Tội phạm nghiêm trọng thời Covid-19
QPTĐ-Báo cáo tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm đã nhấn mạnh đến những kết quả trong công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật về trật tự xã hội trong năm 2020. Theo đó, cơ quan chức năng đã điều tra, làm rõ hơn 40.000 vụ phạm pháp về trật tự xã hội; triệt phá hơn 3.070 băng, nhóm tội phạm hình sự các loại; các vụ án nổi cộm, gây bức xúc dư luận đều được khẩn trương điều tra làm rõ...
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm báo cáo, làm rõ một số vấn đề trong phiên làm việc ngày 21-10 ( Ảnh: Internet)
Các vụ phạm pháp về trật tự xã hội đã giảm 2,76% nhưng một số loại tội phạm như giết người, hiếp dâm, chống người thi hành công vụ, tội phạm liên quan đến cờ bạc... lại có chiều hướng tăng. Đáng chú ý, tội phạm giết người tăng với tính chất, mức độ nguy hiểm, hậu quả nghiêm trọng hơn. Tội phạm liên quan đến “tín dụng đen”, liên quan đến chiếm đoạt tài sản (lừa đảo, trộm cắp, cướp, cướp giật) diễn ra phức tạp...
Đại dịch Covid-19 không chỉ khiến nền kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề mà về mặt xã hội, bên cạnh việc làm gia tăng tội phạm, nó cũng khiến phát sinh những loại tội phạm mới. Dịch bệnh đã góp phần làm gia tăng tỷ lệ thất nghiệp, tạo áp lực gia tăng tội phạm và vi phạm pháp luật, nhất là tại các thành phố lớn, các khu đô thị. Đó là các hành vi vi phạm pháp luật, nhập cảnh trái phép, nhất là trên tuyến biên giới Việt Nam-Trung Quốc và Việt Nam đi các nước châu Âu có diễn biến phức tạp. Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng đã ngăn chặn trên 16.000 trường hợp nhập cảnh trái phép, khởi tố 30 vụ, 70 bị can. Thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng cũng đã bắt giữ hàng trăm người nước ngoài nhập cảnh trái phép.
Tiếp đến là những vụ lừa đảo xuất khẩu lao động, buôn bán phụ nữ, thậm chí mua bán cả bào thai còn trong bụng mẹ… đã gây phẫn nộ trong dư luận. Lợi dụng thời gian cao điểm cách ly vì dịch bệnh, số vụ đánh bạc, tổ chức đánh bạc nhỏ lẻ (như tài xỉu, xóc đĩa…) tăng 17,84 nhưng các vụ đánh bạc, cá độ trực tuyến mới thực sự nguy hiểm. Nhiều đường dây với quy mô hàng nghìn tỷ đồng, thậm chí hàng chục nghìn tỷ đồng bị triệt phá như Quảng Bình, Đà Nẵng, Gia Lai, Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh. Mới đây, lực lượng Cảnh sát hình sự, Công an Hà Nội đã phối hợp đơn vị nghiệp vụ (Bộ Công an) phá đường dây đánh bạc trực tuyến quy mô lớn với số tiền giao dịch ước tính 64 nghìn tỷ đồng, do Trương Ngọc Tú cầm đầu.
Theo thống kê, trong 9 tháng qua, công an các đơn vị, địa phương đã xử lý khoảng 500 vụ việc liên quan hoạt động tổ chức đánh bạc trên mạng, khởi tố gần 1.600 đối tượng. Chưa hết, đó còn là tội phạm liên quan đến dịch bệnh như buôn lậu, làm hàng giả, hàng nhái, nhất là các mặt hàng thiết yếu, vật tư y tế phục vụ phòng, chống dịch Covid-19. Trong 6 tháng đầu năm 2020, ngành Công an đã phát hiện, bắt giữ trên 200 vụ vi phạm là hành vi thu gom, đầu cơ để tăng giá, buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới; sản xuất hàng giả là hàng hóa, trang thiết bị phục vụ phòng bệnh, lợi dụng công tác phòng, chống dịch bệnh để trục lợi. Một số tỉnh, thành như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh đã phát hiện và xử lý nhiều vụ sản xuất khẩu trang y tế giả; thu gom hàng chục tấn quần áo bảo hộ, găng tay y tế đã qua sử dụng, phân loại rồi đưa ra thị trường tiêu thụ…
Bên cạnh đó là hàng loạt các loại đối tượng sử dụng mạng xã hội đăng tin sai sự thật về công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19, gây hoang mang dư luận. Trong 6 tháng đầu năm, 1.479 đối tượng sử dụng mạng xã hội đã bị triệu tập để đấu tranh, trong đó có 17 đối tượng đã bị khởi tố, 466 đối tượng bị xử phạt hành chính.
Dịch bệnh Covid-19 tuy đã được khống chế, nhưng nguy cơ bùng phát của đại dịch vẫn tiềm ẩn và vẫn là thách thức lớn đối với sự phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm an ninh, trật tự của đất nước, trong đó, công tác đấu tranh triệt phá các ổ nhóm tội phạm “ăn theo” dịch Covid-19 đang là một đối tượng mới của ngành Công an và của toàn dân.
Hữu Văn