận của Mỹ và EU thúc đẩy Nga thực hiện chính sách hướng Đông.             (Ảnh Internet)

 

Đầu tháng 5 vừa qua, Thủ tướng Nhật Bản S.Abe thăm Nga, gặp gỡ và hội đàm với Tổng thống Nga V.Putin tại thành phố bên bờ Biển Đen Sochi trước thềm Hội nghị G7- các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới nhóm họp tại Nhật vào cuối tháng 5-2016, chuyên bàn về các vấn đề nóng thách thức toàn cầu! Việc Thủ tướng Nhật S.Abe bỏ qua lời cảnh báo của Tổng thống Mỹ B.Obama kêu gọi (ngày 24-2) không tiến hành các chuyến thăm Nga, như một sự nỗ lực trong việc cải thiện quan hệ Nga-Nhật đã và đang xấu đi do có tranh chấp về lãnh thổ?

 

Người ta hy vọng, hội đàm cấp cao Nga-Nhật dịp này không chỉ là sự gia tăng đầu tư, hợp tác kinh tế, thương mại mà những khác biệt về chính trị, tranh chấp lãnh thổ sẽ được tháo gỡ bằng “những cách tiếp cận riêng”, vì lợi ích của hai nước! Thủ tướng S.Abe cho rằng, nhiều vấn đề nóng ở châu Âu và thế giới không thể giải quyết triệt để nếu thiếu Nga, nên cần phải biết quan điểm của Điện Kremlin trước Hội nghị Thượng đỉnh G7 là cần thiết. Hơn bao giờ hết, chính trường Nhật Bản từ nhiều năm nay, luôn nóng bỏng đòi hỏi phải thu hồi Vùng lãnh thổ phương Bắc mà Nga đang kiểm soát với tên gọi quần đảo Nam Kuril.

 

Giới ngoại giao Nga, Nhật chưa công bố nội dung hội đàm cấp cao Nga-Nhật ở Sochi vừa qua, nhưng người Nhật không khỏi sửng sốt trước phát biểu của Ngoại trưởng Nga S.Lavrov (31-5): “Chúng tôi đang và sẽ không làm điều này. Chúng tôi sẽ không nhượng lại quần đảo Nam Kuril cho Nhật Bản và sẽ không khẩn cầu Nhật Bản về một thỏa thuận hòa bình”. Trước đó 1 ngày (30-5), tại cuộc họp với Hội đồng Kinh tế quốc gia, trả lời ý kiến của một số chuyên gia đề xuất, Nga nên tích cực hòa giải và thực hiện mọi biện pháp để làm giảm căng thẳng địa chính trị; thậm chí giải quyết độ tụt hậu của Nga bằng sự giúp đỡ “thiện chí từ phương Tây”, Tổng thống V.Putin thẳng thắn tuyên bố: “Đặc tính riêng về lịch sử ngàn năm của Nga, sẽ không bao giờ trao đổi chủ quyền lấy kinh tế, ngay cả khi đất nước bị tụt hậu trong một số lĩnh vực”. Ông V.Putin cam kết sẽ bảo vệ chủ quyền nước Nga cho đến cuối đời, như gửi đi thông điệp sẽ tiếp tục lãnh đạo đất nước trong thập niên tiếp theo.

 

Nam Kuril/ Vùng lãnh thổ phương Bắc là quần đảo núi lửa có 56 đảo và một số đảo đá nhỏ, trải dài 1.300 km về phía Đông Bắc từ Hokkaido (Nhật) tới Kamchatka (Nga), chia tách biển Okhotsk từ phía Bắc Thái Bình Dương. Cuối Thế chiến II, Hồng quân Liên Xô tuyên chiến với phát xít Nhật. Hồng quân đánh tan đội quân Quan Đông Nhật ở Trung Quốc, tỏa lực lượng xuống khu vực biển Thái Bình Dương, có mặt trên lãnh thổ Nhật. Theo Hiệp định đầu hàng của Nhật và thỏa thuận trong chiến tranh giữa các nước Đồng minh tại Yalta và Posdam công nhận, Moskva cho rằng, 4 hòn đảo nhỏ ngoài khơi phía Bắc Hokkaido thuộc lãnh thổ của mình. Đây là khu vực hẻo lánh bị bỏ quên trong chiến tranh nhưng lại có giá trị kinh tế, quân sự quan trọng trong xây dựng, bảo vệ đất nước, với số dân 18.000 người có mức sống nghèo khó.

 

Vùng này được xác định là ngư trường có giá trị, trên đảo có nhiều mỏ, lòng biển giàu tiềm năng về dầu lửa và khí đốt. Năm 2010, Nhật công bố yêu sách chủ quyền với Vùng lãnh thổ phương Bắc. Ngay sau đó (1-11-2010), Tổng thống Nga D.Medvedev thăm đảo Kunashiri- một trong 4 đảo Nam Kuril, lại dấy lên cuộc tranh cãi về chủ quyền giữa 2 nước. Tokyo cho rằng, Moskva “lợi dụng cơ hội Nhật bị bại trận trong Thế chiến II để chiếm đảo”.

 

Nga tuyên bố, tôn trọng Hiệp ước Hòa bình San Francisco năm 1951 về kiểm soát đảo Kuril, hàm ý chuyển tải thông điệp: Nhật muốn thảo luận về quần đảo đó thì phải ngồi vào bàn đàm phán. Trên thực tế, Nga, Nhật chưa ký Hiệp ước hòa bình sau Thế chiến II và hai nước cũng chưa có chương trình chính thức đàm phán về tranh chấp biển đảo. Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Mỹ lên tiếng ủng hộ Nhật Bản trong vụ tranh chấp các hòn đảo với Nga. Bản thân Nga, Nhật cũng không muốn xảy ra một cuộc chiến ngoại giao vì không có lợi cho cả hai nước. Nhất là khi Trung Quốc đang gia tăng bành trướng trên biển Đông và Hoa Đông, Mỹ đang thực hiện Chiến lược xoay trục sang châu Á-Thái Bình Dương, bán đảo Triều Tiên chưa có ngày an bình.

 

Cuối tháng 3-2016, Bộ trưởng Quốc phòng Nga S.Shoigu cho biết, Nga đang tái vũ trang cho quân đội đóng trên các đảo Kuril như hệ thống tên lửa phòng vệ bờ biển Bal-E trang bị tên lửa chống hạm Kh-35, tổ hợp tên lửa Bastion, máy bay không người lái thế hệ mới Eleron-3. Hải quân Nga sẽ hình thành một căn cứ quân sự Thái Bình Dương tại Kuril. Đồng thời Nga xây dựng tổ hợp 350 tòa nhà phục vụ nhu cầu quân sự trên đảo. Nhật Bản lên tiếng bác bỏ chủ quyền của Nga và đòi Nga trao trả lại toàn bộ quần đảo. Nhiều năm qua, quan hệ Nga-Nhật căng thẳng xung quanh chủ quyền đảo này.

 

Mỹ và EU cấm vận kinh tế Nga, Moskva đáp trả bằng cấm vận trả đũa. Nếu như Nga thiệt hại hàng trăm tỷ USD do cuộc chiến giá dầu và cấm vận thì châu Âu cùng thiệt hại tương ứng, nhiều nước rơi vào lạm phát mạnh. Cuộc chiến giá dầu làm hàng trăm công ty khai thác, lọc dầu của Mỹ lao đao phải đóng cửa. Các nước OPEC, Vùng Vịnh và cả vua dầu lửa Arab Saudi thâm hụt ngân sách lớn không dưới 100 tỷ USD/năm. Nhiều quốc gia EU lên tiếng phản đối kéo dài cấm vận Nga gây thiệt hại cho chính người dân châu Âu.

 

Sau sự kiện Crimea (3-2014), Mỹ và NATO gây sức ép về phía Nga: Gia tăng tập trận quân sự, phát triển thành viên mới ở Baltic, gây điểm nóng ở khu vực Balkan, Ukraine; thành lập lực lượng phản ứng nhanh giữa Đông Âu, đưa vũ khí hạng nặng vào Ba Lan, khởi động hệ thống phòng thủ tên lửa ở Romania, không mời Nga tham gia G8… Nga tham gia không kích quân khủng bố ở Syria trong bối cảnh kinh tế suy giảm nhưng sức mạnh công nghệ quân sự và hiệu quả tác chiến lại hết sức bất ngờ với chiến thắng vang dội cả về quân sự và vị thế chính trị. Nga bị không quân Thổ bắn lén chiến đấu cơ Su-24, đẩy quan hệ Nga-Thổ căng thẳng đến tột cùng. Trong khó khăn của thời cuộc, người Nga bao giờ cũng tìm ra một lối thoát mới đầy sáng tạo; và vinh quang luôn đến với họ.

 

Chúng ta không ngạc nhiên khi ông chủ Điện Kremlin V.Putin tuyên bố, nước Nga không đem chủ quyền lãnh thổ đánh đổi lấy thương mại dù đất nước phải trải qua những ngày gian khó. Chúng ta đặt niềm tin vững chắc ở truyền thống Nga!

 

Hà Ngọc

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ